Có người cho rằng, người tốt, việc tốt tự nó có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì vậy, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu không cần phải đăng ký công khai?

Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra vào đầu tháng 10-2018 sẽ dành thời gian xây dựng quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng. Từ khóa “nêu gương” được nhắc đến trong rất nhiều văn kiện quan trọng của Đảng trong thời gian gần đây, như: Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, rồi Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”... Điểm chung trong các văn kiện này là Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải đăng ký nêu gương và công khai nội dung đăng ký đó trong cơ quan, đơn vị mình.

Tại sao lại cần phải như vậy? Vì dù Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định rõ vấn đề nêu gương, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt xác định chưa rõ trách nhiệm nêu gương của cá nhân; thiếu gương mẫu trong rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống với các biểu hiện như nói không đi đôi với làm, lạm dụng tài sản công (xe công, nhà công vụ, công quỹ...), còn nhiều biểu hiện cửa quyền, trục lợi... Qua một số vụ việc, vụ án lớn đã giải quyết, xét xử thời gian qua cho thấy, không ít người đứng đầu lợi dụng chính các quy định về nêu gương của Đảng để tạo bình phong cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng của mình. Họ núp bóng nêu gương “dám nghĩ, dám làm” để chà đạp kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Họ kêu gọi “đoàn kết nội bộ” để thủ tiêu đấu tranh, biến ý chí cá nhân người đứng đầu thành nghị quyết của cấp ủy... Những người như vậy thường rất sợ sự công khai, minh bạch. Ngay cả các bản đăng ký nêu gương của họ cũng thường làm rất chung chung, hời hợt và thường được giấu nhẹm trong ngút ngàn các hồ sơ, tài liệu để càng ít người biết càng tốt.

Chính vì thế, ngay trong quá trình chuẩn bị dự thảo đề án quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên lần này, các cơ quan tham mưu của Trung ương đã chuẩn bị rất công phu, nội dung ngắn gọn nhưng sâu sắc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu người đứng đầu các cấp phải công khai các nội dung nêu gương của bản thân trước tập thể.

Hy vọng, với quyết tâm rất cao của Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, quy định về nêu gương sẽ tạo bước đột phá trong khâu tổ chức thực hiện.

NGUYỄN HỒNG