Phát huy thế mạnh
Sau khi tạo địa chấn ngược dòng đánh bại Abu Dhabi Country Club (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) với tỷ số 5-4 tại tứ kết Giải bóng đá các câu lạc bộ (CLB) châu Á 2024-2025, CLB Bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh xuất sắc vượt qua Thái Nguyên T&T với tỷ số 2-1 để vô địch Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2025. Chức vô địch trên là danh hiệu thứ 10 của CLB nữ TP Hồ Chí Minh trong 7 năm qua.
Bóng đá nữ đang là một trong những môn thể thao thế mạnh của TP Hồ Chí Minh. Thành công trên không phải “bất chiến tự nhiên thành” mà đến từ quá trình phát huy truyền thống, nỗ lực đào tạo, huấn luyện và vận động các nguồn tài trợ xã hội hóa. Trong số các CLB bóng đá nữ Việt Nam hiện nay, CLB bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh là một trong số ít đội đã tiệm cận với hướng phát triển chuyên nghiệp không chỉ bởi chuyên môn mà còn đến từ nguồn tài trợ ổn định. Dù đang trong giai đoạn chuyển giao lực lượng, một số trụ cột chuyển sang thi đấu cho các CLB khác, nhưng bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh vẫn có những thế hệ kế cận tài năng.
    |
 |
Nguyễn Văn Khánh Phong là tài năng triển vọng của thể thao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
|
Tương tự câu chuyện của bóng đá nữ, những năm qua, aerobic là một trong những môn thế mạnh được thể thao TP Hồ Chí Minh duy trì và phát triển ổn định. Với nòng cốt là các VĐV của thể thao TP Hồ Chí Minh, đội tuyển aerobic Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế ở sân chơi khu vực (gần nhất giành trọn 5 huy chương vàng tại SEA Games 32) mà còn tỏa sáng ở sân chơi quốc tế. Và những tấm huy chương vàng tại sân chơi World Cup, giải vô địch châu Á của đội tuyển aerobic là minh chứng cho điều đó.
Ngoài bóng đá nữ và aerobic, thể thao TP Hồ Chí Minh còn có thế mạnh ở nhiều môn thành tích cao như: Điền kinh, thể dục dụng cụ, đua thuyền, judo, bóng rổ, taekwondo... Gần nhất là tại SEA Games 32, thể thao TP Hồ Chí Minh đóng góp 179 thành viên cho đoàn thể thao Việt Nam và đoạt 31 huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 20 huy chương đồng, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu ban đầu là 18 huy chương vàng). Tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19, diễn ra năm 2023, thể thao TP Hồ Chí Minh có 77 thành viên tham dự và giành 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng.
Bà Trần Mai Thúy Hồng, Phó trưởng phòng Quản lý thể dục thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong năm 2024, công tác đào tạo VĐV thành tích cao TP Hồ Chí Minh theo hệ thống 3 đội (đội tuyển, đội trẻ, đội năng khiếu) ổn định và phát triển. Năm 2024, các VĐV thể thao TP Hồ Chí Minh tham dự 220 giải quốc gia, 158 giải quốc tế; đoạt 3.930 huy chương quốc gia các loại (trong đó có 1.447 huy chương vàng) và 434 huy chương quốc tế các loại (trong đó có 192 huy chương vàng). Hệ thống giải thể thao TP Hồ Chí Minh đa dạng và phong phú được tổ chức thường xuyên và liên tục, thu hút nhiều đối tượng tham dự, tạo tiền đề để tuyển chọn và huấn luyện VĐV tài năng”.
Chờ đợi diện mạo mới
Để đánh giá về nền thể thao Việt Nam, các chuyên gia lấy năm 2003-thời điểm Việt Nam lần đầu tiên đăng cai SEA Games, làm cột mốc. Từ năm 2003 trở về trước, thể thao TP Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu trong nhiều môn thể thao trọng điểm, đóng góp nhiều VĐV tài năng cho các đội tuyển thể thao quốc gia ở sân chơi quốc tế. Tại các giải quốc nội, các đội tuyển thể thao của TP Hồ Chí Minh cũng khẳng định được vị thế dẫn đầu, với việc 3 năm liên tiếp nhất toàn đoàn Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (nay là Đại hội Thể thao toàn quốc) vào các năm 1985, 1990 và 1995. Nhiều bộ môn thể thao của TP Hồ Chí Minh trở thành hình mẫu để không ít địa phương đến học tập, nghiên cứu về phát triển tại đơn vị mình.
Mặc dù là một trong 3 trụ cột vững chắc của nền thể thao quốc gia bên cạnh đơn vị Hà Nội và Quân đội, nhưng thể thao TP Hồ Chí Minh vẫn còn dư địa phát triển lớn. Đánh giá về thể thao thành tích cao TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nam Nhân, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh khiêm tốn nói: “TP Hồ Chí Minh luôn được biết đến là địa phương năng động, sáng tạo nhưng so với kinh tế-xã hội, ngành thể thao vẫn phải nỗ lực để có những cú hích mạnh mẽ, đặc biệt là cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và khoa học thể thao xứng tầm, từ đó cải thiện và vươn lên xứng đáng so với sự mong đợi của người dân”.
    |
 |
Các thành viên Câu lạc bộ Bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh nhận cúp vô địch Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2025. Ảnh: VFF
|
Một trong những trở ngại đối với sự phát triển thể thao thành tích cao TP Hồ Chí Minh là thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn lực tài chính và tài trợ, nguồn nhân lực phục vụ thể thao... Thể thao TP Hồ Chí Minh có những môn giữ vững thế mạnh như bóng đá nữ, đua thuyền, thể dục dụng cụ, vovinam... và giữ vững thành tích xếp đầu tại giải vô địch quốc gia ở gần 15 môn. Tuy nhiên, một số môn từng là niềm tự hào, truyền thống của thành phố có dấu hiệu sụt giảm. Nhiều VĐV được các đơn vị khác quan tâm, chiêu mộ, khiến ngành thể thao TP Hồ Chí Minh gặp không ít khó khăn để giữ chân tài năng.
Để giữ chân tài năng, TP Hồ Chí Minh đã đi đầu trong việc ban hành chính sách đặc thù về chế độ đãi ngộ đối với HLV, VĐV, song để phát triển bền vững vẫn cần sự chung tay của các nguồn lực xã hội. Điều đáng mừng là chi ngân sách cho thể thao TP Hồ Chí Minh năm sau tăng hơn năm trước, đời sống của HLV, VĐV không ngừng được nâng cao.
Thể thao TP Hồ Chí Minh đã đề ra kế hoạch tập trung đầu tư 6 môn trọng điểm đầu tư loại 1, 6 môn loại 2, 11 môn loại 3 và các môn còn lại; với đích đến cụ thể là hướng tới đấu trường Olympic, Asian Games. Những người làm chuyên môn tin tưởng, tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2026 tổ chức trên sân nhà, thể thao TP Hồ Chí Minh sẽ trình làng diện mạo mới cả về chất lượng cơ sở vật chất và thành tích thi đấu thể thao, xứng đáng là trụ cột của nền thể thao Việt Nam.
PHƯƠNG NAM