Họ được ghi vào sử sách, được truyền tụng từ đời này sang đời kia, trở thành một phần hành trang vào đời của mỗi người, thành một trong những đạo lý mà từ các bậc trị quốc cho đến thường dân đều ghi nhớ. Nó góp phần tạo nên đạo đức xã hội, thành sức mạnh cộng đồng.
1. Để từ những trạng thái cảm xúc của cá nhân đến khi trở thành một nét đẹp của đạo đức xã hội, một giá trị truyền thống của dân tộc phải trải qua một quá trình rất dài, một sự chung sức, chung lòng của nhiều thế hệ, thành chủ trương của một thể chế. Trong văn học dân gian của nhiều dân tộc, ở các trường ca cổ nhất đã thấy xuất hiện những con người, sự việc gắn liền với giá trị nhân văn này. Nói một cách ngắn gọn thì con người, dù thuộc về màu da và chủng tộc khác nhau thì mối quan tâm đến việc bồi đắp các giá trị nhân văn, làm cho con người trở nên người hơn vẫn là những mối quan tâm hàng đầu và trở thành lẽ sống của họ.
Trong kho tàng văn học dân gian ở ta có rất nhiều câu chuyện, thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lòng hiếu thảo, lòng biết ơn. Dù xuất phát từ phía ngợi ca hay phê phán những người, việc trái với mỹ tục này thì đạo lý làm người, trong đó lòng biết ơn công sức dạy dỗ, dưỡng dục của đấng sinh thành, sự giúp đỡ của cộng đồng với mỗi người là một phần rất quan trọng. Từ thuở còn nằm nôi, chưa có ý thức về điều đó nhưng ai cũng được nghe bao lời ru, bao câu chuyện trong đó không thiếu những câu gắn với nghĩa tình, với lòng biết ơn và nghĩa vụ làm người khi lớn khôn. Lòng biết ơn ở đây không thuần túy chỉ mang ý nghĩa đạo đức, là biểu hiện tình cảm mà nó vừa mang yếu tố tình cảm, vừa mang khía cạnh nhận thức. Nhận thức để phân biệt đúng sai, để có thái độ đúng đắn trước việc làm của người đời. Không ít trường hợp do nhận thức sai về hàm ơn mà không ít người đã có những ứng xử sai lầm, đã không tiếc cả mạng sống để “trả ơn” một người nào đó. Ở đây cả người làm ơn và người chịu ơn cũng chưa nhận thức đúng về hành vi của mình. Nho giáo gọi thái độ đó là “ngu trung” bởi sự trung thành đã không đúng chỗ và chữ tín cũng đặt sai địa chỉ. Dẫn chứng thì nhiều lắm, ở đây chỉ xin bàn về những chuyện chung như thế thôi.
Không ai nhớ đạo lý "ăn quả nhớ người trồng cây", "uống nước nhớ nguồn" bắt đầu từ bao giờ nhưng đã trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nó không còn là hành vi của riêng cá nhân người chịu ơn mà thành một tập quán, một hành vi đẹp mang tính xã hội. Cũng không biết tự bao giờ, tấm lòng nghĩ đến những tấm gương lập quốc, nghĩa sĩ bỏ mình vì nước của các thế hệ tiền nhân luôn được khắc cốt ghi tâm trong đời sống tinh thần của người Việt. Nói người Việt ở đây không phải nói đến một tộc người cụ thể mà muốn nói đến con dân đất Việt, đến tất cả công dân đang sinh sống ở dải đất chữ S này và cả những kiều bào ta ở nước ngoài. Nếu không có sự tôn vinh và giáo dục hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau thì khó hình thành một nét đẹp mang tính phổ biến như thế.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, qua khảo sát sự tích thành hoàng của hơn 300 làng ở Bắc Bộ, ông thấy hầu hết các vị được người dân thờ phụng đều là những nhân thần hoặc phúc thần có công lớn với dân làng, cộng đồng. Ngay trong các bài hát nghi lễ mang tính tôn giáo ở đình, đền cũng thấm đẫm tình cảm biết ơn tổ tiên, các vị có công với dân, với nước. Từ tình cảm của cộng đồng nhỏ (làng) đến cộng đồng lớn (vùng, chủng tộc, đất nước) thể hiện rõ nguồn gốc, sự vận động, hình thành giá trị văn hóa tôn vinh những người có công với quê hương, đất nước mà chúng ta gọi chung là cảm thức biết ơn, trân trọng văn hóa ứng xử "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc. Từ tình cảm trân trọng những con người cụ thể đến ý thức về đức tin, tín ngưỡng, rồi hình thành một nét văn hóa của cả cộng đồng là quá trình vận động, bồi đắp về một giá trị tốt đẹp của văn hóa cộng đồng. Ngày nay, đền thờ các Vua Hùng có khắp trong Nam, ngoài Bắc, người Việt ở mọi nơi đều gắn bó, chia sẻ với nhau bằng tình cảm đồng bào. Câu nói của Hồ Chí Minh: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" cũng là nỗi niềm chung của mọi người, là thể hiện rõ nhất, cao nhất đạo lý "uống nước nhớ nguồn" mang ý thức xã hội. Đất nước cần hơn, trọng hơn những nghĩa vụ và tình cảm cá nhân.
|
|
Cô giáo và học sinh Trường Mầm non Hoa Ban (TP Điện Biên Phủ) tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, tỉnh Điện Biên. Ảnh: HÀ KHÁNH
|
2. Trong đời sống hiện đại, trước rất nhiều công việc, lo toan bộn bề thì truyền thống này lại cần được nâng niu, trân trọng. Trân trọng không phải chỉ vì nó là một phần của văn hóa dân tộc và chính nó làm tăng thêm sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, của tinh thần chung sức, chung lòng, sẻ chia với nhau mọi vui buồn, lo toan những vấn đề của đất nước. Trước những tai họa như bão lũ, dịch bệnh, sự chung vai chia sẻ khó khăn cho nhau của đồng chí, đồng bào không chỉ làm giảm bớt khó khăn của người trong cuộc mà nó còn nhắc nhở nghĩa vụ của mỗi người với xã hội và với chính mình. Đây không chỉ là thái độ muốn hay không, được gì trong các hành động này mà nó còn là nghĩa vụ của mỗi người với nhau. Cho đi cũng là nhận lại. Đây không chỉ thuần túy là chuyện "lá lành đùm lá rách", là tấm lòng nhân ái của những người giàu lòng trắc ẩn mà nó còn như một hành vi cần thiết đem lại sự bình an và thái độ cộng đồng trách nhiệm của con người sống trong ngôi nhà chung. Không ai có thể tách mình ra khỏi cộng đồng, đứng ngoài những lo toan vui buồn của đồng loại.
Tháng 7 đến, tháng đền ơn đáp nghĩa thể hiện rõ nhất sự tri ân của cả xã hội hôm nay với những anh hùng liệt sĩ, những gia đình có công với nước, các thương binh, bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu của đời mình để đem lại cho chúng ta cuộc sống hôm nay. Đã từ lâu, hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội. Ơn và nghĩa của những người đã hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc, tính mạng của họ cho đất nước, cho những người được sống bình an hôm nay là vô cùng lớn lao.
Không phải từ bây giờ mà ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, năm 1947, ngày 27-7 được chọn là Ngày Thương binh toàn quốc (sau này là Ngày Thương binh-Liệt sĩ) với ý nghĩa nhắc nhở mọi người rằng, thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngày 27-7 là dịp để đồng bào tỏ rõ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh... Từ đó đến nay, dù trong những hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, chúng ta vẫn không quên trách nhiệm với những thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ. Cả đất nước, từ hệ thống chính trị cho đến người dân đã làm được rất nhiều việc hữu ích, thiết thực để đền ơn đáp nghĩa những người đã vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Nhưng làm bao nhiêu vẫn chưa đủ vì không gì có thể thay thế hay bù đắp được những đau thương, mất mát mà bản thân họ và gia đình họ đã trải. Đến bây giờ vẫn còn hàng triệu thương binh, bệnh binh, những người chịu ảnh hưởng di chứng của chiến tranh, vẫn còn bao hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy, chưa được về với quê hương đất mẹ. Các anh đã hòa vào cỏ cây, sông nước. Những người thân của các anh dù đã nguôi ngoai do thời gian nhưng nỗi đau ấy không bao giờ hết.
Trong những ngày hòa bình vẫn có nhiều chiến sĩ ngã xuống hoặc mang thương tật trong khi làm nhiệm vụ giữ bình yên cho đất nước. Sự chăm lo về vật chất và tinh thần của cộng đồng với gia đình họ cũng chỉ làm dịu đi một phần mất mát và chúng ta làm thế không phải chỉ để trả ơn mà cũng là vì cả chính chúng ta và cho tương lai. Những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trước khi ngã xuống hay bị thương tật chẳng ai nghĩ đến việc sau này sẽ được đền bù, nhưng chúng ta, những người đang được hưởng ân huệ ấy thì không thể quên. Trách nhiệm công dân không cho phép quên, lương tri làm người không cho chúng ta được phép lãng quên.
Hành vi đền ơn đáp nghĩa dù ở quy mô tập thể, cộng đồng hay của mỗi cá nhân cũng đều là một ứng xử văn hóa để đền đáp lại một hành vi văn hóa khác. Bởi vậy, nó cốt ở lòng thành, sự tự nguyện, sự mong muốn đền đáp cũng phải vô tư, trong sáng như hành vi của những người đã quên cả thân mình đem lại hạnh phúc, bình yên cho người khác. Nó không thể làm để lấy thành tích hay vì một mục đích nào khác. Có sự đền ơn đáp nghĩa nào xứng được với sự hy sinh của hàng triệu người mẹ, người vợ... như mẹ Thứ ở Quảng Nam và nhiều "mẹ Thứ" khác nữa? Thế mà cũng có lúc người ta thực hiện hành vi đền ơn đáp nghĩa không phải vì những thôi thúc của lòng mình, vì bản thân nó cần thế mà vì những động cơ khác. Vẫn còn bao nhiêu hành vi, bao nhiêu phong trào, bao nhiêu lễ ra quân rầm rộ để lấy thành tích không cần thiết...?
Thiết nghĩ, hành động thiết thực và hợp đạo lý nhất là phải làm cho phong trào đền ơn đáp nghĩa trở nên sâu rộng, phù hợp, thành một nếp sống, một giá trị văn hóa của cộng đồng. Ý nghĩa khởi đầu của phong trào này là thế, thực chất đã là thế và chúng ta cần chung tay và hết sức mình để hành động đền ơn đáp nghĩa luôn mang ý nghĩa như thế.
PGS, TS PHẠM QUANG LONG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.