Ngọt ngào vị Tết quê hương

Tình cờ gặp nhau tại một triển lãm ảnh về Trường Sa năm 2016, tình yêu tha thiết với biển, đảo quê hương đã gắn kết Ngọc và Phượng thành đôi bạn thân thiết, cùng chung chí hướng và hành động. Đặc biệt, là thành viên của Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, họ có mặt trong nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về biển, đảo…

Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên, sum họp của các gia đình nhưng những cán bộ, chiến sĩ công tác nơi đảo xa vẫn ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cảm phục những người lính kiên trung, hai bạn gái mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé mang hương xuân, vị Tết đủ đầy đến với các đơn vị tại quần đảo Trường Sa. Ngọc và Phượng đã chọn phần việc phù hợp và vừa sức với mình: Làm mứt dừa-một trong những món ăn đặc trưng trong những ngày Tết cổ truyền.

leftcenterrightdel
Niềm vui của chiến sĩ

Thu Phượng chia sẻ: “Tết Nguyên đán năm 2019, chúng tôi đã cùng nhau làm mứt, gửi tàu ra các đảo ở Trường Sa. Món quà Tết từ đất liền đã được cán bộ, chiến sĩ đón nhận và phản hồi rất tốt. Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi tiếp tục cùng nhau làm mứt dừa với số lượng tăng gấp rưỡi so với năm trước (tương đương 230kg)”. Sau giờ học tại trường, Đoàn Thị Ngọc di chuyển hàng chục cây số đến nhà chị Thu Phượng, hai chị em cùng vào bếp làm mứt. Để hoàn thành 230kg mứt dừa cho kịp chuyến tàu Tết ra đảo, hai cô gái dành hơn 10 buổi tối liên tục để sơ chế nguyên liệu, ngâm đường, sên mứt… Thành phẩm làm xong đạt yêu cầu thơm ngon, không bị chảy đường, giúp cho việc bảo quản và vận chuyển mứt đến tận tay các chiến sĩ bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Có nhiều đêm chỉ chợp mắt được khoảng 3 giờ đồng hồ, song hai chị em cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đang làm một việc có ý nghĩa”-Ngọc chia sẻ.

Niềm vui này được nhân lên nhiều lần khi hai bạn gái nhận được sự động viên, hỗ trợ, ủng hộ tích cực của người thân và bạn bè. Thu Phượng kể, nhiều học sinh nán lại trường sau giờ học để cùng cô giáo chia mứt vào hàng trăm túi, bao gói, hút chân không cẩn thận. Trên mỗi gói mứt đính kèm tấm thiệp chúc Tết được thiết kế riêng với sự cẩn thận, chỉn chu, chọn lọc những hình ảnh đặc trưng của Tết để bộ đội cầm gói mứt trên tay sẽ cảm thấy xuân đã về, Tết đã đến, là tình cảm nhớ thương da diết của đất liền gửi ra biển, đảo. Đó là hình ảnh cành hoa đào của miền Bắc cùng những lời chúc chan chứa yêu thương: “Hai em Phượng Ớt-Thỏ Ngọc cùng các bạn chúc các anh em đón Tết vui vẻ bên đồng đội. Năm mới mạnh khỏe, bình an, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích cao trong sự nghiệp”. Tấm thiệp được in phủ lớp nilon mỏng bên ngoài, có độ bền cao, dù nước biển trong quá trình vận chuyển có tạt vào cũng không bị ẩm, mủn giấy. Những gói mứt dừa được hai bạn gái cẩn thận đóng hộp gọn gàng, chuyển theo xe vào nơi tập kết hàng hóa ra đảo. Ngày bàn giao, Thu Phượng có mặt tại cảng Cam Ranh, tận tay kiểm tra lại những hộp mứt Tết trước khi chúng được đưa lên tàu ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Trân trọng hơn giá trị của hòa bình

leftcenterrightdel
Ngọc và Phượng (thứ, nhất, thứ hai từ bên trái sang) cùng chiến sĩ hải quân và người bạn tại một triển lãm ảnh về Trường Sa.

Chiều cuối năm, vừa trở về từ Cam Ranh, Thu Phượng và Đoàn Thị Ngọc đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình. Là những thanh niên thế hệ 9X, sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhưng tình cảm đặc biệt sâu sắc của hai bạn gái dành cho biển, đảo yêu thương thật xúc động và ý nghĩa. Ngọc kể lại: “Khi là sinh viên năm thứ hai, trong khóa học giáo dục quốc phòng, được thầy giáo, vốn là người lính đã từng công tác tại Trường Sa kể về cuộc sống ngoài biển, đảo, em mới hiểu rõ hơn về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Em rất xúc động trước những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của những người lính đang làm nhiệm vụ trong thời bình”. Vì thế, cô nữ sinh Đoàn Thị Ngọc đã nhen nhóm ước muốn và hy vọng được đến Trường Sa, được gặp những người lính hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trong lúc chờ đợi cơ hội, Ngọc trải lòng mình qua những áng thơ lắng đọng về biển, đảo, Trường Sa và những người lính hải quân. Năm 2015, may mắn đã đến với Đoàn Thị Ngọc khi em được xét chọn là một trong 10 thanh niên tiêu biểu tham gia Hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” của Trung ương Đoàn để tham gia đoàn ra Trường Sa. Những trải nghiệm quý giá ở mảnh đất nơi đầu sóng hùng vĩ của Việt Nam càng bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc trong lòng em.

Những trang thơ về Trường Sa của Ngọc tràn đầy cảm xúc, sâu sắc, da diết hơn. Mới đây, Ngọc đã tập hợp các bài thơ của mình để in thành tập thơ đầu tay có tựa đề “Ngược sóng”. Tập thơ này đã trở thành “món ăn tinh thần” đối với các chiến sĩ tại các đảo của Trường Sa, là lời động viên và chia sẻ chân tình từ đất liền gửi ra đảo xa.

Khác với Ngọc, Thu Phượng biết đến biển, đảo từ ngày còn ấu thơ qua lời kể của người cha thân yêu-một chiến sĩ hải quân phục viên. Biển, đảo với Phượng tuy xa mà lại rất gần, vì vậy, Phượng luôn dành sự quan tâm của mình cho việc tìm hiểu về cuộc sống chiến đấu và sinh hoạt của những người lính nơi biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đặc biệt, Phượng luôn là thành viên tích cực trong các phong trào, hoạt động của Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương. Năm 2018, Phượng đã hai lần được theo tàu ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. “Thời điểm đó, hai con gái của tôi còn rất nhỏ nhưng nhà trường, gia đình, nhất là bố tôi đã tạo điều kiện, động viên để tôi yên tâm lên đường, thực hiện tâm nguyện của mình và cả tâm nguyện năm xưa mà bố chưa có điều kiện thực hiện”.

Trở về đất liền sau hành trình vượt qua hàng trăm hải lý trên Biển Đông, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ, Phượng cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của cuộc sống bình yên và hòa bình. “Tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm và sống tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa”-Phượng chia sẻ.

Tại Trường Tiểu học Văn Phú, Phượng đã thành lập Tủ sách biển, đảo quê hương, sưu tầm những tác phẩm hay về biển, đảo; trò chuyện, vun đắp và lan tỏa tình yêu biển, đảo, quê hương, đất nước đến các em nhỏ. Điều ý nghĩa hơn cả là qua các chuyến đi ra đảo và qua việc làm thiết thực vì biển, đảo, Phượng và Ngọc có thêm nhiều người bạn mới là những chiến sĩ hải quân, kết nối tình cảm yêu thương từ đất liền với đảo xa, chia sẻ những niềm vui, hạnh phúc; động viên và bồi đắp ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

MINH VÂN