Không giống với Ngô Tất Tố, Nam Cao là những người am hiểu sâu về đời sống nông thôn, dựng được những hình ảnh đầy đặn và nắm bắt được những nét sống linh hoạt về phong tục, tập quán, về tâm lý, tính cách người nông dân, Nguyên Hồng sở trường về một mảng đời khác-lớp dân nghèo thành thị. Từ "Bỉ vỏ" (1938), "Những ngày thơ ấu" (1941) đến hàng loạt truyện ngắn, thư từ... viết dồn trong dăm sáu năm tiền cách mạng thấy nổi lên hình ảnh lớp dân nghèo này trong tất cả tình cảnh tối tăm, bi đát của họ.

Trên bức tranh hiện thực một thời không quên được ấy của lịch sử dân tộc, nền văn học hiện đại Việt Nam đã có thể ghi công cho Nguyên Hồng là người đã viết, không phải chỉ bằng sự quan sát chăm chú hoặc thông minh của đôi mắt, mà bằng tất cả sự đồng cảm, chia sẻ, thấm thía tự bề sâu tấm lòng trước mọi nỗi buồn lo, xót đau, quằn quại của lớp người dưới đáy xã hội.

Có thể nói đến một khả năng riêng hiếm có ở ngòi bút Nguyên Hồng để tạo dựng một thứ không khí riêng, một thứ âm thanh và màu sắc riêng cho những cảnh đời luôn luôn trở đi trở lại trên các trang viết của ông. Đó là những ngõ, những hẻm, những xó xỉnh, những chỗ chen lách, chui rúc, nơi kiếm sống, sinh hoạt, ăn ngủ, nghỉ ngơi, làm lụng, chờ đợi, gặp gỡ, hẹn hò, hy vọng của những người nghèo; nơi làm thành bộ mặt dưới đáy của sinh hoạt thành thị; nơi như một sự tù đọng, lại như một chỗ xoáy hút mọi thứ rác bẩn; nơi con người bị tước hết lịch sử để chỉ còn lại một cái tên riêng xấu xí, trần trụi trong sự tồn tại mong manh của cuộc sống từng ngày.

Nhưng bị tước hết lịch sử, con người vẫn có một lịch sử. Mỗi người trong họ như: Tám Bính, Chín Huyền, Năm Sài Gòn, cùng hàng chục, hàng trăm nhân vật khác của ông, những Bố Nấu, Gái Đen... đều có lịch sử của mình, gồm một phần đời gắn với nông thôn. Nhưng sự bóc lột tô tức, sự bần cùng hóa đến triệt để diễn ra ở nông thôn, cùng biết bao thành kiến cổ hủ đã dồn tất cả họ vào “vực thẳm”-như một tên truyện của Nguyên Hồng; và con đường thoát của họ là bật ra thành thị. Nguyên Hồng không đi sâu vào quá trình có tính quy luật diễn ra sau “lũy tre xanh” như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... Ông chỉ đón lấy cái chặng đường họ từ quê ra tỉnh. Ông chờ họ ở một bến xe, một ngã ba sông... Ông quan sát với biết bao hồi hộp, lo lắng trước vẻ ngơ ngác, sợ sệt của họ nơi một vườn hoa có tên “đưa người”, nơi một ngách phố, rồi mất hút trong quầng sáng điện, hoặc biến đi sau một ngõ hẻm... Để rồi, chính từ giờ phút đó, đời sống thành thị sẽ cuốn họ vào guồng quay của nó, hoặc tàn nhẫn bóp chết, hoặc làm biến dạng hình hài và số phận họ. Để rồi, trên sự chen lấn, tranh giành, tước đoạt đầy nhốn nháo và hỗn loạn này mà làm xuất hiện những “bỉ vỏ” như Tám Bính, những anh chị như Năm Sài Gòn, Ba Bay, những gái điếm, ăn xin đủ dạng, tóm lại, cả một thế giới người bị tước đi quyền sống, nên đến lượt mình lại phải dùng sự tước đoạt để giành lại phần sống lay lắt cho mình.

Tất cả sáng tác của Nguyên Hồng là nhằm vào câu trả lời: Họ đã sống ra sao? Sự sống ấy, nếu cũng được gọi là sự sống, quả đã ngồn ngộn trên các trang viết của ông. Sống trong sự cùng cực, bị vắt kiệt. Sống trong sự lo âu, khắc khoải, được hôm nay không biết ngày mai. Sống trong cái đói thường trực. Và sống trong sự dằn vặt, day dứt, hành hạ, làm khổ lẫn nhau... Nhưng cũng là sống trong sự nương tựa, cưu mang, đùm bọc, hy sinh cho nhau. Có thể nói, chung quanh cái chuyện sống hết sức sinh tử đó, hoặc có thể nói hẹp hơn, chung quanh việc vật lộn cho có miếng ăn hằng ngày đó, Nguyên Hồng đã có thể khai triển mà cho thấy biết bao là phong phú, là chồng chất và dồn nén cả một thế giới vừa đầy mâu thuẫn, ngang trái, vừa giàu vẻ đẹp và chất thơ trong các cảnh đời và tình người!

Nhưng nếu như, một mặt guồng quay khắc nghiệt của xã hội đã mặc sức cuốn cả cái đám nhân quần ấy vào bánh xe của nó để làm cho họ đầu trần thân trụi, gọt phẳng mọi bản sắc, nhân cách, thủ tiêu mọi sinh thú của đời sống; và mặt khác, phía Nguyên Hồng như muốn ghì giữ lại để cho ta nhận diện từng khuôn mặt và chỉ cho ta xem niềm ham sống không tắt ở họ, thậm chí có lúc như muốn cháy bùng lên, đồng thời với những mặt sáng sủa trong con người họ, thì-một câu hỏi lớn vẫn không thôi ám ảnh chúng ta: Cuộc sống này, số phận những con người này sẽ ra sao? Xu thế chung, khách quan và tất yếu của cuộc đời sẽ là thế nào? Câu hỏi đó quả không dễ trả lời trong hoàn cảnh oi ngột tù đọng, luôn bị bủa vây, đe dọa của chế độ thực dân. Câu hỏi đó chỉ có thể được sáng tỏ và trở thành một sự tỏa sáng trong sáng tác của Nguyên Hồng ít lâu sau, khi thời cơ cách mạng dồn đến, khi cả một dân tộc đang rùng rùng chuyển động đến cao trào tổng khởi nghĩa, khi ông trở thành thành viên tích cực của Hội Văn hóa cứu quốc và đón nhận ánh sáng từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng. Đó là những trang "Địa ngục" và "Lò lửa" đặt bên nhau như là hai mặt sáng-tối, hai mặt phải-trái, hai phía trước-sau của cùng một sự vật, điều mà trước đây, Nguyên Hồng mới chỉ có thể tô đậm một mặt, hoặc có lúc cho thấy cả hai, nhưng trong một sự gắn nối còn mờ nhạt hoặc khập khiễng.

leftcenterrightdel
Chân dung nhà văn Nguyên Hồng.  Ảnh tư liệu

Đọc Nguyên Hồng không thể không dừng lại trên bộ tiểu thuyết lớn "Cửa biển" mà nhà văn dường như đã dốc vào đấy gần như toàn bộ vốn liếng, tâm huyết cả một đời cầm bút của mình. Nếu tính khoảng cách giữa tập I có tên "Sóng gầm" (1961), và tập IV có tên "Khi đứa con ra đời" (1976) thì chỉ mới trọn 15 năm. Nhưng để chuẩn bị cho nó, từ những thai nghén đầu tiên trên bản thảo có tên "Xóm cháy" thì còn phải tính ngược về trước thêm hai thập niên nữa.

Ba mươi lăm năm nung nấu cho những gì đã được trang trải và dồn nén ở đây-nơi bộ sách thuộc loại dài nhất trong văn học hiện đại Việt Nam, tính cho đến khi Nguyên Hồng qua đời. Không phải không có sự khó nhọc cho chúng ta mỗi khi phải đọc liền một thôi một hồi hàng trăm trang, khi phải đi suốt một mạch cuộc hành trình dài qua bốn tập "Cửa biển". Nhưng rõ ràng nếu thiếu đi bộ sách đó thì sự hình dung về xã hội cũ ở chúng ta hôm nay và nhiều thế hệ mai sau sẽ thiếu hụt đi không nhỏ. Trước hết, đó là một mảng tối, toát lên từ bao cảnh đời cơ cực, bao kiếp sống lầm than, bao số phận bị giày đạp... Nhưng là một mảng tối không đứng im mà đang chuyển động. Nếu "Sóng gầm" (1961), "Cơn bão đã đến" (1968), "Thời kỳ đen tối" (1973), như tên truyện gợi ra là những diễn biến, phát triển và dồn nén của một cuộc sống đang chuyển dần vào đêm sâu, thì với "Khi đứa con ra đời" (1976) tác giả lại rọi ánh sáng vào cái hiện thực vĩ đại và thiêng liêng của dân tộc là cách mạng, nó là sự giải tỏa, là xu thế tất yếu của cuộc sống, từ đau thương đi tới quật khởi, được thu nhỏ trong hình ảnh một vùng cửa biển: Hải Phòng.

Vẫn quen thuộc với chúng ta như trong tiếp xúc ban đầu với Nguyên Hồng ở tuổi thành niên, những nỗi thống khổ của lớp dân nghèo, của người lao động, thuộc mọi tầng lớp đang bị dồn vào đêm thẳm, vào vực thẳm tiền cách mạng... Nhưng cuộc sống với những nỗi thống khổ ghê gớm đó thực ra không hoàn toàn là một “địa ngục” và con người lao động dẫu bị xô đẩy đến các “vực thẳm” vẫn không ngừng bằng mọi cách tìm lối để ngoi ra. Nếu trước đây trong sáng tác của Nguyên Hồng, những người nghèo khổ thường bị dồn vào một cảnh ngộ bi thảm, phải chết rục chết mòn nơi đầu đường xó chợ, hoặc cùng quẫn quá mà lao vào một kiếp sống lưu manh như một sự chống trả lại trật tự xã hội, thì về sau, kể từ sau năm 1945, nhà văn đã có thể cho thấy, bên cạnh thực trạng ấy, một sự thật khác, cơ bản và có ý nghĩa. Đó là hiện thực con người hướng về ánh sáng, là sự nảy nở ý thức cách mạng trong lòng quần chúng cực khổ.

Cái mới của bộ "Cửa biển" chính là ở những cố gắng đó của nhà văn nhằm khẳng định sự phát triển cách mạng của hiện thực. Cũng chính ở đây thể hiện sự đổi mới trong phương pháp nghệ thuật ở Nguyên Hồng, dẫu về bút pháp tiểu thuyết, bộ truyện vẫn còn lắm trang nặng nề, rậm rạp.

Một phong cách giàu cảm xúc; một tình thương vừa mênh mông vừa thấm thía đối với nhiều lớp người lao khổ; một bức tranh đời trước Cách mạng Tháng Tám với bao nỗi xót xa, cay đắng của con người; những tính cách nhân vật như muốn cưỡng lại các số phận; một khát vọng hướng về cái thiện và do vậy mà hướng về cách mạng như một lẽ phải tự nhiên... Có thể xem tất cả đó là những dấu ấn đặc sắc mà Nguyên Hồng đã để lại cho văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ 20, qua hơn 20 tác phẩm trong ngót 50 năm sáng tác của nhà văn.

Tháng 4-2022

GS PHONG LÊ