Chẵn 80 năm về trước, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” của Đảng ta ra đời trong một tình thế lịch sử cực kỳ căng thẳng: Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đang đi gần tới kết thúc và đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Sự bóc lột tàn bạo của chính quyền Pháp-Nhật và sự kiệt quệ về kinh tế dẫn đến cái chết của hai triệu người vào tháng 3-1945.
Đảng lãnh đạo nhằm mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và dân chủ cho nhân dân, đến lúc này vẫn là lực lượng duy nhất có sứ mệnh đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Cùng với hoạt động chính trị và quân sự, Đảng ta cũng rất coi trọng mặt trận văn hóa. Mục 3, phần I của Đề cương ghi: “Mặt trận văn hóa là một trong 3 mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Đồng thời, khi nhằm mục tiêu số 1 là cứu dân tộc, Đảng cũng cho thấy đó là con đường cứu nền văn hóa dân tộc: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
"Đề cương về văn hóa Việt Nam" ra đời trong tình thế lịch sử sôi sục ấy nhằm mục đích trực tiếp và cao cả nhất là giành độc lập, tự do cho dân tộc; và với một quan niệm rất rõ là có cứu được dân tộc thì mới cứu được văn hóa dân tộc. Đó chính là nội dung quan trọng, cơ bản và đầu tiên của Đề cương. Nó được ghi ở vị trí số 1 trong 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.
Trong tình thế khốn cùng của nhân dân vào đầu thập niên 1940, các tầng lớp trí thức của dân tộc cũng đều bị dồn đến thế cùng. Qua phương châm dân tộc hóa và với sự thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, gần như đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về cách mạng và tham gia cách mạng.
"Đề cương về văn hóa Việt Nam" ra đời khi những nền tảng cho sự canh tân văn hóa, văn học dân tộc đã được thực hiện, với vai trò của các nhà Nho-chí sĩ đầu thế kỷ, nhưng những kết quả thu được vẫn còn giới hạn ở các tầng trên, mặt trên, chưa động tới được các bề sâu. Qua phương châm đại chúng hóa, Đề cương tiếp tục sứ mệnh đào sâu xuống các nền tảng của đại chúng, nhằm đưa văn hóa vào quần chúng và đưa quần chúng vươn dần lên, hướng tới những mục tiêu từ thấp lên cao của tiếp thụ và sáng tạo văn hóa...
Sau 80 năm, với bao biến động, phát triển theo gia tốc lớn của lịch sử trong thế kỷ 20, Việt Nam từ một nước nô lệ, rên xiết dưới hai tầng xiềng xích Pháp-Nhật đã vùng dậy làm một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, rồi tiếp tục tiến hành các cuộc kháng chiến để đi tới thống nhất đất nước và phát triển theo định hướng mới của chủ nghĩa xã hội, đang triển khai một cuộc hội nhập lớn với nhân loại. Bây giờ, nhìn lại "Đề cương về văn hóa Việt Nam" năm 1943, tất nhiên chúng ta sẽ thấy một số mặt bất cập của Đề cương trong nhìn nhận, đánh giá lịch sử văn hóa dân tộc và các trào lưu văn hóa hiện đại thế giới... Tuy nhiên, dù tất cả bất cập có tính lịch sử nhưng sau quãng lùi 80 năm đến nay vẫn có thể khẳng định giá trị của Đề cương. Đó là, ngay từ năm 1943, khi chưa nắm được chính quyền, Đảng ta đã có sự quan tâm đến mặt trận văn hóa. Và khi đặt mối quan tâm vào văn hóa, Đảng cũng đã sơ bộ nắm được phép biện chứng trong tác động trở lại của văn hóa đối với đời sống kinh tế, chính trị. Ngay trong phần mở đầu, Đề cương ghi: "Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”.
Như vậy là vai trò của văn hóa, ở mặt tích cực của nó đã được khẳng định trong tương lai-vì sự cần thiết đến khẩn thiết của nó đối với một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo; và nội dung đó đã được nêu trong Đề cương. Một bản Đề cương ở thời điểm năm 1943 đã có thể, ra đời sau Ngày thành lập Đảng 13 năm; đứng trước sứ mệnh lịch sử chuẩn bị cho một cuộc cách mạng sẽ diễn ra chỉ hai năm sau đó.
Nhưng văn hóa là một khái niệm có nội hàm rộng. Như nội dung Đề cương viết: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Bây giờ ta có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Ở thời điểm năm 1943, hiểu văn hóa ở 3 phương diện tư tưởng, học thuật, nghệ thuật tất nhiên là chưa đủ chiều rộng; nhưng lại có được một đường biên cụ thể cho sự hình dung. Đó là sự bao quát phạm vi hoạt động của người trí thức, của giới trí thức trên hai lĩnh vực cơ bản là khoa học và nghệ thuật.
Dẫu quan niệm về văn hóa là rộng hoặc hẹp thì điểm nhấn mạnh và tư tưởng xuyên suốt Đề cương vẫn là ở “3 nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới”. Đó là: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); khoa học hóa (chống lại những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)”. Dân tộc hóa là nguyên tắc được đặt ở vị trí số 1. Với nguyên tắc này, sự tiếp nhận của quần chúng, trước hết là các tầng lớp trí thức sẽ có ý nghĩa như một định hướng cho họ ở cả hai tư cách: Tư cách công dân và tư cách trí thức-nhà khoa học-nghệ sĩ, trước một thời cuộc đang chuyển vào đêm trước cách mạng. Ở cả hai tư cách, người trí thức chỉ có thể chọn một con đường-con đường hướng về cách mạng và tham gia cách mạng để cứu nước, trong đó có bản thân và nghề nghiệp của mình. Đại chúng hóa là nguyên tắc có tác động sâu rộng đối với đời sống văn hóa, tinh thần nói chung và văn học-nghệ thuật nói riêng... Chính nhờ những kết quả của nguyên tắc đại chúng hóa mà ngay sau năm 1945, nền văn học-nghệ thuật dân tộc đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới trong sáng tạo và tiếp nhận thơ, văn, nhạc, họa... Nguyên tắc khoa học hóa là kết quả của sự vận dụng Chủ nghĩa Mác để phân tích lịch sử-văn hóa dân tộc cùng thực trạng văn hóa hiện thời. Từ đó đề ra phương hướng phát triển văn hóa “tân dân chủ”...
Có thể nói, 3 nguyên tắc được nêu trong Đề cương năm 1943-cách đây tròn 80 năm-rõ ràng là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho những nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Do khả năng đón đợi, tập hợp và đưa tất cả đội ngũ trí thức đến với cách mạng, Đề cương đã góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cùng với Đề cương là sự ra đời Hội Văn hóa cứu quốc-nơi tập hợp đội ngũ trí thức vào một tổ chức cách mạng nằm trong Mặt trận Việt Minh do Đảng lãnh đạo. Từ Hội Văn hóa cứu quốc diễn ra các đại hội văn hóa cứu quốc và hội nghị văn hóa toàn quốc ngay sau ngày cách mạng thành công. Điều đặc biệt là mối quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vai trò và vị trí của mặt trận văn hóa trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước, qua ý kiến phát biểu của Người trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, họp tại Hà Nội chỉ trong ngày 24-11-1946: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi...”. Từ thời điểm này, chỉ hơn 3 tuần sau là sự kiện Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) bùng nổ cùng với lời kêu gọi vang dội núi sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS PHONG LÊ