Hành trình về với quê nhà văn Nam Cao của tôi đã bắt đầu nhẹ nhàng như thế!

Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao nằm trên địa bàn làng Đại Hoàng (thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), cách thị trấn Vĩnh Trụ 23km. Về đến đất Đại Hoàng thì không thể không nhắc đến những sản vật nổi tiếng nơi đây. Nào là cá kho tộ, chuối ngựa, nào nghề dệt vải thủ công truyền thống... Ngôi làng đặc trưng của vùng Bắc Bộ nay đã “thay da đổi thịt”, nhà cao tầng khang trang san sát, tiếng thoi đưa lách cách đã xen lẫn âm thanh sầm sập của máy dệt vải bán công nghiệp.

Hỏi thăm vài người, men theo con đường nhỏ bên ao nước trước khuôn viên Khu tưởng niệm, tôi đến phần mộ của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Khói nhang nhẹ nhẹ bay bay, quang cảnh đơn sơ, tĩnh mịch. Ngay bên cạnh phần mộ là ngôi nhà tưởng niệm khang trang, cửa đang đóng im lìm. Theo lời chỉ dẫn của dân làng trước đó, tôi vòng qua phía sau, cất tiếng gọi: “Có ai ở nhà không ạ?”. Một dáng người dong dỏng, gầy gò cùng nụ cười “móm mém” xuất hiện. Bác chính là Trần Hữu Vịnh, người trông coi Khu tưởng niệm. “Nếu không có khách tới thăm, tôi phải khóa cửa để tránh trẻ con tới nghịch. Nhà ngay sau đây, ai đến thì gọi, tôi ra mở cửa ngay ấy mà!” - bác Vịnh cất giọng ôn tồn.

leftcenterrightdel

Bác Trần Hữu Vịnh thắp nén nhang lên bàn thờ nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. 

Ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân tới nơi đây, điều đầu tiên mà tôi, và có lẽ cả bao vị khách khác, cảm nhận được là sự tận tâm chăm chút. Từ phần sân trước cây cối xanh tươi cho đến nơi bàn thờ linh thiêng, nhang khói luôn ấm áp đều toát lên sự giản dị nhưng không chút tuềnh toàng. Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được khởi xướng thành lập lần đầu tiên vào năm 1997 bởi UBND tỉnh Hà Nam và Hội Nhà văn Việt Nam (khi ấy bao gồm những văn nghệ sĩ tiền bối như: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Tố Hữu...) với ý tưởng ban đầu là Dự án “Vườn hiện thực Nam Cao”. Dự án nhằm tái hiện toàn bộ sự nghiệp văn chương cũng như những khung cảnh làng quê Bắc Bộ đã xuất hiện trong những tác phẩm “để đời” của Nam Cao như: Chí Phèo, Sống mòn, Đời thừa, Lão Hạc... Thế nhưng, theo lời bác Vịnh kể lại thì người đầu tiên đề xuất và đóng góp một phần lớn trong tổng kinh phí xây dựng 500 triệu đồng khi đó lại chính là Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Sau này, lần đầu tiên về thăm Khu tưởng niệm, bà Nguyễn Thị Doan, lúc ấy là Phó chủ tịch nước đã sửa sang, sắm thêm vật dụng ở khu mộ và đôi lọ lục bình đặt trang trọng hai bên bàn thờ. Lần thứ hai về thăm, bà đích thân trồng hai cây lộc vừng to, đẹp tại sân nhà tưởng niệm. Bức tượng nhà văn Nam Cao đúc bằng đồng nguyên chất đặt trang trọng trên bàn thờ được Công an tỉnh Hà Nam kính tặng nhân dịp 60 năm kỷ niệm ngày mất của nhà văn.

Khu nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2004. Từ đó đến nay đã 13 năm, bác Vịnh một mình quán xuyến, trông coi, từ việc bảo quản hiện vật, quét dọn, đến cả chuyện nhang khói trên bàn thờ nhà văn Nam Cao. Bác Vịnh năm nay 67 tuổi. Bác kể, tính trong họ thì bác cũng có họ hàng xa với nhà văn, liệt sĩ Nam Cao nhưng công việc trông coi Khu tưởng niệm mười mấy năm nay hoàn toàn mang tính chất xã hội. Giữa năm 2004, trước khi Khu tưởng niệm được khánh thành không lâu, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã đến động viên, nhờ bác trông coi nơi này.

Toàn bộ khuôn viên của Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao rộng gần 6.000m2, gồm diện tích ao, sân lớn trước hiên, phần mộ của nhà văn được đón về quê yên nghỉ từ năm 1998, nhà tưởng niệm gần 200m2 và vườn chuối ngự phía sau nhà. Vườn chuối ngự được ban lãnh đạo xã giao lại cho các hộ dân sinh sống gần đó trồng và bảo tồn giống chuối ngự thuần chủng nổi tiếng của địa phương.

leftcenterrightdel
Khuôn viên rộng gần 1.000m2 của nhà Bá Kiến. 
Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lý Nhân, mỗi năm, Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao đón khoảng 2.500 đến 3.000 lượt khách ghé thăm. Trong đó, học sinh trung học và sinh viên đại học là đối tượng thường xuyên nhất. Các em đến đây vừa để tham quan, vừa tham dự một tiết học ngoại khóa. Một số trường trên địa bàn thường xuyên tổ chức các lớp ngoại khóa tại Khu tưởng niệm như: THCS Vĩnh Trụ, THCS Nam Cao, THPT Nam Lý… Ngoài ra, còn có các trường ở các tỉnh lân cận, sinh viên hoặc giảng viên đến từ các trường đại học như: Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...

Qua quá trình làm việc lâu năm tại đây, bác Vịnh nắm rất nhiều thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nam Cao. “Ngoài việc tìm hiểu qua đọc sách báo chính thống, tôi còn cố gắng tự tìm hiểu ở nhiều nguồn tài liệu đặc biệt khác như những câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng, qua những người đến thăm” - bác Vịnh cười tươi. Bác còn kể, nhờ việc tìm hiểu như vậy mà khi du khách đến thăm, bác có thể thuyết minh, hướng dẫn. Gần đây, khi Trường THCS Hưng Yên đến tham quan, họ đã nhờ bác Vịnh đưa ra những câu hỏi về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao để các em học sinh trả lời. Dù chỉ là một việc làm nhỏ nhưng bác rất vui khi kiến thức nhỏ bé của mình có thể giúp các em hiểu biết nhiều hơn về một nhà văn đặc biệt của Việt Nam.

Tuy nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân, nhưng hiện Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao vẫn đang cần sự chung tay tôn tạo của toàn xã hội, nhất là những người yêu văn học. Dự án ban đầu “Vườn hiện thực Nam Cao” dường như đã không được hoàn thành trọn vẹn và mang đúng ý nghĩa ban đầu. Những khung cảnh đã đi vào tác phẩm của Nam Cao như bến sông ngày ngày Thị Nở gánh nước, vườn chuối nơi Chí Phèo gặp Thị Nở, nếp nhà của thầy giáo Thứ hay cái lò gạch mang đậm tính biểu trưng ngày nào giờ đã không còn và cũng không được tái hiện. Duy chỉ có nhà cụ Chánh Bính (hình mẫu của nhân vật Bá Kiến) là được Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lý Nhân mua lại với giá 750 triệu đồng năm 2007. Nhưng cho đến nay, ngoài một bộ bàn ghế và một ban thờ đặt “tượng trưng” ra thì gian nhà vẫn không được bày biện.

Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được xây dựng trên mảnh đất của nhà Lão Hạc trước kia. Tuy nhiên, mảnh đất mà nhà văn sống hồi còn sinh thời - nơi được cho là khung cảnh lấy cảm hứng cho chính nhân vật thầy giáo Thứ của tác phẩm “Sống mòn” thì không được địa phương mua lại (do đã từng bị bán đi trong quá khứ) dù chỉ cách đó không xa.

Hơn nữa, qua tìm hiểu cho thấy, người trông coi cả một khu tưởng niệm rộng gần 6.000m2 như bác Vịnh chỉ nhận được mức hỗ trợ hằng tháng theo chế độ của một thủ thư trông coi thư viện là 80.000 đồng mỗi tháng. “Số tiền hỗ trợ ấy thực chẳng đủ tiền mua hương để thắp, chưa kể ngày rằm với mồng một nào, không nhiều thì ít, tôi cũng cố gắng tự sắm ít lễ quả để trên bàn thờ...” - bác Vịnh trầm ngâm.

 Cuối tháng 4-2016, một cơn bão dữ dội đổ xuống, Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao chịu thiệt hại khá nặng nề. Khung treo ảnh cùng hơn 20 khung kính bị rơi vỡ và hư hỏng nặng. Toàn bộ Khu nhà tưởng niệm bị ngập, bác Vịnh dọn dẹp cả tuần mới xong. Tuy đã báo cáo kịp thời nhưng phải đến cuối năm 2016 mới có người xuống sửa sang khung treo ảnh và lắp lại khung kính mới.

Năm 2016, Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Khi ấy, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lý Nhân mới hoàn thành kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025 và bàn giao Khu tưởng niệm cho chính quyền xã Hòa Hậu quản lý, với mục tiêu đưa điểm du lịch nhân văn là Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao cùng điểm du lịch tâm linh đền Trần Thương thành hai điểm du lịch chính, trọng yếu của huyện Lý Nhân. Ông Bùi Quốc Toản, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lý Nhân, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng xây dựng kế hoạch để tham mưu cho UBND huyện Lý Nhân lập quy hoạch cụ thể. Từ đó, công bố và thu hút các nguồn đầu tư xã hội hóa nhằm duy trì và phát triển mô hình đặc biệt này”.

Cùng bác Vịnh thắp nén hương lên phần mộ khang trang của liệt sĩ, nhà văn Nam Cao, một cảm giác yên bình chợt tràn về trong tôi. Nhờ những người có tấm lòng như bác Vịnh, như những Mạnh Thường Quân đóng góp mà Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao ngày càng đạt được ý nghĩa thiêng liêng vốn có và trở thành một mô hình giáo dục hiệu quả dành cho thế hệ trẻ, cho những người yêu văn chương khắp muôn phương tìm về.

Bài và ảnh: TỐNG HOÀNG HÀ MY