leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Các nhà y học đã khẳng định rằng, cơ thể con người là bộ máy thu năng lượng mạnh mẽ. Mọi suy nghĩ đều tác động lên các tế bào trong cơ thể. Những suy nghĩ tích cực có tần số dao động cao giúp đẩy lùi bệnh tật. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực với dao động thấp sẽ mang lại nhiều nguy cơ bệnh tật. Sự căng thẳng, lo lắng quá độ hoặc kéo dài, lặp lại thường xuyên sẽ tạo ra sự mất cân bằng lặp đi lặp lại đối với việc kiểm soát năng lượng, dẫn đến sự suy giảm miễn dịch, là yếu tố nguy cơ khiến cơ thể dễ mắc bệnh. Tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, điều các bác sĩ mong mỏi ở bệnh nhân là tinh thần lạc quan, nếu không có sự lạc quan thì thuốc thang cũng không phát huy được tác dụng.

Muốn tư tưởng tích cực giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội thì đội ngũ văn nghệ sĩ-những chủ thể sáng tạo ra các tác phẩm truyền thông, nghệ thuật phải có tinh thần lạc quan, phải giữ cho mình những suy nghĩ tích cực. Thời gian qua, hàng nghìn tác phẩm văn học-nghệ thuật đề tài chống Covid-19 đã ra đời và được giới thiệu qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Số lượng là đáng kể nhưng chất lượng thì chưa có nhiều tác phẩm nổi trội, có sức hấp dẫn và thuyết phục đối với công chúng. Bên cạnh đó, trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, một số không nhỏ văn nghệ sĩ lại thiếu trách nhiệm công dân, phát ngôn và sáng tác không đặt mình vào con đường chung của đất nước mà sa đà vào “phản biện”, giễu nhại. Nhà văn Bùi Nhị Hà cho rằng, thời dịch bệnh, nhà văn cần phải hành động thông minh và kịp thời, để nhà văn không chỉ “ngắm” đời sống mà phải sống hết mình, thi đua với đội ngũ thầy thuốc, bộ đội, công an, công chức trên mặt trận chống dịch, sáng tác thành công những tác phẩm để đồng bào thưởng thức.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ như những lời hịch non sông, truyền cảm hứng đến mọi người, mọi nhà. Thầy thuốc, bộ đội, công an... nối dài đoàn quân tình nguyện chi viện miền Nam; mọi giai tầng xã hội đều nêu cao ý thức chống dịch, các hội văn học-nghệ thuật đều phát động thi đua sáng tác, biểu diễn cổ vũ toàn dân chống dịch.

Sáng tác cần có cảm hứng, không có cảm hứng sẽ không thể có tác phẩm nghệ thuật. Nhưng muốn có cảm hứng, trước hết phải thấy rõ trách nhiệm của người nghệ sĩ. Thời chiến tranh, các văn nghệ sĩ của chúng ta luôn ý thức sâu sắc: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi (Chế Lan Viên); Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao (Xuân Diệu). Ngày nay thì sao? Trên diễn đàn của các văn nghệ sĩ, thấy bàn rất ít về trách nhiệm này. Còn trên mạng xã hội? Bàn về trách nhiệm thì ít mà “phán” thì rất nhiều. Một số văn nghệ sĩ say sưa bình luận, phân tích về chuyện an táng các nạn nhân Covid-19 mà không nghĩ rằng điều đó sẽ gieo rắc tâm trạng bi quan, chán nản, lo sợ. Ngay cả sự kiện truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng là hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân y chi viện cho miền Nam chống dịch thì họ bàn về “thuyết âm mưu”, cho rằng Đảng, Nhà nước ta sợ “dân nổi loạn” nên điều động quân đội vào để trấn áp (?!) Một cây bút nữ rất nổi tiếng thì viết những lời chê trách chính quyền chống dịch kém hiệu quả dẫn đến thời gian cách ly kéo dài làm hai con mèo của cô lâm vào tình trạng thiếu thức ăn và không có nơi nhận chữa bệnh. Một nhà thơ vừa nhận giải thưởng trong một cuộc thi thơ danh giá lại giãy nảy lên phản ứng “như đỉa phải vôi” khi có người đề nghị anh tham gia hoạt động tình nguyện trong vùng có dịch để lấy cảm hứng sáng tác...  

Rõ ràng, điều mà các văn nghệ sĩ cần có hiện nay là cảm hứng, đặc biệt là cảm hứng chủ đạo trong sáng tác. Cảm hứng đó là chủ nghĩa yêu nước, thương nòi, là chủ nghĩa nhân văn, luôn thương yêu, khích lệ con người giữ vững niềm tin và hy vọng trong mọi hoàn cảnh... Để xây dựng cảm hứng này, nếu cứ để các văn nghệ sĩ sống trong cuộc sống thành thị, làm bạn với 4 bức tường cách ly chật hẹp, trong sự tác động của những trào lưu hậu hiện đại, giễu nhại hiện thực thì văn nghệ sĩ sẽ loay hoay, cạn kiệt nhiệt huyết. Các hội nghệ thuật chuyên ngành, nên chăng, tổ chức cho hội viên về với đời sống của nhân dân lao động, một số văn nghệ sĩ có thể đi thẳng vào vùng tâm dịch (như các nhà báo)... Cần tạo điều kiện để văn nghệ sĩ đi, trải nghiệm thực tế. Những chuyến đi như vậy sẽ giúp văn nghệ sĩ gần gũi hiện thực, không còn “ngắm” mà thực sự hòa mình vào công cuộc chống dịch cùng nhân dân cả nước.

Bên cạnh quá trình dung nạp cảm hứng thì văn nghệ sĩ cũng cần được nạp thông tin. Sự việc một nhà báo nổi tiếng, là lãnh đạo một cơ quan báo chí vừa bị cơ quan chức năng xử phạt do chia sẻ thông tin sai sự thật vừa qua cho thấy, bất kỳ ai cũng có thể trở thành “nạn nhân” của tin giả, tin xấu, độc; với các văn nghệ sĩ thì nguy cơ còn cao hơn người bình thường. Lướt qua tài khoản mạng xã hội của một số văn nghệ sĩ thì thấy họ chậm cập nhật thông tin. Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin cho văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người đặc biệt quan tâm đến tình hình đất nước, tình hình xã hội. TP Hồ Chí Minh vừa mới bổ sung chức danh Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phụ trách phát ngôn. Đây là sự bổ sung kịp thời, vì internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã trở thành một không gian sống của mọi người, trong đó có văn nghệ sĩ. Ở tầm quốc gia, trong số các văn nghệ sĩ, nhiều người có tầm nhìn chiến lược và việc tiếp xúc, cung cấp thông tin kịp thời đến họ sẽ giúp ích rất nhiều cho Đảng, Nhà nước. Họ cũng chỉ là một công dân, không giữ chức sắc trong hệ thống chính trị, không có “ghế” trong ban chấp hành các hội văn học-nghệ thuật, nhưng họ là nhà văn lớn, nghệ sĩ lớn, tư tưởng, suy nghĩ của họ có thể ảnh hưởng đến một số lượng nhất định các văn nghệ sĩ khác. Với những người như vậy, cần có những lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến trao đổi thông tin. Điều này không phải “đặc quyền, đặc lợi” mà là phương pháp lãnh đạo đặc thù theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ những “cây cao bóng cả” ấy, thông tin chính thống sẽ đến với đông đảo văn nghệ sĩ. Một nhà văn khẳng định: “Có thông tin thì mới có tầm nhìn, có tầm nhìn mới tin yêu mà sáng tác, mà “nhất hô bá ứng” với chủ trương của Đảng”.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, một người rất tích cực tổ chức hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ những mảnh đời nghèo khó trong thời gian qua, cho rằng: “Là những người cầm bút, chúng tôi tin trang viết sẽ góp phần là một trong những cầu nối để truyền tín hiệu yêu thương nơi trái tim mỗi người. Tôi và những bạn bè, đồng nghiệp đang cố gắng viết nhiều hơn mỗi ngày, đôi khi chỉ là những dòng trạng thái trên trang cá nhân, về những điều mắt thấy tai nghe, về thực tế chống dịch, về những tấm gương, sự hy sinh của nhiều người. Trang viết từ trái tim sẽ chạm đến lòng trắc ẩn, chạm đến “trữ lượng yêu thương” mà mỗi người ít nhiều đều có... Cảm xúc và vẻ đẹp khi được cất lên từ nội tâm có thể khiến con người có những ứng xử “người” hơn với nhau, cũng như nhận ra sự cao quý nơi những tấm lòng rộng mở, đầy ắp yêu thương”. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, người đã biểu diễn trong bệnh viện dã chiến, tâm sự: "Tôi từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa bao giờ biểu diễn trước hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 như hôm ấy. Đêm diễn đã cho tôi một nguồn năng lượng tích cực, giúp tôi tin rằng, trong khó khăn, chính âm nhạc đã kết nối mọi người với nhau để cùng chia sẻ, cùng động viên nhau vượt qua mọi trở ngại".

Lạc quan là vũ khí tinh thần không thể thiếu để chiến thắng đại dịch Covid-19. “Cỗ máy cái” để sản xuất “vaccine" lạc quan chính là văn nghệ sĩ. Nhân dân mong chờ các văn nghệ sĩ sẽ dấn thân và nhập cuộc, sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật ngang tầm với cuộc chiến chống Covid-19, một cuộc chiến lớn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc.

HƯƠNG NGỌC VÂN