Năm 2017, Trung tâm William Joiner, nay là Viện William Joiner, thuộc Trường Đại học Massachusetts (Mỹ), tổ chức kỷ niệm 20 năm chính thức quan hệ với Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là tổ chức nghiên cứu về hậu quả chiến tranh và xã hội thông qua văn học có ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Tôi và một số nhà văn đã thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam đến Mỹ tham dự lễ kỷ niệm này. Đoàn nhà văn Việt Nam mang theo một món quà đặc biệt tặng bạn bè Mỹ. Đó là cuốn sách song ngữ (Việt-Anh) có tên “Những người đi qua biển” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách bao gồm hai phần: Một là những bài viết của các nhà văn cựu binh Mỹ về Việt Nam, hai là những bài viết của các nhà văn cựu binh Việt Nam về nước Mỹ. Khi trao tặng món quà đó cho các nhà văn cựu binh Mỹ, tôi đã nói: "Trước kia, những người lính Mỹ đã đi qua biển và mang tới Việt Nam súng đạn, chất độc da cam. Còn sau chiến tranh, những nhà văn cựu binh Việt Nam đã đi một chặng dài qua biển từ Việt Nam đến Mỹ bằng đúng chặng đường mà những lính Mỹ đi từ Mỹ đến Việt Nam, nhưng những nhà văn Việt Nam mang tới Mỹ là các tác phẩm văn học. Thứ mà những người lính của mỗi bên mang tới đất nước của nhau hoàn toàn khác biệt và nói lên tất cả".

Sau chiến tranh Việt Nam cho đến lúc đó, có hơn 4.000 đầu sách của người Mỹ viết để giải mã vì sao họ thất bại trong chiến tranh Việt Nam. Trong đó, những tác phẩm văn học của người Mỹ, đặc biệt của những nhà văn Mỹ đã tham gia trực tiếp cuộc chiến tranh xâm lược này là một cánh cửa lớn mở ra những bí mật về người Việt Nam trong cuộc chiến tranh mà tập trung là những người lính giải phóng Việt Nam-kẻ thù sống chết của họ trong cuộc chiến. Sau chiến tranh, ở Mỹ xuất hiện một chương trình đặc biệt dạy về chiến tranh Việt Nam. Và nhà thơ cựu binh Mỹ Larry Rottman là người đã sáng tạo ra chương trình đặc biệt này. Trong mỗi buổi học về chiến tranh Việt Nam, các giáo viên cho một sinh viên Mỹ đóng vai một lính Mỹ và một sinh viên Mỹ khác đóng vai một người lính giải phóng Việt Nam. Mỗi bên thay nhau đọc những trang nhật ký của những người lính ở hai phía. Họ muốn sinh viên biết mỗi người lính ở một phía mang theo những gì trong tâm hồn vào cuộc chiến tranh ấy.

Trong tất cả những trang nhật ký của lính Mỹ tràn ngập sự hoang mang, sợ hãi, nỗi ngờ vực về mục đích của cuộc chiến, sự nguyền rủa chính quyền Mỹ đã gây ra cuộc chiến... Còn trong những trang nhật ký của những người lính giải phóng là nỗi nhớ nhà, tình yêu quê hương, khát vọng hòa bình và ý chí dâng hiến cho Tổ quốc. Chỉ như thế thôi, người Mỹ đã hiểu sức mạnh tinh thần của những người lính giải phóng Việt Nam. Với sức mạnh ấy, không có một vũ khí nào có thể khuất phục. Sự thật là sau chiến tranh, không ít những cuốn nhật ký của chiến sĩ Quân giải phóng mà đối phương thường gọi là “Việt cộng” đã được công bố và trở thành những cuốn sách lôi cuốn nhiều người đọc và được dịch ra một số tiếng trên thế giới như nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc...

leftcenterrightdel

Quang cảnh tọa đàm: "Diễn đàn văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: HOÀNG VIỆT

 

Năm 1997, tôi vinh dự được tham dự lễ ra mắt tập thơ “Những bài thơ trong tài liệu bị bắt giữ” được Nhà xuất bản báo chí của Trường Đại học Massachusetts ấn hành. Tập thơ này thực sự là một phát hiện quan trọng của các nhà văn của Viện William Joiner. Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã thu giữ một lượng tài liệu khổng lồ liên quan tới “kẻ thù” của họ. Sau chiến tranh một thời gian, một phần lớn tài liệu này được giải mật và Trường Đại học Massachusetts đã mua hàng nghìn mét microphim chụp các tài liệu này gồm đủ các loại giấy tờ, sổ tay từ những người lính giải phóng bị bắt giữ, bị hy sinh và thất lạc trong chiến tranh.

Các nhà văn, nhà thơ của Viện William Joiner đã đọc những tài liệu này và họ phát hiện ra trong hầu hết các cuốn sổ tay và nhiều loại giấy tờ khác đều vẽ hình chim bồ câu-biểu tượng của hòa bình và đều ghi chép một loại văn bản mà sau này họ phát hiện ra đó là những bài thơ. Viện William Joiner quyết định dịch một số bài thơ từ những tài liệu bị quân đội Mỹ bắt giữ ấy và tập thơ mang tên “Những bài thơ trong tài liệu bị bắt giữ” đã ra mắt như một sự kiện đặc biệt đối với các nhà văn cựu binh Mỹ, các cựu binh Mỹ và những nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Đây là tập thơ Việt Nam được dịch và in đầu tiên ở Mỹ sau chiến tranh. Tất cả những bài thơ trong tập thơ này là thơ của những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến. Trong bom đạn và cái chết cận kề, những người Mỹ không phát hiện ra nỗi hoảng sợ nào, không phát hiện ra sự tuyệt vọng nào mà ở đó chỉ là tình yêu thương với gia đình, cha mẹ, vợ chồng, anh em, người yêu của những người lính giải phóng Việt Nam. Và ở đó ngập tràn khát vọng hòa bình và giấc mơ chiến tranh kết thúc để trở về lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, cày cấy và gieo gặt trên mảnh đất của mình. Chính tình yêu và giấc mơ đẹp đẽ của những người lính giải phóng Việt Nam đã tạo nên sức mạnh tinh thần phi thường của họ. Họ sẵn sàng hy sinh cho mảnh đất yêu dấu của mình. Cho đến lúc này, chân dung những người lính giải phóng Việt Nam bắt đầu được giải mã.

Trong những chuyến thăm và làm việc của các nhà văn cựu binh Việt Nam, trí thức, sinh viên và bạn đọc Mỹ tới nghe các buổi tọa đàm và đọc tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn cựu binh với một thái độ đặc biệt. Với họ, văn học cho dù viết với bất cứ hình thức nào cũng là hồ sơ chính xác nhất về con người. Bởi thế, những tác phẩm văn học Việt Nam viết về người lính và chiến tranh là những hồ sơ quan trọng nhất, chính xác nhất và đầu tiên người Mỹ được tiếp xúc, nghiên cứu để tìm ra chân dung thực sự của con người Việt Nam nói chung và những người lính giải phóng Việt Nam nói riêng. Có những nhà nghiên cứu Mỹ nói với tôi rằng họ vật vã nhiều năm về sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng khi đọc những gì mà những người lính Việt Nam viết thì mọi vật vã trong họ được giải tỏa. Và họ thấy, thất bại trước một dân tộc có những người lính như thế là điều đương nhiên và chẳng còn gì phải phiền muộn nữa. Điều phiền muộn là họ đã biết quá muộn về con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam.

Từ năm 1975, quốc gia dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất để giới thiệu với bạn đọc của họ và phục vụ nghiên cứu là nước Mỹ. Việc dịch và truyền bá các tác phẩm văn học Việt Nam của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam là: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Văn Thảo, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ, Tô Nhuận Vỹ... đã được Viện William Joiner đặt thành một mục tiêu chiến lược và bền bỉ thực hiện chiến lược này. Năm 2019, chính quyền bang Massachusetts đã tôn vinh những đóng góp của nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen, Giám đốc Viện William Joiner. Họ chọn một ngày có tên là NGÀY KEVIN BOWEN ở thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts. Một trong ba lý do để chính quyền bang Massachusetts tôn vinh nhà thơ cựu binh Kevin Bowen là: “Bởi ông (nhà thơ Kevin Bowen) đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc nền văn hóa Việt Nam-một kẻ thù cũ”. Một thượng nghị sĩ Mỹ nói với tôi: “Trong cuộc chiến tranh với Việt Nam, chúng tôi thua về quân sự, về chính trị, về ngoại giao nhưng chúng tôi đã thắng một điều quan trọng nhất là phát hiện ra một nền văn hóa và hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa đó”. Nền văn hóa đó là văn hóa Việt và văn học chính là con đường quan trọng nhất giúp họ đi vào lâu đài văn hóa Việt.

Bởi tất cả những hiện thực mà tôi được chứng kiến cũng như nghiên cứu ít nhiều, tôi nhận ra một lần nữa và sâu sắc hơn sứ mệnh của văn học trong việc xây dựng chân dung những người lính Cụ Hồ. Vũ khí và các phương tiện chiến tranh chỉ cho thấy một phần rất nhỏ bản chất của một đội quân, của dân tộc trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Còn văn hóa mà cụ thể ở đây là văn học mới là thứ “vũ khí” có sức làm nên sự bất diệt của một con người, một đội quân và một dân tộc.

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU