Thua chính mình
Cách Trịnh Văn Vinh bất lực hỏng cả 3 lần thực hiện nội dung cử giật hạng dưới 61kg nam phần nào khắc họa hình ảnh TTVN tại Olympic Paris 2024. Việc Trịnh Văn Vinh thất bại là điều vô cùng tiếc nuối, bởi thời đỉnh cao phong độ, anh nâng được mức tổng cử 307kg và đạt 294kg khi giành vé tới Paris. Nên nhớ, người giành huy chương bạc ở nội dung này là Silachai (Thái Lan) đạt tổng cử 303kg và Morris (Mỹ) giành huy chương đồng với mức tổng cử 298kg.
Tròn 8 năm kể từ khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng (HCV) Olympic Rio 2016, TTVN đã trải qua hai kỳ Olympic trắng tay liên tiếp. Không riêng Trịnh Văn Vinh, phần lớn vận động viên (VĐV) Việt Nam tranh tài tại Paris đều tự thua chính mình. Đơn cử, Nguyễn Huy Hoàng (bơi) chỉ xếp hạng 28/32 ở nội dung 800m tự do và đứng thứ 21/27 ở cự ly 1.500m tự do nam.
|
|
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là điểm sáng duy nhất của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024. Ảnh: HOÀNG LINH
|
Những trận thua của Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing); Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung); Hoàng Thị Tình (judo); Võ Thị Mỹ Tiên (bơi); Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng); Nguyễn Thị Thật (xe đạp)... đều nằm trong dự đoán. Trong khi đó, Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông) dù có khởi đầu tốt nhưng đều không thể giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp.
Điểm sáng duy nhất của TTVN tại Olympic Paris 2024 là hai lần vào chung kết của nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Tuy nhiên, trong lần đầu dự Olympic, xạ thủ quê Thanh Hóa vẫn chưa đủ bản lĩnh để vượt qua áp lực, cùng với đó là kỹ thuật bắn cần cải thiện nhiều. Dẫu vậy, thành tích xếp hạng 4 nội dung 10m súng ngắn hơi nữ và thứ 7 ở nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ của Thu Vinh là điều đáng khen ngợi. Cần biết rằng, trước khi giành 1 HCV, 1 huy chương bạc và phá 1 kỷ lục ở Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh cũng chỉ đứng thứ 4 ở Olympic London 2012. Nếu được đầu tư bài bản, Thu Vinh có nhiều cơ hội tranh huy chương Thế vận hội kỳ tới.
Để có cơ hội tranh chấp huy chương Olympic, TTVN bắt buộc phải có đầu vào tốt. Tại Olympic Rio 2016, Việt Nam có đến 23 VĐV tham gia tranh tài. Nhưng con số này giảm xuống 18 VĐV ở Tokyo 2020 và chỉ còn 16 VĐV vào năm nay. Không chỉ ít về số lượng mà chất lượng VĐV so với tầm Olympic cũng không cao.
Trông người mà ngẫm đến ta
Nếu như TTVN thất bại tại Olympic Paris 2024 thì các đại diện của Đông Nam Á khác đều thi đấu thành công. Philippines có kỳ Thế vận hội rực rỡ khi giành 2 HCV nhờ phong độ chói sáng của VĐV Carlos Yulo (thể dục dụng cụ). Đáng nói tại Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2023, Philippines chỉ xếp hạng 5 sau Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Campuchia. Võ sĩ Panipak (Thái Lan) đi vào lịch sử Đông Nam Á khi bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung hạng 49kg nữ môn taekwondo. Trong khi đó, Indonesia cũng giành tới 2 HCV đến từ môn leo núi tốc độ của Veddriq Leonardo và cử tạ của Rizki Juniansyah hạng 73kg (phá kỷ lục Olympic). Một đại diện khác là Malaysia tuy không đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng xuất sắc giành 2 huy chương đồng.
Thất bại của TTVN tại Olympic Paris 2024 được những người trong cuộc lý giải là bất cập muôn thuở từ sự đầu tư hạn chế, cơ sở vật chất thiếu và lạc hậu; chế độ, dinh dưỡng, khâu hồi phục đến chữa trị chấn thương chưa được bảo đảm... Nói tóm lại, để có được tấm huy chương Olympic là một quá trình gian nan phải đánh đổi nhiều tâm huyết và tiền bạc.
Trong các hội thảo, hội nghị đề cập đến giải pháp phát triển TTVN, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, nếu TTVN còn tiếp tục đầu tư dàn trải ở sân chơi SEA Games thì sẽ khó có thể làm được điều gì ở Á vận hội hay Olympic. Có thể nhìn thấy rất rõ ở nhiều kỳ SEA Games gần đây, các quốc gia hàng đầu Đông Nam Á không còn quá chú trọng tới thành tích, trong khi TTVN vẫn phải lo cạnh tranh vị trí số 1. Ngoài ra, TTVN vẫn chưa xác định rõ thế mạnh của mình để tập trung đầu tư trọng điểm nên tại SEA Games là gã khổng lồ, nhưng ra sân chơi Á vận hội và Olympic thì lại hóa tí hon. "Phát triển thể thao thành tích cao là một quá trình lâu dài, thậm chí phải mất tới 20 năm nên tư duy nhiệm kỳ trong quản lý thể thao là không phù hợp", ông Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng giao nhiệm vụ cho Cục Thể dục thể thao cần sớm định vị TTVN đang ở đâu trong đấu trường quốc tế, dự báo xu hướng phát triển thể thao thành tích cao để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Cho đến thời điểm này, câu hỏi trên vẫn chưa có lời giải, bởi sau Olympic Paris 2024, TTVN lại rơi vào trạng thái mông lung trong việc xác định trọng tâm, trọng điểm, thế mạnh. Căn bệnh mà TTVN đang mắc phải thì ai cũng rõ, nhưng bốc thuốc và điều trị thế nào vẫn là vấn đề nan giải.
VIỆT AN