Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, văn học nước ta đã có những cây bút hàng đầu của cả hai trào lưu văn học hiện thực và lãng mạn. Đó là Nguyễn Công Hoan và Vũ Trọng Phụng, là Nguyễn Tuân và Thạch Lam, là Tam Lang và Trọng Lang, là Nam Cao và Tô Hoài... Cùng với các tên tuổi này còn phải nói đến Nguyễn Đình Lạp.
Nguyễn Đình Lạp thuộc lớp người viết gắn bó với quê hương bằng những bài báo mang chất liệu thời sự và hình thức phóng sự, ra đời vào giữa năm 1930-thời kỳ Mặt trận Dân chủ, như: “Chợ phiên đi tới đâu” (1936), “Thanh niên trụy lạc” (1937), “Từ ái tình đến hôn nhân” (còn có tên gọi khác là "Những vụ án tình"-1938), “Cường hào” (1938)... Những bài báo góp một cách nhìn phê phán đối với phong trào “vui vẻ trẻ trung” đang lây lan trong đời sống đô thị, qua đó chứng tỏ người viết đã nhìn ra một hiểm họa về xã hội và đạo đức không chỉ đối với thanh niên mà là cả xã hội nói chung, trong xu thế đô thị hóa, dưới chế độ thuộc địa. Nhất là khi phong trào cách mạng đang cần huy động sức mạnh của toàn dân và trước hết là lớp người trẻ tuổi.
Từ những bài báo khách quan có tác động tích cực cho công tác tuyên truyền và giáo dục mà Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Nguyễn Đình Lạp thâm nhập dần vào đời sống văn học, rồi trở thành một cây bút có dấu ấn riêng trong trào lưu văn học hiện thực những năm 1941-1945. Dấu ấn này được thể hiện qua hai thiên tiểu thuyết-phóng sự, hoặc phóng sự-tiểu thuyết có giá trị là “Ngoại ô” (1941) và “Ngõ hẻm” (1943). Với hai tác phẩm đó, Nguyễn Đình Lạp xứng đáng là một trong số những người hiếm hoi, sau Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố duy trì và chuyên canh một loại hình văn học, góp vào sự phong phú và đa dạng của gương mặt văn học Việt Nam hiện đại.
Đặt bên cạnh các tên tuổi trên như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... Nguyễn Đình Lạp cũng không kém sức vóc một chút nào, với “Ngoại ô” và “Ngõ hẻm” như hai mái của một ngôi nhà, chụm vào nhau, trong đó trú ngụ bao thân phận, số phận của những lớp người nghèo khổ. Viết về tầng lớp dân nghèo thành thị, người có nhiều tác phẩm đặc sắc nhất có thâm niên dài nhất trong văn học hiện đại-đó là Nguyên Hồng với “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”... trước năm 1945 đến bộ tiểu thuyết “Cửa biển” đồ sộ 4 tập dài hơn 2.000 trang trước khi qua đời.
Nhưng Nguyễn Đình Lạp lại kể với chúng ta với một giọng điệu trầm tĩnh, khách quan và có thể là có chút “tự nhiên chủ nghĩa” những mảnh đời, từng đoạn đời của người dân “ngõ hẻm”, “ngoại ô”, đúng như tên sách gợi ra. Những mảnh đời, cuộc đời tuy đã lùi sâu hơn ba phần tư thế kỷ nhưng đâu đã hết hẳn bóng dáng, hình hài của nó xung quanh ta hôm nay; và về không gian lại rất gần gũi với chúng ta. Đó là Ô Cầu Dền, là xóm ả đào Vạn Thái, là dọc dài khu phố Bạch Mai theo trục xuôi từ Phố Huế nối với chợ Mơ mà tỏa rộng ra hai phía theo những con hẻm, ao chuôm và đồng ruộng, gò bãi và lụp xụp những mái lều, những ngôi nhà ổ chuột...
Nhà văn Nguyễn Đình Lạp có những đóng góp và tạo nên dấu ấn đặc sắc trong làng văn học bởi sự chuyên tâm hoặc chuyên canh cho thể loại phóng sự-tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết-phóng sự. Ông có sự kết hợp giữa sự thật của phóng sự và hư cấu của tiểu thuyết mà không gây nên cảm giác giả hoặc gượng, qua đó đem lại cho trào lưu hiện thực trước năm 1945. Hai tác phẩm kết nối nhau trên sự khai thác chất liệu chính là đời sống tầng lớp dân nghèo ngoại ô Bạch Mai-Hà Nội-nơi sinh của tác giả. Ngay tên gọi của hai tác phẩm “Ngoại ô” và “Ngõ hẻm” của Nguyễn Đình Lạp thì đã gần như ôm trọn nội dung rồi.
Từ “Ngoại ô” đến “Ngõ hẻm” là sự thu nhỏ dần và đi vào cận cảnh những cảnh ngộ và số phận của tầng lớp dân nghèo qua một gia đình; từ gia đình vợ chồng bác Vuông (Ngoại ô), chuyển sang gia đình con gái và con rể là Khuyên và Nhớn (Ngõ hẻm); cả hai là sự nối dài những kiếp sống “lầm than” như tên một tiểu thuyết của Lan Khai hoặc “dưới đáy” như tên một vở kịch của Gorki. Dẫu có bươn chải, xoay trở đến mấy vẫn không thể nào thoát ra khỏi hai tấm lưới: Bần cùng hóa và tha hóa. Cả hai cùng dồn con người vào cõi chết. Đó là chết đói hoặc chết về nhân cách, về tinh thần, sa vào đấy thì con người sinh học có thể còn sống, nhưng con người với tính người, chất người coi như là đã chết. Đây là hai hiện trạng làm nên mối quan tâm hàng đầu của văn học hiện thực trước năm 1945 nói chung.
Nếu như Vũ Trọng Phụng đi sâu khai thác các mặt tha hóa, hư hỏng ở con người thì Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp lại có sự đan quyện vào nhau với muôn mặt bình thường và dị thường, quen mà lạ... Nguyễn Đình Lạp viết về những phận người, luôn luôn trên bờ vực của cái chết, trước hết là chết đói; và tiếp đó hoặc bên cạnh đó là cái chết về nhân phẩm. Bởi, để khỏi chết đói, họ phải liều chết mà kiếm ăn-như một đúc kết của Nam Cao. Có nghĩa là khó tránh sự tha hóa-phải đào mả để ăn trộm vàng như Nhớn. Phải đâm chết người để bảo vệ mình như Khuyên. Phải trấn lột ngay cả bạn mình vì con thiếu cơm, thiếu thuốc. Phải bỏ nhà mà đi trong vô vọng. Rồi lại quay trở về với thất vọng...
Nhưng khác với Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, thế giới nhân vật của Nguyễn Đình Lạp luôn đứng ở ranh giới mấp mé của sự hư hỏng chứ chưa thật sự đi vào con đường lưu manh hóa với những gương mặt siêu hạng như Chí Phèo hoặc Xuân Tóc Đỏ. Cũng không giống thế giới nhân vật của Tô Hoài nơi một làng nghề thủ công, trong tàn lụi vẫn còn để lại chút dư vị của tình yêu hoặc của chất thơ trong những phong tục còn lưu lại từ lâu đời... hay “sa vào vực thẳm” (như tên một truyện của Nguyên Hồng), nhưng họ vẫn tìm cách để ngoi lên...
Thế giới nhân vật của Nguyễn Đình Lạp còn là thế giới của những cưu mang, đùm bọc cho nhau, của những mơ ước mỏng manh và nhỏ nhoi, nói với chúng ta vừa về những cay đắng, nhục nhằn của cuộc đời, vừa với khát vọng yêu thương và mong mỏi một cuộc sống phải được đổi thay. Đây là thế giới nhân vật rồi sẽ chứng kiến hoặc thuộc vào con số hai triệu người chết đói vào mùa xuân-tháng 3 năm 1945; hoặc trong số hàng chục triệu người xuống đường phá kho thóc Nhật, cầm cờ đỏ sao vàng giành chính quyền trên khắp cả nước trong cuộc Tổng khởi nghĩa vĩ đại vào mùa thu Tháng Tám năm 1945.
Như vậy là ở chặng cuối của những năm 1941-1945, đó là một chuyển động dữ dội đem lại một cuộc đổi đời cho dân tộc; và những biến đổi quan trọng cho đời sống văn học, trong đó có gương mặt riêng của Nguyễn Đình Lạp trong đội ngũ những Mạnh Phú Tư (1913-1959), Nam Cao (1915-1951), Nguyên Hồng (1918-1982), Bùi Hiển (1919-2009), Tô Hoài (1920-2014), Kim Lân (1921-2007)-những tên tuổi thuộc thế hệ vàng của văn học Việt Nam hiện đại.
Sau năm 1945, Nguyễn Đình Lạp tham gia công tác đào tạo các khóa huấn luyện văn hóa kháng chiến ở vùng tự do Khu 4 cũ. Rồi trở về hoạt động bí mật ở Hà Nội bị tạm chiếm. Trước khi mất ở tuổi 39, ông còn kịp viết một tập sách mỏng “Chiếc va ly trên chuyến tàu Amiô-Đanhvin” và một vài bản thảo phóng sự khác.
Với những đóng góp xuất sắc cho văn đàn nước nhà, nhà văn Nguyễn Đình Lạp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 4 năm 2017.
Tháng 6-2022
PGS, TS VÂN THANH