Theo lối chiết tự từ Hán-Việt thì chữ hiếu có hai bộ, gồm bộ “lão” chỉ người già ở phần trên và bộ “tử”, chỉ con cái, ở phía dưới. Hàm ý tượng hình của chữ hiếu là chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già. Nho giáo coi chữ hiếu là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức. Hiếu là hết lòng thờ kính cha mẹ. Đạo Phật cũng coi trọng chữ hiếu, trong kinh Thiện Sinh, bản kinh nguyên thủy trong bộ kinh Trường A Hàm ra đời đã 26 thế kỷ ghi lại lời Phật dạy, có nêu 5 điều con cái phải kính thuận cha mẹ. Phật coi “cha mẹ là phương Đông”, có thể hiểu đó là phương mặt trời mọc, có mặt trời mới có sự sống. Truyện Chử Đồng Tử của ta là sự giao thoa rất đẹp hai tư tưởng lớn ấy. Sau này, nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có binh hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân Vua Hùng (tức bố vợ) cũng là vì chàng muốn giữ tròn chữ hiếu! Như vậy, có thể coi truyện là sự kết tinh rất đẹp của quan niệm Nho giáo và Phật giáo về đạo làm người. Nhưng trước hết, đó là truyện của văn hóa Việt có cái lõi nhân văn là tình yêu thương thật đậm đà. Sinh sống và lao động trên mảnh đất có khí hậu nhiệt đới gió mùa, gần biển, nằm ở trung tâm giao lưu của châu lục, lại luôn phải chống lại ngoại xâm, nên người Việt phải có một điểm tựa vững chắc là tình thương. Tình thương như một chất keo kết dính con người cô kết thành một khối đồng tâm nhất trí để cùng nhau sản xuất, cùng nhau chống lại kẻ thù hai chân, bốn chân, cả kẻ thù không chân là bão tố nắng mưa... “Thương người như thể thương thân”, thương quê hương “chín chiều ruột đau”. Truyện Chử Đồng Tử được xây dựng trên cái nền của tình thương: Cha con Chử Đồng Tử thương nhau. Công chúa Tiên Dung thương Chử Đồng Tử, từ tình thương tới cảm mến rồi mới quyết định lấy chàng. Vợ chồng họ yêu thương dân. Dân yêu thương họ để đưa họ lên hàng “tứ bất tử”. Truyện là một triết lý về tình thương!

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH

Người Việt có hẳn một kho tàng tục ngữ, ca dao về chữ hiếu: “Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”; “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; “Làm con hiếu nghĩa đi đầu/ Hiếu cha, hiếu mẹ việc gì cũng xong”... Chứng tỏ chữ hiếu đã trở thành một bản sắc đậm đà, thành một nét tính cách, một truyền thống văn hóa. Truyền thuyết Chử Đồng Tử trước hết là sự minh họa sinh động, cụ thể bằng hình tượng rất mực cảm động và chân thực cho nét văn hóa này. Chuyện rằng nhà nghèo quá, lại mới gặp tai họa (cháy nhà) mà hai cha (Chử Cù Vân) con (Chử Đồng Tử) mặc chung nhau một cái khố. Trước khi chết, người cha dặn cứ táng trần cho bố, còn giữ lại cái khố để con mặc. Như vậy, đến lúc chết, người cha vẫn thương con, day dứt vì con không có khố để mặc. Và rất có thể ông còn day dứt vì không tròn trách nhiệm làm cha là phải thu vén, chăm lo cho con trọn vẹn. Bao nhiêu nỗi niềm dồn tụ vào câu nói trăng trối ấy!

Chử Đồng Tử không nỡ táng cha trần. Đây không chỉ là chữ hiếu mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm “trần sao âm vậy” và “nghĩa tử là nghĩa tận”-nghĩa là dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, mến thương, nhung nhớ. Chử Đồng Tử mong cha xuống suối vàng còn có cái khố che thân... Đồng Tử không chỉ tròn chữ hiếu mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân!

Trong 4 vị thánh bất tử (Tứ bất tử-4 vị thánh sống mãi) của văn hóa Việt là Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đạo Tổ, Đức Thánh Gióng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì 3 vị đầu là nhân vật thời Vua Hùng dựng nước, chỉ có Thánh Mẫu Liễu Hạnh có gốc tích ở thế kỷ 16. Đáng chú ý, theo huyền thoại thì dù không được Vua Hùng thừa nhận nhưng về bản chất, Chử Đồng Tử vẫn là con rể Vua Hùng, trong khi đó, Sơn Tinh là con rể chính thức được Vua Hùng gả con gái. Như vậy, trong 3 thánh “bất tử” thì có tới hai vị là con rể vua. Chi tiết này nằm trong một loạt sự tích Vua Hùng cho thấy các chàng rể đóng vai trò rất lớn trong việc dựng nước và giữ nước, trong việc sáng tạo nên các kỳ tích văn hóa. Cũng là con rể nhưng Trọng Thủy trong truyền thuyết An Dương Vương lại phản trắc? Đây là những câu hỏi rất cần được giải mã. Nhưng có một lý do khi An Dương Vương gả con gái cho con trai của Triệu Đà, không phải là mất cảnh giác mà nằm trong tập quán ngoại giao thời cổ đại là vì mong muốn hòa hiếu giữa các quốc gia, lãnh thổ, cộng đồng mà các lãnh chúa, các lãnh tụ bộ tộc, bộ lạc... thường gả con cho nhau. Họ làm thông gia, thân tín, gần gũi, chia sẻ, như một thành ngữ cổ: “Thông gia thông giáo nấu cháo nuôi nhau”. Tập quán này kéo dài mãi về sau, đến thời trung đại, ta vẫn thấy vua Trần gả con gái cho con vua nước lân bang như Chiêm Thành hay vua Lê gả con gái cho các tù trưởng vùng cao... Đành rằng đó là bài học cảnh giác với kẻ thù xâm lược, nhưng có nên trách cứ An Dương Vương là nhẹ dạ mà mất cảnh giác để rồi mất nước?

Trở lại chi tiết con rể trong chuỗi huyền thoại Vua Hùng. Phải chăng có một sự thật là nhờ chính sách hòa hiếu rộng rãi mà thời đó đạt được các kỳ tích văn hóa? Các chàng rể quý như Sơn Tinh, Chử Đồng Tử là những chứng minh...!!!

Truyện là bài ca ca ngợi tình yêu, hôn nhân tự do đã đi vào lịch sử văn hóa Việt như là một mối tình đẹp nhất, chung thủy, bình đẳng và cực kỳ dân chủ. Một truyện cổ về tình yêu hay hiếm hoi không chỉ ở nước ta mà còn so với cả trên thế giới. Chử Đồng Tử là chàng trai nghèo nhất, nghèo đến mức không thể nghèo hơn, thế mà được Tiên Dung là công chúa, con gái Vua Hùng “cành vàng lá ngọc”, cao sang, quý phái chấp nhận lấy làm chồng. Nàng đã vượt cả quyền cha mẹ để nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Nàng vượt qua bao tín điều, bao nội quy, quy tắc, nguyên tắc thành văn và bất thành văn của một triều đình. Nàng đích thực là một “nghịch tử” làm “ô uế” triều đình: Con vua mà lấy chồng không hề tương xứng, không hề “môn đăng hộ đối”. Nàng phải vượt qua bao thành kiến và định kiến là lấy chồng “hoang” (Chử Đồng Tử đích thực là kẻ “hoang”, tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không quần không áo, lại sống chui rúc ở bãi lau, bờ sậy...). Không có một sức mạnh nhân văn cao cả, một tình thương lớn lao với những con người dưới đáy thì không thể sáng tạo ra được những chi tiết, hình tượng đầy nghịch cảnh mà tuyệt vời, trong sáng như vậy. Truyện đã cách xa hàng nghìn năm mà ở ngày hôm nay, chỉ một cô gái bình thường thôi, có gia cảnh bình thường, nghề nghiệp, nhan sắc, học vấn bình thường, liệu có ai “dũng cảm” dám lấy chồng có thân phận như Chử Đồng Tử? Thế cho nên, không ngẫu nhiên dân gian thờ không chỉ một Chử Đồng Tử mà còn thờ cả Tiên Dung là vì thế.

Đó là ước mơ, là khát vọng cực kỳ nhân văn về hôn nhân tự do. Cao hơn thế là một khát khao tinh thần dân chủ cực kỳ đáng quý!

Truyện xây dựng tình huống ngẫu nhiên gặp nhau (Tiên Dung quây màn tắm ngay chỗ Chử Đồng Tử ẩn trốn) cũng chỉ góp phần làm thêm dư vị huyền ảo, bay bổng cho câu chuyện mà thôi. Cái tài nghệ của câu chuyện vẫn nằm ở nội dung nhân văn rất đẹp kia. Ở đây, tài và tình của dân gian hòa lẫn vào nhau, không tách bạch.

Truyện còn là bài ca về một ước mơ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình.

Chử Đồng Tử học được phép thuật thần tiên, hai vợ chồng biến cải nơi đầm lầy thành làng mạc, phố phường trù phú. Họ trở nên giàu có... Sau khi “hóa”, họ còn hiển linh giúp Triệu Quang Phục đuổi giặc Lương, còn ngầm mách Nguyễn Trãi về Lam Sơn tụ nghĩa... Câu chuyện đong đầy những ước mơ thật đẹp. Dân gian chắp cánh thêm cho ước mơ ấy cứ bay mãi. Vợ chồng họ có tài năng, trở nên giàu có. Không chỉ dừng ở đấy, họ còn làm thuốc cứu người. Họ còn vượt biển mang hàng hóa về cho người dân...

Chi tiết Chử Đồng Tử học phép thuật chứng tỏ truyện mang màu sắc Đạo giáo rõ nét. Cho nên sau này, người Việt tôn Chử Đồng Tử là ông tổ của Đạo giáo Việt Nam nên gọi là Chử Đạo Tổ.

Chi tiết Vua Hùng đem quân định bắt hai vợ chồng Tiên Dung về trị tội không hề là cố chấp như có ý kiến quy kết mà như là sự đương nhiên. Ngay các bậc cha mẹ thời nay liệu có đồng ý con gái ngọc vàng của mình lấy người “đánh giậm” không mẹ không cha, không nhà không cửa? Hơn nữa, còn là sự cảnh giác cần thiết: Biết đâu lại có thêm một “Trọng Thủy” khác? (Có thể truyện này ra đời sau huyền thoại An Dương Vương?!).

Là một trong những hình tượng văn hóa đẹp nhất trong hệ thống mã biểu tượng của văn hóa Việt, truyện cần được nhìn nhận, cắt nghĩa, lý giải sâu hơn để đưa giá trị trở về với vị trí lớn lao đích thực. Hàm chứa cả một liên văn hóa bề rộng và tầng lớp các chiều sâu ý nghĩa, như ta thấy truyện được bao bọc bởi 4 lớp văn hóa của văn hóa Việt, của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo. Cái lõi vàng ngọc bên trong của truyện là đạo làm người. Đó đích thực là cả một trầm tích văn hóa, có phong tục, tập quán văn hóa dân tộc, có giao thoa, tiếp biến ngoại lai rồi cùng hòa quyện tạo nên một tổng phổ lóng lánh những sắc màu văn hóa để kết thành những hình tượng lung linh đẹp mãi, tỏa rạng đến hôm nay và mai sau, vượt cả biên giới để soi những ánh sáng nhân văn ở miền đất mới.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ