Khai thác nguồn nguyên liệu thiên nhiên
Tốt nghiệp ngành công nghệ hóa học tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Phan Minh Tiến đã có việc làm ổn định, thu nhập cao ở một doanh nghiệp lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, với trăn trở từ lâu về khai thác nguồn nguyên liệu thiên nhiên, tiềm năng to lớn từ cây dừa nước, anh quyết định khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hành trình khởi nghiệp của anh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và để hiện thực hóa dự án mật dừa nước, anh đã dành vài năm nghiên cứu, phát triển.
Phan Minh Tiến chia sẻ: “Ban đầu, tôi chú trọng phát triển sản phẩm mật dừa nước, được lấy từ phần cuống nối buồng dừa và thân cây dừa nước. Khó khăn là phải làm đúng kỹ thuật tác động vào cuống, thông tuyến mạch ở bên trong cuống mới có thể lấy được từng giọt mật. Tôi đã mất một thời gian thử nghiệm mới thực hiện thành công. Mỗi cuống dừa sẽ chảy ra trung bình một lít mật mỗi ngày và liên tục trong khoảng một tháng. Cuống dừa đạt chuẩn để lấy mật phải to, dài, có quả dừa không quá non, không quá già để có thể cho ra được những giọt mật tinh khiết. Sau khi lấy mật, chúng tôi thực hiện quy trình cô đặc để giữ màu sắc, hương vị thơm ngon tự nhiên của mật dừa nước”.
|
|
Anh Phan Minh Tiến được tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2020. |
Bằng những kiến thức tích lũy, người kỹ sư hóa học này đã ứng dụng các công nghệ, chiết xuất thành công mật từ cây dừa nước theo hướng 100% tự nhiên, phát triển được hai sản phẩm: Tinh chất mật dừa nước và mật dừa nước cô đặc. Sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm nghiệm khẳng định, sản phẩm bảo đảm các thông số phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất ngọt, có khả năng thanh nhiệt, giải độc và góp phần bổ sung lượng khoáng cho cơ thể. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước.
Hiện nay, quy mô sản xuất của VietNipa đạt sản lượng hơn 3.000 lít mật dừa nước/tháng, đưa ra thị trường hơn 6.000 chai (300ml/chai) mật dừa nước tinh chất/tháng và hơn 500 chai mật dừa nước cô đặc/tháng. Sản phẩm của VietNipa đã đạt chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2019” do UBND TP Hồ Chí Minh cấp, giải nhì Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019” do Trung ương Đoàn tổ chức.
Phát triển thương hiệu, nâng tầm giá trị
Theo anh Tiến, lúc đầu, sản phẩm còn khá mới ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng chưa biết đến mật dừa nước, công dụng, cách sử dụng... nên tiêu thụ còn chậm. Tuy nhiên, không nản chí, anh xác định thị trường chính là thước đo cho “sự sống” của sản phẩm khởi nghiệp nên đã mạnh dạn thực hiện từng bước, vững chắc các khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm để giải bài toán thị trường đầu ra. VietNipa đã tham gia nhiều phiên chợ, hội chợ, hội nghị liên quan đến nông sản sạch, nông sản an toàn để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện sản phẩm cũng được bày bán định kỳ mỗi tuần tại Phiên chợ xanh tử tế (quận 3).
Bên cạnh thị trường TP Hồ Chí Minh, sản phẩm mật dừa nước đã đến Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng... và các hệ thống phân phối hiện đại như: Vạn Hạnh Mall, Mega market... Đặc biệt, để phát triển thương hiệu nhanh, anh Tiến tận dụng sức mạnh của công nghệ, marketing trực tuyến. Ngoài trang thông tin chính thức là: https://duanuocongsau.com, công ty còn có các trang bán lẻ, quảng bá sản phẩm nền tảng mạng xã hội, trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiệu quả hoạt động của công ty đã và đang tạo việc làm cho khoảng 15 lao động trẻ tại địa phương với thu nhập ổn định.
Để mọi người biết đến đặc sản vùng đất Cần Giờ nhiều hơn, anh Tiến còn xây dựng sản phẩm như món quà tặng để du khách đến Cần Giờ sẽ thưởng thức, mua sắm làm quà tặng, giúp sản phẩm lan tỏa nhanh hơn. Anh cũng đang tìm hiểu các đối tác phù hợp để xuất khẩu sản phẩm mật dừa nước sang thị trường tiềm năng. Bên cạnh kế hoạch tạo vùng nguyên liệu cây dừa nước, anh dự kiến sản xuất thêm sản phẩm từ cơm dừa. “Dự định thì nhiều nhưng tôi xác định phải thực hiện từng bước vững chắc, khi thị trường nội địa chấp nhận mật dừa nước với lượng tiêu thụ ổn định sẽ là nền tảng tốt để phát triển những kế hoạch tiếp theo”, anh Tiến bộc bạch.
Hiện tại, mô hình hoạt động của Phan Minh Tiến được xem là điển hình về khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo thành công tại thành phố. Chia sẻ về kinh nghiệm này, theo anh Tiến, khi người trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ chế biến sẽ có lợi thế về kiến thức chế biến các nông sản thô thành sản phẩm, thực phẩm có giá trị cao, bảo quản lâu hơn. Tuy nhiên, muốn khởi nghiệp thành công thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải hiểu về các tiêu chuẩn cho nông sản, vấn đề truy xuất nguồn gốc và cần tư duy kinh doanh hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với người tiêu dùng, nhà phân phối. Anh khiêm tốn: “Bản thân tôi còn phải học tập rất nhiều từ những doanh nghiệp thành công. Đồng thời phải luôn giữ vững quyết tâm, không chùn bước trước khó khăn, luôn sáng tạo, làm mới những thứ cũ để tạo nên giá trị cao hơn”.
Đầu năm 2021, Phan Minh Tiến vinh dự là một trong những gương điển hình được tuyên dương danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2020.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG