Nói rằng “nghi hoặc, băn khoăn” là bởi trong lịch sử hình thành và phát triển hơn nửa thế kỷ của mình, chưa bao giờ Hội Nhà văn Hà Nội lại có một nhiệm kỳ quá hạn hơn một năm rưỡi theo Điều lệ và... thông lệ, kể cả trong những năm chiến tranh ác liệt, Hà Nội phải oằn mình dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù. Vì sao có sự chậm trễ này thì từ Ban chấp hành đương nhiệm đến các cơ quan quản lý văn nghệ Thủ đô không có một văn bản giải thích chính thức, và hầu như cũng không ai nỡ đòi hỏi một sự giải thích cặn kẽ công khai, bởi ai cũng hiểu đây là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, nhất thiết phải có một sự định hướng và quản lý chặt chẽ. Có thể nói tâm lý nghi hoặc, băn khoăn này là thể hiện trách nhiệm cao của những người cầm bút đối với “tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp” của mình cũng như vận hội mới của mình trong chặng đường trước mắt. Hội Nhà văn Hà Nội phải là mái nhà chung ấm áp, thông thoáng và vững chãi của các nhà văn Hà Nội; trong đó Ban chấp hành phải là những người gương mẫu về phẩm cách, uy tín về văn chương, tận tâm với công tác hội, trách nhiệm với quyền lợi chính đáng của các hội viên... Đó là một yêu cầu chính đáng. Bởi vậy, nếu không khí của phiên khai mạc có “nóng” lên hơi quá mức một chút khi có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến công tác bầu cử Ban chấp hành khóa mới thì cũng là điều bình thường và dễ hiểu.

leftcenterrightdel
Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa XII, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: TẦN TẦN 
Và tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, tỏa sáng văn hiến Thăng Long-Hà Nội” được thể hiện đầy thuyết phục suốt quá trình diễn biến của đại hội ngay sau đó. Thật là hóm hỉnh và “dễ thương” khi nhà thơ Trần Đăng Khoa-một hội viên vừa là thần đồng thơ nổi tiếng, vừa là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam-nói rằng “các nhà văn chúng ta “đánh vật” với trang giấy đã khổ sở lắm rồi, còn hơi sức đâu mà “vật nhau” vì những chuyện ngoài văn chương nữa!”. Nhà thơ Vũ Quần Phương, một cây bút “trưởng lão” của hội hiểu theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này, cũng bày tỏ những lời tâm huyết về tình bạn bè, đồng nghiệp của các thế hệ cầm bút Hà Nội xưa nay, coi đó như một phẩm cách của văn hiến Thăng Long-Hà Nội. Nhà thơ Bằng Việt, một gương mặt sáng giá của thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội và Chủ tịch đương nhiệm Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội, thì bày tỏ những trăn trở về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận của Hội Nhà văn Hà Nội: “Thế hệ kháng chiến chống Pháp hầu như đã rời khỏi văn đàn gần hết. Thế hệ kháng chiến chống Mỹ cũng đã bước vào độ tuổi “cổ lai hy”. Nhiệm vụ vô cùng lớn lao của chúng ta là gắng sức phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện để một đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ tuổi kế cận sớm kịp thời trưởng thành và đạt tới những thành tựu cao, khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn cả nước…”. Tiếp nối ý kiến trên đây, nhà thơ “thế hệ 8x” Vi Thùy Linh xúc động đến nghẹn lời, đôi lúc phải dừng lại để trấn tĩnh, khi trình bày bản tham luận đầy tâm huyết: Những người viết trẻ đang ở đâu? Họ muốn gì? Còn nhà văn Thùy Dương thì đặt vấn đề: “Khi nhà văn còn viết thì đó là điều may mắn cho xã hội và cộng đồng. Bởi sẽ bất hạnh thay khi giới tinh hoa, trong đó có nhà văn, không còn cảm thấy muốn bày tỏ, muốn phản đối, thậm chí là phẫn nộ… thì đó là dấu hiệu khi họ tự khép mình trong thế giới riêng của họ, mặc cho dòng đời muốn đi đâu về đâu… Hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra những điều ấy, bởi tình yêu trong chúng ta còn quá lớn. Đất nước, dân tộc, con người... những điều Thiện và cái Đẹp chính là tình yêu lớn mà các nhà văn theo đuổi suốt đời mình...”.

Thêm một lần trách nhiệm, tình yêu và cái Đẹp được hiển lộ thông qua lá phiếu bầu Ban chấp hành mới của hội nhiệm kỳ 2015-2020, thông qua một cuộc bầu cử nghiêm túc và khá suôn sẻ, chỉ một lần bầu được 8 người trúng cử trong tổng số 11 người theo số lượng Ban chấp hành do đại hội biểu quyết. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Hà Nội. Các Phó chủ tịch hội gồm: Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Trần Quang Quý và các ủy viên gồm: Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Gia Thái và nhà thơ Trần Hữu Việt. Các thành viên trên đều là những tên tuổi của văn học Việt Nam đương đại, đều đã có những thành tựu văn học được ghi nhận bằng những giải thưởng VHNT danh giá, trong đó có người vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Hầu hết họ đều đã hoặc đang đảm nhận những chức vụ quản lý cấp vụ trở lên trong các cơ quan VHNT và báo chí Trung ương, địa phương. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nguyên là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam đương nhiệm. Chỉ tiếc, Ban chấp hành khóa mới vẫn thiếu vắng những gương mặt trẻ dưới 40 tuổi. Đó cũng là điều mà tân Chủ tịch lưu tâm đầu tiên trong lời phát biểu nhậm chức: Trước mắt, Ban chấp hành mới còn rất nhiều việc phải làm, trong đó quan trọng nhất là thu hút thêm các hội viên trẻ, khuyến khích các hội viên sáng tác cũng như mở rộng quảng bá, giới thiệu tác phẩm của các hội viên, ứng dụng các công cụ hiện đại như mạng xã hội, internet để tiến hành các hoạt động hội, sáng tác và giới thiệu tác phẩm… Mục tiêu tổng quát là xây dựng Hội Nhà văn Hà Nội thành một tổ chức văn học có lý tưởng chính trị, lý tưởng nhân văn cao đẹp; tập hợp, đoàn kết hội viên bằng sáng tác văn học và các hoạt động khác phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và CNXH, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Xây dựng tổ chức hội vững mạnh thành một hội nòng cốt của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng con người, sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật của thủ đô Hà Nội. 

Vậy là, dẫu có phần chậm trễ khiến dư luận phải quan tâm băn khoăn, nhưng Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội khóa XII (nhiệm kỳ 2015-2020) vẫn là một sự kiện nổi bật trong đời sống VHNT Thủ đô những ngày này, một đại hội “Đoàn kết, sáng tạo, tỏa sáng văn hiến Thăng Long-Hà Nội” để khép lại một chặng đường đã qua và đi tiếp một chặng đường mới. Văn học-nghệ thuật vốn không có nhiệm kỳ, tuy nhiên việc nhìn lại thành tựu của một chặng đường là hết sức cần thiết, để từ đó có những dự liệu thiết thực cho chặng đường trước mắt, trong đó bức thiết nhất là làm thế nào để tiếp tục nuôi dưỡng niềm cảm hứng sáng tạo về đề tài Thăng Long-Hà Nội của các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và đồng nghiệp khắp cả nước. Theo đó, nhìn lại chặng đường đã qua, thấy rằng nhiệm kỳ Đại hội XI của Hội Nhà văn Hà Nội đã làm nên một mùa bội thu về tác phẩm, bội thu về giải thưởng; một mùa hoạt động sôi nổi, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình trong cả nhiệm kỳ, mỗi nhà văn Hà Nội xuất bản được 2 tác phẩm; trong đó có nhiều tác phẩm giành được giải thưởng cao, có tiếng vang trong cả nước. Có thể nói, mặc dù còn có những hạn chế, khuyết điểm-trong đó có những hạn chế, khuyết điểm là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của đại hội kỳ này-nhưng trên bình diện tổng quát, nhiệm kỳ XI của Hội Nhà văn Hà Nội là một nhiệm kỳ công tác đạt được nhiều thành tựu, đáng tự hào về mọi mặt. Đây là một nhiệm kỳ có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức hoạt động hội, có thể làm kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tiếp theo để xây dựng Hội Nhà văn Hà Nội ngày càng phát triển lớn mạnh.

Thăng Long-Hà Nội là nơi hình sông thế núi của bốn phương đất Việt chầu về; nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ tinh hoa của cả nước để làm nên một kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Được làm “người Hà Nội” đã là điều đáng tự hào, được làm “nhà văn Hà Nội” lại càng đáng tự hào hơn. Và càng tự hào càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với truyền thống mà các bậc hiền tài tiền nhân đã gây dựng nên và với mong mỏi của nhân dân, của công chúng VHNT hôm nay và mai sau. Lịch sử và truyền thống văn chương Hà Nội bắt đầu là lịch sử của lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm, là tiếng nói yêu hòa bình và các quyền sống cơ bản của con người, quyền tự do của dân tộc: Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu… Giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang ấy; phấn đấu để có những tác phẩm kết tinh giá trị dân tộc và nhân loại; đem trái tim và ngòi bút phụng sự sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước và nhân dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng, bồi đắp và tỏa sáng văn hiến Thăng Long-Hà Nội… đó là tâm nguyện, là lời hứa của các nhà văn Hà Nội trước nhân dân, trước bạn đọc hôm nay và mai sau.

Nhà thơ MAI NAM THẮNG