Ông viết về một người lính Cụ Hồ đã bước đến nhà ông sau chiến tranh. Bài thơ có những đoạn như sau:

"Một chiều xa trong chiến tranh

Khi chúng ta đang rạp mình phục kích

Những người đàn ông, đàn bà

Kẻ thù của chúng ta và trâu bò của họ

Hòa lẫn vào cây cỏ đất đai

Lúc đó chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới

Người đàn ông tóc hoa râm đi dép

Chiều nay đến ngồi dưới mái nhà ta

................................................
Ông nhìn chúng ta mỉm cười

Đó là món quà để con người hạ súng

Như ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long

Bài thơ này viết tặng nhà văn Nguyễn Quang Sáng, một người lính giải phóng, một nhà văn, một người Việt Nam đã đến nước Mỹ sau chiến tranh trong khi Mỹ vẫn còn áp dụng chính sách cấm vận chống lại Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng những nhà văn Việt Nam khác đến Mỹ không mang theo lòng hận thù sau những tội ác mà quân đội Mỹ gây ra trên xứ sở của họ. Họ mang đến tiếng nói tâm hồn họ và các tác phẩm văn học của mình nói về những giấc mơ hòa bình và những vẻ đẹp văn hóa. Cái cười của họ chính là một vẻ đẹp văn hóa Việt. Họ tặng vẻ đẹp đó cho kẻ thù cũ của mình. Và những kẻ thù cũ của họ đã nhận ra dân tộc họ. Một chính khách Mỹ đã nói với tôi ở văn phòng của ông tại Washington DC: “Trong cuộc chiến tranh với người Việt Nam, nước Mỹ đã thất bại về quân sự, về ngoại giao chính trị nhưng họ có một chiến thắng vô cùng quan trọng là phát hiện ra một nền văn hóa". Phát hiện ra một nền văn hóa tức là đã nhận biết được nền văn hóa ấy. Và một dân tộc có một nền văn hóa là một dân tộc chứa đựng những vẻ đẹp nhân loại.

Năm 2007, tôi đến Colombia dự Liên hoan Thơ quốc tế Medellín. Một nhà báo đã mang cho tôi tập thơ của nhiều tác giả Việt Nam với tựa đề lấy từ bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam được dịch, xuất bản tại Colombia trong thời gian chiến tranh và nói: Nếu không có những bài thơ này thì tôi không viết những bài báo kêu gọi ủng hộ Việt Nam bởi trước đó tôi nghĩ chính quyền Mỹ cũng có lý do nào đó để họ tiến hành một cuộc chiến tranh.

Năm 2004, tôi sang thăm Na Uy theo lời mời của Hoàng gia Na Uy và tôi được tiếp kiến đức vua cùng hoàng hậu Na Uy tại hoàng cung. Tôi đã tặng hai người một tác phẩm của tôi được dịch sang tiếng Na Uy, xuất bản tại Na Uy và nói: "Xin đức vua và hoàng hậu hãy đọc những câu chuyện nhỏ bé về một làng quê nhỏ bé của một đất nước xa xôi nhưng luôn mang một giấc mơ đẹp đẽ và lớn lao về thế gian này".

Tác phẩm nói về những người con ở một miền quê đã đi vào cuộc chiến tranh để giành độc lập. Sau chiến tranh, họ trở về với những thương tích trên người. Nhưng những vết thương và bao mất mát trong chiến tranh của dân tộc mình, họ lại mang một giấc mơ lớn hơn, mãnh liệt hơn về một thế gian yên bình. Một vài năm sau đó, đức vua và hoàng hậu Na Uy đã đến thăm Việt Nam, tôi có dịp gặp lại hai người. Tôi hỏi hoàng hậu đã đọc tác phẩm nhỏ bé mà tôi tặng bà chưa, hoàng hậu Na Uy nói: "Tôi đã đọc tác phẩm của ông và tôi nhận thấy đất nước ông luôn mang một giấc mơ đẹp đẽ và lớn lao về con người. Đấy chính là lý do chúng tôi có mặt ở đây".

leftcenterrightdel

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và các nhà văn châu Phi tại Cairo, Ai Cập.

Hồi còn trẻ, tôi đã được tham dự cuộc tiếp đón và làm việc với một phái đoàn Mỹ sang thăm, làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề tù binh và lính Mỹ mất tích trong chiến cuộc (MIA/POW). Tôi nhớ mãi vị trưởng phái đoàn Mỹ đã nói với các thành viên đoàn Việt Nam trong buổi làm việc đầu tiên rằng, họ đã nói với nhau về Truyện Kiều trong suốt chuyến bay từ Bangkok tới Hà Nội. Họ nói họ rất xúc động khi đọc cảnh Nguyễn Du tả Thúy Kiều bị đánh đập tàn nhẫn thì Nguyễn Du đã kêu lên "dẫu là đá cũng nát gan lọ người".

Chỉ câu thơ đó thôi họ đã hiểu lòng nhân ái của người Việt Nam lớn lao đến nhường nào trước những bất hạnh, đau đớn cho dù là nỗi bất hạnh và đau đớn của một cô gái lầu xanh. Bởi lòng nhân ái đó của người Việt Nam mà Chính phủ Mỹ tin rằng, người Việt Nam sẽ giúp họ tìm lại hài cốt của những lính Mỹ chết trong chiến tranh mà chưa tìm thấy để những người lính bất hạnh đó có thể được trở về nhà. Trong lễ kỷ niệm 30 năm hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Trung tâm William Joiner (Trung tâm Nghiên cứu hậu quả chiến tranh và xã hội) thuộc Đại học Massachusetts nói: "Trong chiến tranh, người Mỹ vượt đại dương đến Việt Nam với bom đạn và chất độc da cam, còn những người Việt Nam cũng đi con đường đó đến Mỹ, nhưng họ mang theo những tác phẩm văn chương của đất nước họ".

Ngay từ sau năm 1975, khi các chính trị gia, các nhà ngoại giao của hai nước chưa thể đến với nhau thì những nhà văn Việt Nam và Mỹ đã bước đến với nhau. Hàng trăm lượt nhà văn Việt Nam đã bay qua đại dương để tới Mỹ. Tại nước Mỹ, họ nói về gia đình họ, làng quê họ, về lịch sử đất nước họ và những vẻ đẹp truyền thống của con người Việt Nam bằng những truyện ngắn, tiểu thuyết và những bài thơ. Trong buổi tiếp những nhà văn cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam sau chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười nói: “Các bạn ăn chuối đi, những quả chuối này của chúng tôi trồng ở những vùng không nhiễm chất độc da cam của các bạn’’. Những nhà văn cựu binh Mỹ đã ăn chuối. Câu nói đầy tư tưởng và tinh tế ấy của Đại tướng là câu nói được tinh kết từ những vẻ đẹp văn hóa Việt. Ở đó là lòng vị tha, là tình yêu thương con người và biết bỏ lại sau lưng những hận thù để bước về phía của tương lai tốt lành.

Những câu chuyện trên chỉ là hai câu chuyện nhỏ trong hàng triệu câu chuyện nhưng lại minh chứng một cách mạnh mẽ tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa trong việc dựng nên chân dung của một dân tộc. Và chỉ có văn hóa mới đánh thức được lòng trắc ẩn và sự tôn trọng của một dân tộc này với một dân tộc khác. Sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc thì những cánh cửa của ngôi nhà mang tên Việt Nam được mở rộng hơn ra mọi hướng để đón nhận những vẻ đẹp văn hóa nhân loại vào đất nước mình. Và cũng kể từ đó, những vẻ đẹp văn hóa Việt bước ra ánh sáng của nhân loại và hiển lộ những vẻ đẹp sâu thẳm của mình.

Một thực tế là: Việt Nam không phải là một nền kinh tế lớn, không phải là một cường quốc về quân sự. Nhưng Việt Nam đã từng bước trở thành bạn của biết bao dân tộc trên thế giới và xác lập được tư cách của mình trước thế giới bởi những dân tộc khác đã nhận biết được giá trị Việt trong nền văn hóa chung của nhân loại. Một quốc gia không thể khuất phục những quốc gia khác bằng vũ khí hay bằng đồng tiền. Chỉ có văn hóa của một dân tộc này mới có khả năng mang lại sự tôn trọng và xác lập lòng tin với một dân tộc khác.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)