Cùng với dế, châu chấu, cá chọi,… thì có lẽ chuồn chuồn là con vật được con trẻ yêu mến hơn cả, dù đứa nào cũng sợ chuồn chuồn cắn rốn. Nhắc đến chuồn chuồn, là nhắc đến thời thơ ấu với những lần đuổi bắt trên cánh đồng, ra bờ sông nghịch nước, lội đồng bắt cá, tôm, rồi cả những lần trèo me, hái sấu ngã bêu đầu.
Dù đã trưởng thành nhưng mỗi lần nhìn thấy chuồn chuồn, chắc hẳn lòng người ai mà không khỏi nhớ về một thời “trẻ trâu” cứ mải mê đuổi bắt theo cánh chuồn chuồn ớt đỏ chót, chuồn chuồn ngô ngạo nghễ như trực thăng trên những bụi cỏ. Xa bờ ao nhà mình, con chuồn chuồn đã bạc màu xanh/ Ô kìa con chuồn chuồn màu vàng như trái cam... sao mà đáng yêu đến thế!
Có lẽ quá đau đáu với tuổi thơ, mà người dân làng Thạch Xá, xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) đã quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống làm chuồn chuồn tre. Gia đình ông Đỗ Văn Liên và bà Nguyễn Thị Xoan là những người tâm huyết hơn cả trong việc giữ nghề truyền thống này. Bà Nguyễn Thị Xoan hồi tưởng: “Hồi trước, gia đình cũng có nghề mây tre, còn nghề làm chuồn chuồn tre, nhẩm ra mới được khoảng hai thập niên. Nghề này chẳng giúp gia đình giàu lên nhưng đủ ăn, nuôi dạy con cháu học hành khôn lớn, âu cũng là cái duyên”.
    |
 |
Du khách nước ngoài tự tay trang trí cho những chú chuồn chuồn tre của mình |
Ông Đỗ Văn Liên chỉ cho tôi rằng: “Làm chuồn chuồn tre thì phải chọn loại tre đương độ phát triển, không già không non, tre dài, trắng, độ dày vừa phải. Sau công đoạn gọt, đẽo, lắp cánh… chuồn chuồn tre được mang đi sơn màu. Có tất cả 10 loại màu để sơn cho những chú chuồn chuồn đáng yêu, ngộ nghĩnh này”.
Thanh niên ở Thạch Xá những ngày hè nếu thích tranh thủ kiếm tiền thì có thể nhận việc sơn chuồn chuồn tre. Một bạn trẻ trong một ngày có thể sơn được khoảng 700-800 con. Còn để vẽ trang trí hoa văn lên chuồn chuồn thì phải là những cô cậu học trò, lão nghệ nhân khéo tay. Cái hay là hoa văn vẽ lên mỗi cánh chuồn chuồn đều là độc bản. Nhìn thì như là từ một khuôn đúc ra nhưng cánh hoa lúc to lúc nhỏ, họa tiết lúc thì như mây bay, lúc thì như rồng múa, thôi thì ảo diệu vô cùng. Người nghệ nhân lúc vui thì hoa văn như nhảy múa trên cánh chuồn chuồn, lúc buồn thì đường nét trang trí cũng mang theo cả một trời tâm trạng.
Tháng trước, tác giả dừng chân ở Hội An (Quảng Nam), thấy rất nhiều cửa hàng ở phố Hội bán chuồn chuồn tre, hỏi ra xuất xứ phần nhiều là từ Thạch Xá. Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài rất thích mua chuồn chuồn tre làm kỷ niệm. Có thể đồ vật này nhỏ bé, xinh xắn, nhiều màu sắc, dễ bày, hoặc cũng có thể Tây cũng như ta, đều coi chuồn chuồn là con vật hiền lành, từng có thời gắn với tuổi thơ.
Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá nằm dưới chân núi Tây Phương. Về làng chơi, du khách có thể thăm chùa Tây Phương, thưởng thức chè lam nổi tiếng của làng và trước khi ra về, mọi người đều không quên mua vài chú chuồn chuồn tre làm quà.
Giờ chuồn chuồn tre đã nằm yên vị trong ba lô của du khách rồi, chuẩn bị cho những chuyến hành trình về Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… Chuồn chuồn tre bé xíu, mà chứa đựng cả một trời mơ ước.
Bài và ảnh: ANH VŨ