Trong lịch sử nhân loại, việc xác định được người tài không dễ, nhưng việc có thể sử dụng họ cho lợi ích quốc gia còn khó hơn rất nhiều lần. Lịch sử cũng có bao câu chuyện những người tài được vời tới hoặc tự tìm đến để được cống hiến, nhưng không ít người trong số họ đã không được quốc gia đó nhận ra hoặc nhận ra nhưng rồi không hợp tác được với họ và họ đã bỏ đi, sống ẩn mình cho tới khi chết. Lãng phí tiền của là một lãng phí lớn nhưng lãng phí người tài là một con đường dẫn đến sự phá sản trí tuệ và tinh thần của một quốc gia.
Người tài thường mang những tư duy khác biệt và đôi khi lối sống khác biệt. Họ có trí tuệ rộng lớn nhưng luôn luôn bày tỏ một cách trung thực những suy nghĩ của mình. Thường là những người tài không màng tới danh vị hay vật chất. Điều họ cần nhất là được tin tưởng và được cống hiến. Nhưng chức vụ cho người tài nghĩa là cho họ có cơ hội và có quyền để hiện thực hóa một cách quyết đoán những tư duy lớn vào công việc. Và việc trả lương "đặc biệt" cho họ là cách bày tỏ lòng tin vào họ của tổ chức.
Trên cõi nhân gian này, kẻ bất tài luôn chứa đầy dục vọng thấp hèn và tìm mọi cách để đạt được những dục vọng ấy. Bởi thế mà những kẻ bất tài luôn tìm cách xu nịnh, sống giả dối, luôn nghĩ cách mưu hại người có tài. Không có một không gian chung mang tính dân chủ, bình đẳng và tôn trọng cho người tài và kẻ bất tài nhiều tham vọng. Nếu một người tài không được trao quyền hay dưới sự điều hành, quản lý của những người kém tài mà lại nhiều tham vọng thì những người tài không phát huy được mà có khi còn bị triệt tiêu bằng nhiều cách.
Ông cha ta nói: "Một người lo bằng kho người làm" để nói tới tầm quan trọng của những người tài. Tư duy của họ, sáng kiến của họ, cách nhìn của họ có thể vạch ra con đường chính xác cho một tập thể, một cộng đồng và một quốc gia đi tới tương lai. Trong thời đại của chúng ta, vấn đề sử dụng người tài đang được chính quyền hết sức quan tâm.
Mới đây có ý kiến đề xuất TP Hồ Chí Minh trả lương cho người tài ở một chế độ hoàn toàn cách biệt với lương công chức lâu nay. Nếu thực hiện được điều đó thì cũng chỉ mới là một điều kiện mà thôi. Điều quan trọng là chính quyền phải bảo vệ được người tài giữa những kẻ bất tài nhiều tham vọng ích kỷ và dám đặt cược lòng tin vào những người tài. Chúng ta liệu có đủ kiên nhẫn và lòng tin vào những người tài với một cách tư duy và lối sống khác không?
Ví dụ, một người tài thường có ý kiến phản biện mạnh mẽ các vấn đề, các chính sách và cả quan điểm nhưng họ có thể vạch ra một chiến lược làm thay đổi xã hội thì người quản lý những người tài như thế có chịu đựng được họ không? Có dám gạt ra mọi thị phi của những kẻ bất tài đối với người tài không? Có đủ kiên nhẫn đợi chờ sự "bùng nổ" của người tài không? Có dám có những chính sách và điều kiện khác biệt dành cho người tài không? Có nhìn những hiện tượng bên ngoài của người tài mà đánh giá bản chất lương tâm và trí tuệ của họ không?
Tôi nhận thấy, một trong những cản trở việc sử dụng người tài của chúng ta là không đủ lòng tin vào họ và dùng quá nhiều những yếu tố mang tính hiện tượng mà xác lập trí tuệ và nhân cách người tài. Đấy là một trong những điều dẫn đến sự thất bại trong việc sử dụng người tài.
Đất nước chúng ta đã thay đổi rất nhiều. Trong khi những tập đoàn kinh tế tư nhân và những tổ chức, tập đoàn kinh tế nước ngoài đã mở chiến dịch săn lùng người tài trong nước từ rất lâu rồi và họ thực sự cần người tài thì chúng ta vẫn còn loay hoay tìm câu trả lời. Chính sách sử dụng người tài phải là một trong những chiến lược lớn cho sự phát triển đất nước. Chúng ta từng nói đến nguy cơ “chảy máu chất xám”. Cho đến lúc này không phải là một nguy cơ mà là sự thật. Đấy cũng là lý do không ít người tài không muốn làm cho các cơ quan của nhà nước. Cũng có những người tài chọn hệ thống của nhà nước để cống hiến nhưng những vấn đề bất cập trong đánh giá, sử dụng của các cơ quan quản lý chưa tương xứng và thậm chí sai lệch đã dần dần biến họ thành những người tài “vô tác dụng” và đôi khi ngược lại.
Có những người cho rằng: Chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ người tài một cách tương xứng để khai thác trí tuệ và năng lực của họ. Nhưng tôi thấy điều quan trọng hàng đầu để sử dụng được trí tuệ và sự dâng hiến của họ là niềm tin của người quản lý vào họ. Và lâu nay, những người tài đợi chờ niềm tin từ những người quản lý đất nước ở mọi cấp. Chính sách của chính quyền đối với người tài mang nhiều tính ưu việt và có tính chiến lược.
Nhưng những người trực tiếp sử dụng người tài vẫn là một cánh cửa mới chỉ hé ra một khe hẹp mà những người tài lại không có khả năng và không muốn cố “luồn lách” để đi qua. Nhưng điều mà cá nhân tôi thấy vô cùng quan trọng là: Nhận ra người tài là khó, sử dụng họ còn khó hơn, nhưng bảo vệ được người tài trước những kẻ bất tài mới là điều khó nhất và quan trọng nhất.
Nhà văn NGUYỄN QUANG THIỀU