Nhìn lại lịch sử đánh giá Vũ Trọng Phụng diễn ra sau năm 1954, có một thời tên tuổi nhà văn này được bàn luận sôi nổi. Thời có những cuốn sách, những bài giảng, những hội thảo, những tranh luận khẳng định Vũ Trọng Phụng ở vị trí cao nhất trong dòng hiện thực. Và trong chiều hướng ngược lại thì sự phê phán cũng khá nặng nề, trên hai phương diện: Sự gợi dâm-để tiếp tục câu chuyện văn chương dâm uế trước năm 1945 và sự mơ hồ về chính trị, trong cách hiểu, cách miêu tả người cách mạng... Hóa ra, chặng đường 50 năm, rồi 70 năm của dân tộc và văn chương dân tộc đã trải một hành trình đáng kể trên tất cả phương diện của sáng tác và tiếp nhận, để đến được với quỹ đạo đích thực của nó. Trên hành trình đó, lịch sử đã có biết bao lầm lẫn, ngộ nhận, khiến không ít người viết phải chịu những thất thiệt hoặc những cái án oan mà Vũ Trọng Phụng lại là một trường hợp tiêu biểu.

Điều được an ủi là lúc sinh thời, Vũ Trọng Phụng đã quyết liệt bảo vệ được mình trong sự đồng tình của không ít đồng nghiệp, chiến hữu-những người cùng nhau làm một cuộc tiễn đưa ông rất mực cảm động vào ngày 13-10-1939, ở Cầu Mới-Ngã Tư Sở (Hà Nội), không kém cuộc đưa thi sĩ Tản Đà trước đó 4 tháng. Một lễ tang lớn và một số tao đàn đặc biệt về Vũ Trọng Phụng vào tháng 12-1939, đủ xác định giá trị và vị thế của Vũ Trọng Phụng lúc đương thời. Cuộc hội thảo đầu tiên để nhận lại giá trị của Vũ Trọng Phụng do Viện Văn học chủ trì được tổ chức tại Văn Miếu vào ngày 12-10-1989, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mất của ông. Vậy là sau 50 năm, Vũ Trọng Phụng mới gỡ được một cái án oan. Nói đúng hơn là 40 năm, nếu tính từ Hội nghị tranh luận văn nghệ Việt Bắc năm 1949 ở Việt Bắc. Qua những thảo luận khá sôi nổi, cởi mở và tự do lúc này, chúng ta thấy các giá trị văn chương trước năm 1945 vẫn còn được tiếp nhận, trong đó Vũ Trọng Phụng là cái tên được nhắc đến qua ý kiến của Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... Theo biên bản do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại, nhà văn Nguyên Hồng đã phát biểu: “... Tôi không đồng ý là nghệ thuật chép lại thực tại. Không, nghệ thuật phải là sáng tạo. Trong giai đoạn đả phá, tạo đúng cũng chưa toát lên được cái hiện thực. Cái xã hội của Xuân tóc đỏ, của bà Phó Đoan là cái xã hội thối nát, nhầy nhụa làm cho người ta ngấy lên. Tạo “Số đỏ”, Vũ Trọng Phụng đã có một thái độ không công nhận cái xã hội ấy. Nếu không, Vũ Trọng Phụng dù có tả nguyên xi cái xã hội ấy, chúng ta cũng không lợm. Tả đúng không đủ. Phải có thái độ cách mạng”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi thì cho rằng: “Khi nền nghệ thuật tiến bộ cần đánh đổ một trật tự xã hội, một cách sống, công việc chính của nó là vạch rõ bộ mặt thực của cách sống ấy, của xã hội ấy. Một tác giả chép đúng thực tại cũng đã có giá trị cách mạng rồi (ví dụ: Balzac, Vũ Trọng Phụng). Nhưng hình thức hiện thực ấy vẫn còn thấp”. Còn ý kiến của nhà thơ Tố Hữu như sau: “Ta phải phân biệt một hiện thực không dẫn dắt đến đâu cả, chỉ đả phá mà thôi. Tạm đặt cho nó cái tên là hiện thực Vũ Trọng Phụng (...). Lối hiện thực Vũ Trọng Phụng chưa phải là hiện thực xã hội. Vũ Trọng Phụng không phải là cách mạng nhưng cách mạng cảm ơn Vũ Trọng Phụng đã vạch rõ cái thực xấu xa, thối nát của xã hội lúc ấy. Nếu Vũ Trọng Phụng đi vào cuộc đời cách mạng thì anh ta đã thành công” (Theo Tạp chí Văn nghệ, số 17-18; tháng 11 và 12-1949).

Như vậy là giá trị hiện thực ở Vũ Trọng Phụng vẫn được khẳng định và sự hạn chế của anh chỉ là ở chỗ chưa vươn đến tả thực mới (tức hiện thực xã hội chủ nghĩa); dẫu theo đánh giá của cả ba, Vũ Trọng Phụng là cây bút hiện thực “có thái độ cách mạng” hoặc “có giá trị cách mạng” và xứng đáng được “cách mạng cảm ơn”.

leftcenterrightdel

Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Ảnh tư liệu 

Kể từ năm 1989 trở đi-sau hội thảo kỷ niệm 50 năm Ngày mất Vũ Trọng Phụng, nhà văn này đã trở lại vị trí một gương mặt tiêu biểu và xuất sắc trong trào lưu văn học hiện thực nói riêng và văn học hiện đại nói chung. Từ đây là việc tái bản đầy đủ các tác phẩm với sự xuất hiện lần lượt các tuyển tập và toàn tập; là những hội thảo và kỷ yếu; là chuyên khảo và luận án, luận văn về Vũ Trọng Phụng; là việc đặt tên đường và xây nhà tưởng niệm... Nếu được chọn dăm sáu người, hoặc vài ba người tiêu biểu nhất cho dòng hiện thực trước năm 1945 thì với tôi, không thể thiếu Vũ Trọng Phụng. Bởi giá trị nhận thức mà ông đem đến qua tác phẩm là những gam màu chói gắt, những đường nét sắc nhọn nhất trên bức tranh với nhiều góc khuất của hiện thực xã hội cũ. Những góc khuất được Vũ Trọng Phụng soi tìm qua rất nhiều phóng sự, khiến ông từng được vinh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”.

Nhìn đời với cảm quan chua chát, thất vọng, hoài nghi, nói Vũ Trọng Phụng trước hết là nói đến một tiếng chửi vỗ mặt vào những gương mặt đại diện của xã hội cũ với bao khinh ghét và căm phẫn, khiến mỗi cảnh đời hoặc mỗi hình tượng, mỗi biểu tượng nhà văn đưa ra đều gây nên rất nhiều ám ảnh cho người đọc. Cùng với tiếng chửi trong đối mặt với một xã hội thối nát, như trong “Giông tố”, còn là một chuỗi cười dài, rất dài, với rất nhiều âm vực và giọng điệu nơi “Số đỏ”, về cảnh và người một thời nhố nhăng, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông của Hà Nội cũ. Thiên kiệt tác về một gã ưa may "chó ngáp phải ruồi" này quả là có sức sống thế kỷ; nếu thiếu nó thì làm sao mà hình dung được một khái quát nghệ thuật tuyệt vời đến thế về trò đời và nhân thế, ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời nào. Cái sức khái quát luôn luôn sống động, đến như sờ mó được trong những chân dung thực của một thời Hà Nội và cũng không riêng Hà Nội: Những cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, cậu Phước-em chã, ông Tipphờnờ... nơi Hàng Ngang, Hàng Đào, hoặc Tràng Tiền, Tràng Thi...; những lang Tỳ, lang Phế ở Thuốc Bắc, Lãn Ông; những thầy Minđơ, Mintoa trên những lộ trình dọc dài các đại lộ nội thành; những sân quần xem ra còn phảng phất hình tích biết bao Xuân tóc đỏ...

leftcenterrightdel
Một số tác phẩm của 

Vũ Trọng Phụng do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Ảnh: PHÚC ANH 

Chỉ với 27 năm tuổi đời và trên dưới 10 năm tuổi nghề thế mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng có thể nói là đồ sộ các tác phẩm trên nhiều thể loại, gồm 11 tiểu thuyết, 4 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng nhiều truyện ngắn, vở kịch, bút ký, tiểu luận, bản dịch... Riêng năm 1936, ở tuổi 24, ông đồng thời cho in trên báo 4 tiểu thuyết lớn và một phóng sự dài, trong đó có những tác phẩm xứng đáng vào hàng kiệt tác trong văn học Việt Nam thế kỷ 20. Đó là một kỷ lục viết không chỉ người đương thời mà cho đến nay, chắc chắn chưa ai sánh bằng. Từ đó mà suy, giá trời cho Vũ Trọng Phụng một cơ thể khỏe mạnh và một tuổi thọ dài, ít ra cho đến ngoài 50, thì có lẽ số trang, số quyển của Vũ Trọng Phụng cũng chẳng kém gì Balzac-người thường được dẫn ra khi nói đến Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên đây chỉ là một giả định cho vui, vì còn phải xét đến sự chi phối, thậm chí là quyết định của hoàn cảnh...

Cùng với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng là người khai mở và giành ưu thế tuyệt đối cho trào lưu hiện thực vào nửa sau thập niên 1930, với những “gương mặt rất khác nhau”, trong sự “kế tục nhau”, để có Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, rồi Tô Hoài, Nam Cao... mà làm nên những mùa màng thật ngoạn mục cho văn học giai đoạn 1930-1945. Với Vũ Trọng Phụng, những dấu ấn mà ông để lại cho văn học Việt Nam là cực kỳ đặc sắc. Cho đến hôm nay, sau bao thăng trầm của lịch sử và chìm nổi của bản thân, Vũ Trọng Phụng vẫn còn đấy, tác giả của “Giông tố”, “Số đỏ”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cạm bẫy người”, “Cơm thầy cơm cô”...; người khai sinh và đem lại sự bất tử cho những: Nghị Hách, Xuân tóc đỏ, thị Mịch, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, em chã...

GS PHONG LÊ