Nơi đây, hiện lưu giữ nhiều hình ảnh, bút tích các bài thơ và những kỷ vật thiêng liêng từng gắn bó với nhà cách mạng-nhà thơ lớn của dân tộc.
Nhà lưu niệm Tố Hữu được gia đình xây dựng và khánh thành vào ngày 4-10-2010 nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà thơ. Trong không gian khá yên bình, nhà lưu niệm được sắp xếp thành hai phần: Tầng 1 là những hình ảnh, kỷ vật về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của nhà thơ và những dòng lưu niệm của bạn bè, đồng nghiệp viết về ông; tầng 2 là nơi tái hiện không gian sống và làm việc của nhà thơ lúc sinh thời tại 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Đến đây, khách tham quan như được trở về thời kỳ sục sôi cách mạng của dân tộc qua những hình ảnh của nhà thơ với nhân dân, chiến sĩ, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng nghiệp, bạn bè trong và ngoài nước cùng các vần thơ trữ tình-cách mạng quen thuộc: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”; “Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”… hay là những câu thơ đã khiến hàng triệu trái tim người Việt nghẹn ngào khi Bác mất: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”...
Góc tái hiện không gian làm việc của nhà thơ Tố Hữu lúc sinh thời.
Nhà cách mạng-nhà thơ Tố Hữu đã để lại cho hậu thế một gia tài thơ văn đồ sộ được sáng tác trong một thời gian dài từ trước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, qua kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến khi đất nước được hoàn toàn giải phóng và bước sang thời kỳ đổi mới với hàng trăm bài thơ. “Thơ Tố Hữu rõ ràng dẫn đầu cả một trào lưu lớn của thơ cách mạng Việt Nam và điều này rất hiếm-dẫn đầu liên tục trong ngót bốn mươi năm” (theo nhận xét của Hoài Thanh). Đến tham quan Nhà lưu niệm Tố Hữu, chúng tôi thực sự xúc động khi nhìn thấy những dòng viết tay của nhà thơ trên các trang giấy nhỏ, đều, dễ đọc và có đánh số trang rất cẩn thận. Nơi đây còn lưu giữ bút tích nhiều bài thơ mà các thế hệ học sinh Việt Nam đã thuộc lòng như: “Việt Bắc”, “Bầm ơi”, “Mưa rơi”, “Miền Nam”, “Em ơi… Ba Lan…”; “Bài ca mùa xuân 1961”... Có bài thơ được ông viết trên hai mặt giấy, bên phải là bản đầu tiên, bên trái là bản đã được chỉnh sửa. Thường để có được một bài thơ hoàn chỉnh thì có rất nhiều bản chỉnh sửa, có bài còn ghi thêm cảm xúc sáng tác hoặc những bức ký họa bằng bút mực xanh, mực đỏ khắc họa khung cảnh xung quanh, như bài thơ “Mưa rơi”. Một điều khá thú vị khi xem bút tích bài thơ “Em ơi… Ba Lan…” trong cuốn sổ tay của ông, chúng tôi cảm thấy những dòng thơ cứ như thế mà tuôn trào khi ông kể về đất nước Ba Lan tươi đẹp. Bài thơ này ban đầu nhà thơ đặt tiêu đề là “Ba Lan mùa tuyết tan” nhưng về sau sửa lại thành “Em ơi… Ba Lan…” (sáng tác năm 1959, in trong tập “Gió lộng”).
Bên cạnh hình ảnh, bút tích là những kỷ vật từng gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông như: Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày và nhiều huân, huy chương cao quý, các giấy chứng minh thư do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Tố Hữu giữ các chức: Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ (1953, 1954), Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền (1955)… Có những kỷ vật đã đi vào tác phẩm của ông như chiếc chăn sui do nhân dân làng Rô (thuộc tỉnh Quảng Nam), nơi từng nuôi giấu nhà thơ lúc vượt ngục năm 1942, mang ra Hà Nội tặng khi ông mất; chiếc khăn mùi soa gửi từ Nhà tù Phú Lợi; bộ dao kéo của các anh Sồ và Hậu (con mẹ Tơm) vừa làm nghề cắt tóc lấy tiền nuôi gia đình và đồng chí Tố Hữu, vừa hoạt động cách mạng, đến khi bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng hai anh vẫn kiên quyết không khai…
Từ khi khánh thành đến nay, nhà lưu niệm đã đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan. Trong đó có các lão thành cách mạng, cựu chiến binh là đồng đội của Tố Hữu, nhân dân các địa phương mà ông từng sinh sống, bạn bè thơ văn, nhà giáo và các thế hệ học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bà Hoàng Oanh, cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, TP Nam Định, khi tham quan Nhà lưu niệm Tố Hữu đã viết: “Thăm nhà lưu niệm của nhà thơ mà tôi vô cùng yêu quý, khâm phục, tôi không khỏi bùi ngùi vì vào tuổi tôi, thời học sinh, các bài thơ của ông thấm đậm sâu vào trái tim của mỗi chúng tôi”. Còn học sinh Đỗ Hương Giang, Lớp 5A, Trường Tiểu học Dân lập Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) thì bày tỏ: “Cảm ơn cụ-người hoạt động cách mạng trên văn nghệ, người chiến sĩ trên trang giấy vĩ đại, đã cho chúng con thấu hiểu và như được sống lại một thời cách mạng máu lửa, hào hùng, toàn dân hừng hực khí thế qua những dòng thơ cụ để lại cho thế hệ chúng con và thế hệ muôn đời sau”.
Tham quan nhà lưu niệm của nhà thơ, đọc lại những câu thơ cuối cùng trước khi Tố Hữu “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất”, chúng tôi và hẳn nhiều người khác như được truyền lửa để có thêm niềm tin vào cuộc sống bởi một trái tim nhiệt huyết, tình yêu thương con người và tinh thần lạc quan của nhà thơ. Đó là giá trị lớn nhất ông để lại cho các thế hệ con, cháu hôm nay.
Bài và ảnh: MINH THÀNH