Bản chất này có gì gần gũi, làm ta nghĩ đến bản chất của người chiến sĩ? Đó là vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Vẻ đẹp ấy thể hiện ở phẩm chất trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong mọi thời kỳ, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt để bảo vệ Tổ quốc. Giữ cho đất nước bình yên, nhân dân hạnh phúc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Nói tóm lại, hoạt động của quân đội là hoạt động vì nhân dân, vì hạnh phúc con người. Bởi vậy, nó trùng khớp với bản chất của VHNT: Đó là sự trùng khớp về khát vọng bình yên, hạnh phúc, đó cũng là vẻ đẹp của một xã hội tiến bộ, ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, ngày càng chân hơn, thiện hơn, mỹ hơn.

Chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường trong thời đại 4.0. Kinh tế thị trường tạo ra môi trường và điều kiện thúc đẩy các hoạt động sản xuất, thúc đẩy cho sự phát triển về vật chất của con người. Một nền kinh tế cho phép cạnh tranh tự do, tạo động lực đổi mới, thỏa mãn sáng tạo, không giới hạn để phát triển. Đồng thời, nó cũng tạo ra môi trường kinh doanh dân chủ, tự do, công bằng... Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt, kinh tế thị trường bộc lộ nhiều hạn chế, nổi bật là nó chỉ tính đến lợi nhuận chứ không phải vì các nhu cầu cơ bản của xã hội. Nó mong muốn lợi nhuận nên chú trọng đến những hoạt động có nhiều lãi. Nó làm cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng. Nó vừa thúc đẩy tiến bộ xã hội, vừa là ngòi nổ dẫn đến suy thoái, xung đột và khủng hoảng. Chính điều này tạo ra sự đối lập với bản chất của VHNT, đối lập cả với bản chất của Bộ đội Cụ Hồ là sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là một thực tế đòi hỏi VHNT hơn bao giờ hết cần có tiếng nói, góp phần xây dựng bản lĩnh người chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay.

Động cơ sáng tạo của văn học là tình yêu, lòng đam mê, sự vô tư trong sáng, không vụ lợi vì những giá trị tinh thần thuần khiết của con người. Nếu văn học không có tư tưởng, chỉ nhăm nhăm vụ lợi, xu thời, chạy theo thị hiếu tầm thường, trước sau gì cũng thoái hóa, hoặc sinh ra loại văn học viết qua loa, nông cạn, lừa dối bạn đọc...

leftcenterrightdel

Quang cảnh tọa đàm "Diễn đàn văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: HOÀNG VIỆT

 

Danh sĩ Nguyễn Siêu, một nhà thơ, học giả uyên bác thế kỷ 19 từng viết: Văn chương có hai loại, loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại văn chương “chuyên chú ở con người”; loại không đáng thờ là loại văn chương chỉ “chuyên chú ở văn chương”. Trong thực tế, văn chương nghệ thuật không chỉ có tác dụng giải trí mà còn làm cho cuộc sống con người đẹp hơn, tử tế hơn, phong phú hơn. Quan niệm của Nguyễn Siêu còn có chỗ cần bàn, nhưng xét về tổng thể, ông đã đúng. Bởi suy đến cùng thì văn chương nghệ thuật bao giờ cũng đi về phía con người, lấy con người là trung tâm. Khám phá vẻ đẹp từ chiều sâu nhân tính, từ thân phận kiếp người, kiếp đời để tạo nên những giá trị nhân bản cho cuộc đời. Đương nhiên, nói như vậy Nguyễn Siêu không phủ nhận vai trò của nghệ thuật. Ông vẫn coi giá trị của một tác phẩm văn học không thể không đặc sắc về nghệ thuật. Điều này là mặc nhiên. Một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm mà cả tư tưởng, nghệ thuật, ngôn ngữ đều đạt đến độ xuất sắc, độc đáo, mới mẻ, lay động lòng người mới mong mang lại giá trị chân chính.

Vì quan niệm nghệ thuật như vậy, nên không phải ngẫu nhiên trong suốt các cuộc chiến tranh vệ quốc, nhiều tác phẩm viết về người lính, về cuộc kháng chiến của dân tộc, đã thực sự trở thành hành trang của nhiều thế hệ bạn đọc. Hình tượng anh bộ đội đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống dân tộc một cách tự nhiên, mang một giá trị đặc biệt không thể thay thế, như: Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Bài thơ Việt Bắc của Trần Dần, Việt Bắc của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Núi Đôi của Vũ Cao... Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, VHNT xuất hiện như là bản hợp xướng mang âm hưởng anh hùng ca tràn trề niềm tin rắn chắc, lạc quan như: Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Lửa đèn của Phạm Tiến Duật, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Nấm mộ và cây trầm của Nguyễn Đức Mậu, Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo, Gọi nhau qua vách núi của Thi Hoàng, Bầu trời vuông của Nguyễn Duy, Những người đi tới biển của Thanh Thảo... Ở lĩnh vực văn xuôi, tên tuổi của các nhà văn: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Thiều, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Lê Lựu, Lê Văn Thảo, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Thi, Chu Cẩm Phong, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy... mãi mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Có thể nói, từ sau năm 1945 đến tận những năm 90 của thế kỷ 20, không một nhà văn, nhà thơ chân chính nào không viết về hình ảnh người chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc hoặc những vấn đề liên quan đến người lính và Tổ quốc. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ từ người nông dân áo vải đến người chiến sĩ là học sinh, sinh viên ra trận, được xây dựng thành những biểu tượng vừa lãng mạn vừa hào hoa, vừa bay bổng vừa dũng mãnh. Người lính bước vào văn học tự nhiên như vốn là thế, không gò bó, cứng nhắc, lên gân mà gần gũi, giản dị nhưng thật phi thường, như câu thơ của Lê Anh Xuân: Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân...

Nhưng VHNT lại là câu chuyện của sáng tạo và đổi mới không ngừng. Những thành tựu của quá khứ dù hay đến đâu cũng chỉ như một kinh nghiệm, một gợi mở... Hiện nay, trước những biến động đa dạng, đa chiều đầy rẫy ngổn ngang, phức tạp tốt, xấu đan xen của nền kinh tế thị trường và thời đại công nghệ mới, tâm thế của con người đã khác. Người lính cũng không ngoại lệ. Bản chất người lính là bản chất của con người. Họ có niềm vui và nỗi buồn. Bên cạnh sự cống hiến hy sinh còn biết bao nỗi âu lo giằng xé. Đặc biệt những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biên cương hải đảo. Sự cống hiến hy sinh thầm lặng của họ không thể đong đếm. Họ khao khát cuộc sống ngày một tốt hơn, tử tế hơn, đẹp hơn nhưng cuộc sống là một chuỗi ẩn số đầy nghịch lý. Mặt khác, người chiến sĩ hôm nay là những người lính có văn hóa cao, có tri thức, họ hiểu biết và nắm chắc khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực của họ. Vì vậy cách cảm thụ văn chương, nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật cũng đòi hỏi cao hơn, chất lượng hơn. Họ rất cần những tác phẩm văn học lay động lòng người. Những tác phẩm viết về chính cuộc đời và thân phận của họ. Những tác phẩm không chỉ là tư tưởng mà rất cần những tác phẩm có nghệ thuật độc đáo, mới mẻ, cuốn hút bằng thứ ngôn ngữ trong sáng, đặc sắc mang vẻ đẹp của thời đại mới...

leftcenterrightdel

Nhà thơ Trần Anh Thái phát biểu tại tọa đàm "Diễn đàn văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: HOÀNG VIỆT

Nếu có được tác phẩm chất lượng, khai thác vào những tầng vỉa sâu kín của người chiến sĩ, khơi gợi những điều mới mẻ cho họ, mặc nhiên sẽ có tác động mạnh tới tình cảm và nhận thức của họ. VHNT là do chúng ta làm ra để tự nhận thức, tự hoàn thiện chính mình, lẽ đương nhiên nó phải hướng đến những điều sâu thẳm và bao quát hơn là những phản ánh đơn giản, trần trụi, dễ dãi chỉ dựa vào những quan sát cảm nhận hời hợt bên ngoài. Tác phẩm viết về người lính không phải lúc nào cũng tròn trịa, cũng màu hồng. Trong nền kinh tế thị trường, những mặt tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần chiến sĩ như tình trạng suy thoái đạo đức ở một số cán bộ trong quân đội. Nhiều vụ tham nhũng từng được đưa ra xét xử; những tệ nạn xã hội thâm nhập vào đời sống chiến sĩ không phải không đáng lo ngại. VHNT dũng cảm phê phán những thói hư, tật xấu để tự nhận thức lại chính mình. Những diễn biến phức tạp, những mâu thuẫn, nghịch lý trong đời sống nội tâm của con người, thậm chí là tự kiểm điểm, tự phê phán nếu bỏ qua sẽ rất khó tiếp cận tình cảm, nhận thức của người chiến sĩ. Trước thực trạng suy thoái về đạo đức, tệ nạn xã hội tràn lan và sự vô cảm của con người hiện nay, đòi hỏi văn học càng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, chỉ văn học mới có khả năng giúp cho bạn đọc hiểu được cuộc sống và hiểu được chính mình, từ đó mà tự nâng mình lên, vượt qua cái xấu, cái tầm thường, hướng tới cái thiện, cái cao cả.

Người lính ngày càng khao khát đọc những tác phẩm khám phá ở chiều sâu nhân tính. Những tác phẩm có ích, tác động đến tâm hồn, tình cảm người chiến sĩ. Đương nhiên, để có được những tác phẩm chất lượng, nhà văn phải độc lập hoàn toàn để sáng tạo. Họ phải được tự do sáng tác, tự do thể hiện cá tính, nhân cách của mình. Hiện nay vẫn còn những quan niệm thô thiển, áp đặt, chụp mũ làm cho văn học ít nhiều hạn chế, vì thế bạn đọc thiệt thòi, không được thưởng thức đầy đủ văn học như là nó vốn có...

Người lính hôm nay còn có học vấn, có tư duy mới và hiện đại. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi loại hình văn học, mọi phương pháp sáng tác khác nhau, nhưng đó phải là những tác phẩm VHNT chân chính, những tác phẩm nói được đúng bản chất của con người, bản chất của người lính trong thời đại hiện nay. Những tác phẩm như vậy, sẽ giúp người lính tự nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn thế giới. Từ đó họ tự xây dựng, tự nâng cao khí phách và bản lĩnh của mình trước những sóng gió của cơ chế thị trường và thời đại kỹ thuật số đang diễn ra vô cùng quyết liệt hôm nay...

Người Việt Nam chúng ta và người lính nói riêng, muôn đời nay luôn coi văn học, nghệ thuật mà đặc biệt là văn chương là nơi gửi gắm những phát ngôn về tư tưởng, về lẽ sống, tình yêu và khát vọng... Qua văn chương, họ sống tích cực hơn, nhân ái hơn. Bởi vậy người lính rất chờ đợi những tác phẩm văn học có chất lượng cao, những tác phẩm đầy nhiệt huyết, đầy những sáng tạo khám phá mới mẻ. Điều này lại rất cần đến tài năng và bản lĩnh của nhà văn. Lao động nghệ thuật là một nghề khó nhọc. Ai cũng thấy như vậy, nhưng nếu nhà văn mê đắm, đi sâu vào chính mình, khám phá vẻ đẹp từ bên trong, nhất định sẽ nói được điều sâu thẳm của cõi người, loại văn học như thế sẽ tác động mạnh mẽ đến người lính, giúp cho họ tự xây dựng bản lĩnh vững vàng trước hiện thực phức tạp đang diễn ra hôm nay.

Nhà thơ TRẦN ANH THÁI