Vốn di sản của ông cha

Theo số liệu thống kê của các nhà nghiên cứu, sưu tầm, Hà Nội hiện có gần 100 điệu múa cổ bao gồm các hình thái: Múa dân gian, múa tín ngưỡng, múa tôn giáo. Mỗi hình thái múa có một môi trường trình diễn, mục đích, tính chất khác nhau. Trong đó, dòng múa dân gian ở Hà Nội được coi là điểm sáng nổi trội của múa dân gian người Việt vùng văn hóa sông Hồng. Có những điệu múa độc đáo mang nét riêng của Hà Nội, hàm chứa bản sắc văn hóa của người Hà thành mà ít nơi nào có được như múa cờ làng Phù Đổng, múa giảo long làng Lệ Mật, múa rồng lửa làng Khương Thượng...

Đi sâu tìm hiểu về múa cổ Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đều có chung nhận định: Múa cổ Hà Nội là di sản nghệ thuật rất có giá trị của nhân dân Thủ đô và hiếm có địa phương nào trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ còn bảo lưu được nhiều hình thức múa dân gian cổ truyền như ở Hà Nội. Tuy nhiên, qua thăng trầm của thời gian, nhiều điệu múa cổ đã dần mai một và không ít điệu múa cổ cũng đã được dàn dựng, cải biên không còn giữ được nét xưa. Cũng bởi thế mà ngay từ năm 2000, Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã đặt ra một yêu cầu cấp thiết trong hoạt động chính của Hội đó là sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi những điệu múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Thanh niên làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) luyện tập điệu múa bồng. Ảnh: TUYẾT MINH

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho biết, ý tưởng đã nhen nhóm từ năm 2000 nhưng mãi đến năm 2005, hội mới bắt đầu triển khai Đề án Phục hồi múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội. Dẫu nguồn kinh phí hạn hẹp, dẫu những người tham gia đề án đều tuổi cao nhưng họ không quản ngại đường xa, mưa rét hay nắng gió để đồng hành với nhau trong hành trình “hồi sinh” di sản múa cổ. Và thành quả của những chuyến điền dã về các phường, xã ở nội, ngoại thành Hà Nội của Ban Chấp hành và hội viên Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đó là đã sưu tầm, phục dựng được hơn 50 điệu múa cổ. Có thể kể tới điệu múa cổ bài bông ở thôn Phú Nhiêu (huyện Phú Xuyên); múa trống bồng và chạy cờ ở làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì); múa giảo long ở làng Lệ Mật, múa lục cúng ở chùa Đào Xuyên (quận Long Biên); múa lễ chữ ở làng Chữ Xá, múa rắn lột ở làng Trường Lâm (huyện Gia Lâm); múa nghiềm quân ở làng Yên Sở (huyện Hoài Đức); múa sênh tiền ở làng Nhật Tân (quận Tây Hồ); múa tứ linh ở làng Lỗ Khê (huyện Đông Anh); múa cướp bông ở làng Trung Hà (huyện Mê Linh); múa đánh bệt ở làng La Nội (quận Hà Đông); múa cấp sắc, múa chuông (dân tộc Dao) ở xã Thống Nhất (huyện Ba Vì)...

Bên cạnh việc sưu tầm và phục dựng múa cổ, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội còn lan tỏa tinh hoa của múa cổ qua 4 liên hoan múa cổ truyền vào các năm (2007, 2008, 2009 và 2013), đặc biệt là Chương trình “Thăng Long-Hà Nội tìm lại dấu xưa” dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra, hội cũng đã tổ chức 12 buổi biểu diễn múa cổ tại Tượng đài Lý Thái Tổ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô và dịp đầu xuân mới; tiến hành ghi hình 8 điệu múa cổ trên đĩa DVD, đồng thời cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội”.

Là người từng lăn lộn cùng các đồng nghiệp về các làng xã nội ngoại thành xưa để tìm lại những điệu múa cổ của đất kinh kỳ, nghệ sĩ Thái Phiên càng thấm thía và hiểu rõ hơn những gian khó trong hành trình “hồi sinh” múa cổ. Ông chia sẻ: “Qua những chuyến đi thực tế này, điều khó khăn nhất khiến chúng tôi vẫn băn khoăn lo lắng đó là vốn múa cổ truyền của Hà Nội mặc dù rất phong phú, có màu sắc riêng song cũng không ít điệu múa cổ truyền trước đây đã bị biến dạng hoặc dần mai một, ít được phục dựng, biểu diễn. Nhiều điệu múa chỉ còn lưu lại trong tư liệu, thỉnh thoảng nếu có được trình diễn thì khó tìm thấy màu sắc, độc đáo riêng. Hơn nữa, lực lượng hội viên chuyên nghiệp có khả năng nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác quá thiếu, các hội viên trẻ thì phần lớn đều đang công tác nên nhiệm vụ chính của họ vẫn phải theo sự phân công của cơ quan nên Hội thực sự “lực bất tòng tâm”. Trong khi đó, những công việc này đòi hỏi phải có thời gian đi sâu, tìm hiểu kỹ càng chứ nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thì khó có thể hoàn thành tốt được”.

Nhiều nghệ sĩ sưu tầm, phục dựng múa cổ Thăng Long-Hà Nội hiện nay cũng bày tỏ niềm canh cánh trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị múa cổ. Không chỉ bởi nguồn kinh phí ít ỏi, không gian diễn xướng phần nào bị thay đổi trong bối cảnh đô thị hóa mà còn bởi lớp trẻ không mặn mà. Trong khi đó, những người am hiểu, nghệ nhân thông thạo điệu múa này còn rất ít và đều đã cao tuổi. ThS Thanh Hoa (Tạp chí Nhịp điệu) bùi ngùi: “Các nghệ nhân dân gian còn nhớ và biết về các điệu múa cổ đa số đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” và nhiều người ra đi khi công việc còn dang dở. Ngay trong nhóm các nhà nghiên cứu sưu tầm múa cổ của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cũng đều là những nghệ sĩ tuổi đã cao...

Phát huy giá trị trong đời sống đương đại

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập văn hóa, việc mai một những điệu múa cổ đang đặt ra nhiều thách thức khi mà những trào lưu múa mới ngày một lấn át còn những nghệ nhân, những người biết về múa cổ ngày một thưa vắng.

Góp bàn về cách ứng xử đối với múa cổ Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, nhà nghiên cứu Hùng Thoan cho rằng, việc phục dựng múa dân gian cổ truyền thường không dễ, nhất là khi thiếu tài liệu sống (ký ức nghệ nhân lão thành) và không có tài liệu ghi chép, ghi hình. Vì vậy theo ông Thoan, dù làng có đô thị hóa, hiện đại hóa đến đâu đi nữa, sức sống cộng đồng vẫn bền vững, đặc biệt là đời sống tâm linh. Còn đền, còn đình, còn lễ hội, mà còn lễ hội thì còn đất sống cho múa cổ truyền. “Cảnh quan làng Triều Khúc ngày nay đã khác xa 10 năm về trước, nhưng lễ hội làng vẫn đậm đà khí sắc cổ truyền vừa tưng bừng sôi động, vừa ấm áp tình người. Dân làng và dân tứ xứ đến xem hội vẫn háo hức thưởng thức vẻ đẹp của điệu múa “con đĩ đánh bồng”, của múa chạy cờ rồi múa rồng, múa lân. Vậy cần gì phải hiện đại hóa múa cổ”-ông Thoan minh chứng.

ThS, NSƯT Trịnh Quốc Minh (Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội) lưu ý: Để bảo tồn và phát huy giá trị múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội cần phải lập kế hoạch thống kê toàn bộ, tiến tới lập bản đồ di sản múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội; tổ chức chuyên sâu các thư tịch, điển tích, văn bia cùng các nguồn sử liệu có liên quan làm cơ sở khoa học cho quá trình nghiên cứu, sưu tầm đồng thời xây dựng đề án liên kết với các địa phương nơi các nghệ nhân, cộng đồng dân cư, nơi đang bảo tồn di sản múa cổ truyền từ đó khơi dậy mạnh mẽ trong lòng họ niềm tự hào và tình yêu với di sản múa cổ truyền trên mảnh đất họ đang sinh sống...

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải lưu giữ, bảo tồn những điệu múa cổ trong dân cư, trong môi trường văn hóa cộng đồng để phát huy nó trong đời sống hiện đại; tuyên truyền, vận động, giới thiệu tới các bạn trẻ hiểu và yêu múa cổ, bước đầu gây dựng cho họ ý thức học hỏi, tiếp nhận các điệu múa cổ; động viên các nghệ nhân, các làng xã quan tâm, chú trọng đến việc truyền dạy cho các thế hệ con cháu những điệu múa của làng mình. Thêm nữa, để múa cổ Thăng Long không bị mai một, cần có sự lồng ghép, phối hợp kết nối một cách đồng bộ với các giải pháp của các nhà quản lý văn hóa...

Có thể nói, phục dựng múa cổ đã khó nhưng gìn giữ và phát huy giá trị của nó trong đời sống đương đại cũng là việc gian nan, thử thách. Với tâm huyết, tình yêu nghề và quyết tâm hành động nhằm lưu lại những giá trị múa cổ truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau, năm 2019, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã hoàn thành việc khởi thảo Đề án Công trình sách “Múa lễ hội cổ truyền Thăng Long-Hà Nội” và trình lên Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và UBND thành phố để triển khai thực hiện từ năm 2021. Hy vọng ở một hành trình mới, với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, múa cổ Hà Nội sẽ ngày càng phát huy được giá trị và lan tỏa trong đời sống đương đại.

- NSND Ứng Duy Thịnh: Nhìn vào một số điệu múa cổ Hà Nội, không khó khăn lắm có thể nhận biết được những chi tiết có bàn tay của biên đạo thời hiện đại can thiệp vào. Vì thế, muốn xác định được giá trị của múa cổ Hà Nội, cần xây dựng tiêu chí để tiếp cận, phân tích, phân loại một cách khoa học và khách quan. Múa cổ Hà Nội là một di sản văn hóa quý báu của Thủ đô nên các cấp quản lý cần nhận thức đúng để có chiến lược đầu tư và phát triển trong đời sống hiện nay.

 - TS Nguyễn Thu Hằng (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội): Việc khôi phục các điệu múa dân gian đã bị mai một hoặc bị mất đi do những nguyên nhân của lịch sử và thời đại phải được tổ chức, hướng dẫn dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhà quản lý, hoạt động chuyên môn và giới nghiên cứu văn hóa. Trong quá trình này, chúng ta cũng cần phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của chủ thể văn hóa.

ĐẶNG THỦY