"Tri ân" là cụm từ thường dùng để chỉ hành động trân trọng, biết ơn, ghi nhớ công lao, đóng góp của cá nhân, tập thể đi trước, được nhân dân, xã hội suy tôn hoặc được ghi nhận trong lịch sử. Hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn mang nặng nghĩa tình, là sợi dây vô hình kết nối các thế hệ, mang giá trị văn hóa thiết thực, trở thành thói quen thường trực, thành đạo lý được người người trong xã hội ủng hộ, hành động nhiệt thành. 

Tri ân là một đặc trưng văn hóa được ra đời, hình thành, phát triển gắn chặt với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Văn hóa tri ân đã song hành cùng văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh; không ngừng được các thế hệ bồi đắp suốt chiều dài lịch sử bằng những việc làm cụ thể ở các tầng nấc khác nhau.

leftcenterrightdel

Lữ đoàn 131 Hải quân tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, trao quà tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Ảnh: XUÂN DŨNG 

Ở Việt Nam, thời nào cũng vậy, tri ân, đền ơn đáp nghĩa nói chung là một hoạt động xuất phát từ tâm, từ nhận thức của mỗi người, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển thành phong trào, hướng tới xây dựng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bền chắc; trở thành nghĩa cử cao đẹp, là giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo trong truyền thống của người Việt. Ví như để tri ân những người có công với làng xã, nhân dân đã xây dựng đền thờ, hằng năm tổ chức tế lễ tưởng nhớ công lao, qua đó giáo dục thế hệ sau noi gương tiền nhân sống tốt hơn, đẹp hơn, cống hiến nhiều hơn cho dân, cho nước.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ, nhiều tổ chức đã kêu gọi chung tay chăm sóc binh sĩ bị thương. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu tháng 7-1947, sau một cuộc họp ở Thái Nguyên do Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam tổ chức, các đại biểu thống nhất đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ngày 8-7-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 223/CT-TW quy định lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước.

Từ đây, phong trào tri ân, đền ơn đáp nghĩa tiến hành thiết thực, hiệu quả hơn và được thể hiện dưới nhiều hình thức, việc làm khác nhau. Thời còn học phổ thông, giai đoạn từ năm 1980 đến 1990, ở trường tôi có phong trào “đi tìm địa chỉ đỏ” rất sôi nổi. Khi đó, mỗi lớp học của chúng tôi đều tìm những gia đình có người thân hy sinh hoặc những thương binh nặng, tự giác đến làm các công việc dọn vườn, quét ngõ, vệ sinh nhà cửa. Khi chúng tôi chuyển cấp sẽ bàn giao địa chỉ ấy cho các em lớp dưới. Công việc ấy đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của các hoạt động tri ân.

leftcenterrightdel
Lữ đoàn 131 Hải quân tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, trao quà tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Ảnh: XUÂN DŨNG 

Những năm gần đây, đất nước phát triển, đời sống, thu nhập của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao thì phong trào tri ân, đền ơn đáp nghĩa càng phát triển rộng khắp. Vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm trọng đại, nhất là mỗi khi tháng 7 về, hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được cá nhân, tập thể trên cả nước phối hợp tổ chức kỹ lưỡng. Chúng ta không chỉ thấy thanh niên tình nguyện tổ chức vệ sinh, tu sửa nghĩa trang, thắp nến tri ân, tặng quà mà còn cảm phục các thương binh, các cựu chiến binh lặng lẽ đi tìm đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường, rừng xanh núi đỏ. Nhiều thương binh đã chi ra hàng trăm triệu đồng để tặng quà, tri ân đồng đội mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Thực tế, ở đơn vị chúng tôi và nhiều đơn vị khác trong toàn quân, việc đăng ký xây dựng nhà tình nghĩa trao tặng gia đình chính sách được làm thường xuyên. Mỗi dịp lễ, tết hay chuẩn bị đến Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi đều dành những phần quà ý nghĩa trao tặng các đồng chí đang công tác trong cơ quan, đơn vị là con thương binh, liệt sĩ để động viên và xây dựng văn hóa tri ân thêm sâu đậm. 

Ngày nay, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hoạt động tri ân không chỉ hướng vào chăm sóc người có công, thương binh và thân nhân liệt sĩ, người tham gia kháng chiến bị chất độc da cam mà còn lan tỏa và thúc đẩy đạo lý “Lá lành đùm lá rách”. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp đã dành những phần quà mang đậm tình nghĩa của triết lý “Thương người như thể thương thân” để tặng người già cô đơn, người yếu thế, hộ nghèo ở các địa phương.

Văn hóa tri ân đã góp phần làm sáng đẹp đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; qua đó giáo dục, hun đúc truyền thống yêu nước, làm cho con người sống tốt hơn, đẹp hơn; là cơ sở để văn hóa yêu nước của người Việt phát triển rực rỡ hơn.

Tuy nhiên, thực tế trong đời sống xã hội hiện nay chúng ta nhận thấy, có lúc xuất hiện tình trạng hoạt động tri ân bị lợi dụng để đánh bóng tên tuổi hoặc nhằm mục đích trục lợi, rất đáng phê phán. Những câu chuyện lợi dụng văn hóa tri ân, đúng hơn là lợi dụng sự tin tưởng của người dân là dẫn chứng cụ thể về hành vi phản văn hóa, đi ngược lại truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Tôi nghĩ rằng, cùng với việc phát huy sức mạnh của truyền thông, dư luận trong tuyên truyền xây dựng văn hóa tri ân, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần tích cực vạch trần những kẻ lợi dụng hoạt động tri ân để đánh bóng tên tuổi nhằm mục đích vụ lợi.

Chúng ta cần khuyến khích nhân dân tăng cường giám sát, phát hiện những việc làm lợi dụng hoạt động tri ân để đạt mục đích xấu. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi gian dối, lợi dụng chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công để trục lợi.

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ