Kết quả, báo chí phản ánh khá chính xác, đại đa số các trường hợp được bổ nhiệm, tuyển dụng có quan hệ họ hàng, ruột thịt…
Nếu “người nhà” được bổ nhiệm đủ tài, đủ đức, đủ sức gánh vác công việc là điều đáng mừng bởi lẽ truyền thống của gia đình, của họ tộc đã được phát huy. Thực tế, rất nhiều con, cháu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tích cực học tập, rèn luyện và trở thành cán bộ có uy tín, được nhân dân tin tưởng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những trường hợp được bổ nhiệm “nhầm”. Theo kết luận của Bộ Nội vụ, trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm gần 60 “người nhà” nói trên đã xảy ra nhiều thiếu sót như thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, tuyển dụng không đúng quy trình…
Công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ trương, đường lối hay bao nhiêu, chính sách đúng bao nhiêu, nhưng cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí còn làm sai lệch đi, thì không thể thành công trong thực tiễn.
Chính vì vai trò đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ nên việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đã được các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, các ngành đặc thù xây dựng thành quy trình và thực hiện đúng quy trình. Tiếc rằng, trên thực tế, cụm từ “đúng quy trình” đã bị một số người lợi dụng và tạo ra “bàn đỡ, rèm che” cho một số cán bộ, lãnh đạo “chọn người nhà” chứ không “chọn người tài” khi đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Điều này đã gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân.
Còn nhớ, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới (phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý vấn đề chọn người tài thay vì chọn người nhà. “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ, tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc Thủ tướng yêu cầu “tìm người tài chứ không tìm người nhà” ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ của người dân, bởi đây cũng là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Đích thân Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phải kiểm tra việc bổ nhiệm gần 60 trường hợp “người nhà” mà báo chí phản ánh. Các cơ quan chức năng đang rà soát lại quy trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Trong đó có việc xây dựng cơ chế công khai chọn người tài theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong thời gian qua, một số trường hợp bổ nhiệm “nhầm” đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, câu hỏi về trách nhiệm những người bổ nhiệm, tuyển dụng sai sẽ bị xử lý như thế nào vẫn còn để ngỏ bởi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng như các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa có chế tài cụ thể xử lý người bổ nhiệm sai, bổ nhiệm không đúng quy trình. Chính lỗ hổng pháp lý này đã “dung dưỡng” cho các tiêu cực trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Vì vậy, để việc công khai chọn người tài diễn ra nghiêm túc, rất cần phải sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ không đúng quy định.
Từ mấy thế kỷ trước, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã viết “Nước Đại Việt ta hào kiệt không bao giờ thiếu”. Nay, trong điều kiện đất nước thanh bình và hội nhập sâu rộng với thế giới, người tài của chúng ta lại càng nhiều. Điều quan trọng là phải công khai tuyển dụng những người tài này vào đúng vị trí phù hợp với tài năng và đức độ của họ.
ĐỖ PHÚ THỌ