Người ta đến chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa, để giao lưu, tìm hiểu văn hóa, tập tục mỗi địa phương. Có chợ là có sự náo nhiệt, sôi động hay nói theo một nghĩa khác, chợ là cái hồn của mỗi vùng miền.
Trong nhịp sống hối hả của thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do nhu cầu cuộc sống, hàng loạt siêu thị lớn nhỏ, cửa hàng tiện ích được mở ra phục vụ người tiêu dùng. Mặc dù vậy, chợ nói chung và chợ phiên nói riêng vẫn luôn tồn tại và lưu giữ những giá trị độc quyền.
Khách hàng lựa chọn phong lan ở chợ Bưởi.
Khi tìm đến phiên chợ Bưởi, những bộn bề lo toan của cuộc sống tạm gác lại. Những người đi chợ Bưởi đều tìm thấy một chút Hà thành thanh lịch, một chút điển hình của những vùng quê Bắc Bộ bình dị từ bao đời. Nét độc đáo, khác biệt của chợ Bưởi là ở chỗ vào mỗi phiên chợ, những người bán hàng từ các vùng phụ cận có mặt từ rất sớm, chọn cho mình một vị trí thật đắc địa, bày ra những mặt hàng mà chỉ có ở chợ phiên mới thấy. Đó là những cây giống con con được để trong từng bó lá một, người bán là những cụ cao niên tóc đã phai màu, đội nón trắng, lưng quấn mảnh áo mưa, xuề xòa mời khách mua hàng. Là những con giống như chim, thỏ, chó, mèo… trong lồng sắt, lồng gỗ cũ kỹ bán cho những người yêu quý động vật chăm sóc. Chất quê chợ Bưởi là trong sự chuyển động của nhịp sống, khi những chiếc xe gắn máy, ô tô hạng sang di chuyển trên đường, vẫn có sự chậm rãi, khoan thai của một đứa trẻ nắm tay bà đi chợ mua quà, ngồi sà xuống vuốt ve những con chó, con mèo với niềm vui hớn hở.
Chợ Bưởi ngày nay khác xưa nhiều, ngoài khu vực trung tâm, chợ còn họp dọc theo hai bên đường kéo dài từ ngã tư Hoàng Hoa Thám-Lạc Long Quân đến ngã tư Văn Cao dài hàng cây số. Nhiều loại mặt hàng, xuất xứ từ khắp nơi nhưng chủ yếu là hoa, cây cảnh từ các làng: Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân ven Hồ Tây mang đến. Ngoài ra, vào những ngày cố định, các chợ phụ như chợ phiên đồ cổ, chợ chim, chợ cá cảnh cũng được tổ chức ở đây, thu hút rất nhiều người có cùng đam mê lui tới.
“Buôn có bạn, bán có phường”. Có những người đã cùng bán hàng mấy chục năm ở chợ Bưởi, có những người mới bán nhưng nét duyên quê lại tự nhiên kết thành bạn. Ai bán hàng cũng mong có lãi nhưng họ đến đây không chỉ để bán hàng, tiếng cười nói sảng khoái vọng từ hàng này qua hàng khác chính là câu chuyện của sự giao lưu, chia sẻ. Lao động trong niềm vui của những người dân quê chân chất chính là nét đẹp của một phiên chợ quê dân dã.
Một điều thú vị ở chợ Bưởi là nhiều người dù không mua gì nhưng cũng rủ nhau đi chợ để ngắm hoa, cây cảnh, chim cá. Trong sắc màu rực rỡ của các loài hoa, ai cũng muốn dừng lại một chút để thưởng thức hương vị cuộc sống. Sức hấp dẫn từ các giống lan nơi núi rừng Tây Bắc, những bể cá vàng, cá kiếm, cùng các chú sáo đen, họa mi… giúp lòng người thêm phần thư thái.
Vẻ đẹp vốn có của chợ Bưởi đã đi vào tâm hồn người Hà Nội mà hiếm chợ nào có được. Vẻ đẹp ấy khó diễn đạt thành lời. Những người xa quê sinh sống lâu ngày ở Thủ đô, lúc rảnh rang vẫn đi chơi chợ Bưởi để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Bảo sao chợ Bưởi lại dễ gần, dễ thương đến thế!
Bài và ảnh: PHƯƠNG THẢO