3 phương châm: Dân tộc, khoa học, đại chúng mà Đề cương văn hóa nêu ra là định hướng lớn cho một nền văn hóa mới.

"Xúc tiến văn hóa để tạo con người mới..."

Là một đề cương hành động nên Đề cương văn hóa không thể đi vào các lĩnh vực một cách chi tiết. Tuy vậy, Đề cương văn hóa đã phác thảo những đường hướng cơ bản cho một nền văn hóa mới, đủ sức tồn tại, đương đầu với những biến động xã hội ngót một thế kỷ qua và nay vẫn tràn đầy sức sống.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào ngày 24-11-1946 ở Hà Nội, tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra mang ý nghĩa khái quát lớn hơn. Đến năm 1948, trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh thì vấn đề xây dựng con người mới đáp ứng những yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa sau khi cách mạng thắng lợi đã đặt ra ở những nội dung cơ bản nhất. Nó nhất quán với yêu cầu cần “xúc tiến văn hóa để tạo con người mới và cán bộ mới cho cuộc kháng chiến, kiến quốc” mà Hồ Chí Minh đã đặt ra vì hơn ai hết, Người nhận thức rất sâu sắc về vai trò của đội ngũ cán bộ mới trong việc xây dựng xã hội mới.

Hồ Chí Minh không nói đến người cán bộ một cách chung chung mà Người nói đến người cán bộ cách mạng trong một tổ chức do Đảng lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; một đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, lấy đạo đức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư làm đầu. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, giữa bao công việc bề bộn, nhưng Người vẫn dành thời gian để viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó dành nhiều trang nói về những yêu cầu về phẩm chất của cán bộ. Người luôn nhắc nhở việc cần tránh chủ nghĩa cá nhân, tránh những hư hỏng vì những căn bệnh xa dân, quan liêu, hủ hóa, tham nhũng. Người nói rất nhiều đến việc rèn luyện, phấn đấu của mỗi người, đó là yêu cầu rất cao về ý thức tự giác của đội ngũ cán bộ từ Trung ương tới địa phương: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Người nói giản dị "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" là muốn nhấn mạnh tính gương mẫu, sự nêu gương của cán bộ vì gương mẫu là hình thức tuyên truyền có sức thuyết phục lớn nhất.

Người cũng rất chú ý đến việc rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên từ việc nhỏ đến việc lớn, nói và làm lúc nào cũng phải đi liền với nhau. Mỗi tuần Người nhịn ăn một bữa để góp gạo cho quỹ cứu đói. Việc làm bình thường của Người có sức động viên và lan tỏa lớn, vì đó là một hành vi văn hóa xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm. Sự giản dị, trong sáng của Người trong suốt cuộc đời tận hiến cho Đảng, dân tộc, nhân dân là thế.

Nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu

Hiện nay, chúng ta nói nhiều về vai trò nêu gương, trách nhiệm xã hội của người đứng đầu. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng lại đang thiếu một cơ chế luật pháp đầy đủ và những bảo đảm công bằng về yêu cầu nêu gương. Đó không chỉ là quy định của Đảng, Nhà nước mà còn là yêu cầu của toàn xã hội.

Nêu gương không phải là vấn đề thuần túy về đạo đức mà nó còn là đòi hỏi toàn diện hơn: Nêu gương về trách nhiệm công dân và nghĩa vụ công chức trong bộ máy nhà nước; nêu gương không chỉ ở công sở mà còn ở gia đình; trong sinh hoạt riêng tư cần chính danh và gương mẫu. Nghĩa là nó có những ràng buộc về pháp lý và đạo đức công vụ liên quan đến năng lực làm việc, khả năng điều hành và trách nhiệm công vụ. Người đứng đầu chỉ được tôn trọng và có sức thuyết phục người khác nếu anh hoàn thành xuất sắc chức trách và thực thi nghiêm chỉnh trách nhiệm công dân trong các quan hệ xã hội. Đây không phải là những điều mới mà từ xa xưa, các triều đại phong kiến thực thi quyền điều hành đất nước đã làm như vậy.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Trường Chinh và bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Ảnh tư liệu  

Trong lịch sử các triều đại phong kiến, những bậc đế vương và quan lại rất chú ý đến tính chất nêu gương. Có hàng nghìn bài học về tấm gương hiếu học, làm việc quên mình, công tâm, liêm khiết... còn lưu truyền trong sử sách. Khái niệm “người quân tử” được gắn với những nhân vật có đức cao, vọng trọng với những nguyên tắc ứng xử rất nghiêm ngặt, thái độ nghiêm túc trong học tập, rèn luyện để khi có điều kiện thì nhập thế, giúp đời. Những người ấy, khi đã có những địa vị xã hội, họ cũng rất ý thức những việc phải làm cho xứng đáng với nhiệm vụ được giao phó.

Người xưa hay nói đến chuyện "tu, tề, trị, bình" của các bậc quân tử như là những khuôn mẫu phải theo, những nguyên tắc và kỹ năng phải có. Không ít người đã nói về chuyện này như là những đòi hỏi của đạo đức Nho giáo. Tôi cho rằng nói như vậy không sai nhưng hơi thu hẹp ý nghĩa của cả quá trình này. Trước khi nói đến chuyện tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, người ta đã nói đến những nguyên tắc mang ý nghĩa nhận thức sâu xa hơn là chính tâm, cách vật, trí tri nghĩa là phải có tấm lòng ngay thẳng, hiểu biết đầy đủ sự vật rồi mới có thể giải quyết việc nhà, điều hành việc nước, giữ yên thiên hạ. Làm vua, làm quan, cái khó nhất là công bằng với chính mình rồi mới với mọi người. Chính vì vậy mà người xưa cũng quan niệm “người quân tử suốt đời chỉ nói và hành động vì việc nghĩa. Thế nên, họ khiến người xa muốn gần, người gần muốn học và làm theo”.

Hữu xạ tự nhiên hương, tiếng thơm một khi đã có, chả cần phải tô vẽ gì mà vẫn được người ta yêu mến, nể trọng. Nhưng để chiếm được sự tôn trọng của người đời, kể cả vua chúa, rất cần sự rèn luyện, phấn đấu, học hỏi, làm việc không ngừng. Lê Thánh Tông là một vị vua suốt đời làm việc không ngừng nghỉ. Ông tự nói về mình trống dời canh còn đọc sách, chiều xế bóng chửa thôi chầu mà vẫn lo chưa làm tròn phận sự. Nhà ngoại giao Cuba nói về Hồ Chí Minh: “Con người vĩ đại ấy có một nguyên tắc tối giản cho cuộc sống của mình. Ông làm việc tối đa cho đất nước nhưng lại chỉ dành cho mình quyền hưởng thụ tối thiểu”. Bậc thánh nhân thấm đẫm triết lý tri túc và tri chỉ (biết đủ và biết dừng), từ chối ở trong lâu đài, từ chối cả những vinh quang người đời dành cho mình. Vì vậy, Người được nhân dân của Người và bè bạn khắp năm châu nể trọng. Chính kẻ thù của Người cũng đã phải dành những lời trân trọng nhất để nói về Người.

Dựa vào dân để “lọc” cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói tới căn bệnh lớn nhất, nguy hại nhất làm “hư cán bộ”, “hủ hóa cán bộ” là chủ nghĩa cá nhân. Một khi chủ nghĩa cá nhân ở mỗi người lấn át những vấn đề nguyên tắc, đạo lý thì người “đầy tớ” của dân sẽ nghĩ đến những chuyện lừa dối nhân dân, làm gì cũng chỉ mưu cầu lợi ích cho mình. Vì vậy, chính Người đã nói rằng Chính phủ và chính quyền các cấp là để phục vụ nhân dân, nếu làm không tốt thì “nhân dân có quyền đuổi chính phủ đi”. Cán bộ như là sản phẩm của xã hội được lựa chọn để phục vụ xã hội chứ không phải để làm “quan cách mạng” và một khi sản phẩm bị lỗi thì phải loại bỏ. Loại bỏ những cái hư hỏng để sử dụng những cái tốt hơn chứ không phải vì đã trót lựa chọn rồi thì phải đành cam chịu hậu quả hay e ngại những đổ vỡ do việc xử lý. Cách đặt vấn đề như vậy khác hoàn toàn với lập luận cán bộ mắc khuyết điểm nhiều quá, kỷ luật hết thì lấy ai làm việc. Cùng là một việc nhưng cách tiếp cận vấn đề khác nhau sẽ dẫn đến những hành động khác nhau và cho ra những kết quả khác nhau.

Tiếp tục kế thừa, phát triển các giá trị của Đề cương văn hóa năm 1943 và các nghị quyết trước đây về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, hiện nay, Đảng ta nêu vấn đề nêu gương của người đứng đầu trong quan hệ công việc, trong đời sống gia đình và các quan hệ riêng tư khác để tránh “lọt lưới” những người kém năng lực, thiếu nhân phẩm. Đây là việc phải làm nhưng rõ ràng cơ chế sàng lọc, chọn và sử dụng cán bộ còn lỗ hổng, thiếu một khung pháp lý chặt chẽ nên rất nhiều người dù được chọn nhưng họ không được dân tín nhiệm; nhiều người vi phạm kỷ luật, pháp luật. Có người khi nói đến “bộ lọc” nhân dân đã chép miệng, dư luận ấy mà, chả có căn cứ gì cả, nhưng thực ra, bộ lọc nhân dân rất công bằng, sáng suốt. Không có gì lọt qua tai mắt nhân dân.

Trong vấn đề uy tín cán bộ rất cần có sự đánh giá của nhân dân và cách làm phải dựa vào nhân dân thì mới thành công. Những gương sáng dù không treo lên nhưng ai cũng muốn soi vào, còn gương xấu dù có tô vẽ thế nào cũng không ai ngó ngàng đến.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG