QĐND - Ngày 22-12-1944 theo chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung. Người chỉ rõ: “Lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
|
GS, NGND Hà Minh Đức.
|
Lời "tiên tri" ấy đã thành sự thật! Đội quân ấy đã bảo đảm, giữ gìn cho Tổ quốc toàn vẹn, một không gian sạch bóng quân thù.
Thành tích của Quân đội nhân dân Việt Nam là một pho sử vàng. Ngay từ đầu, Đội VNTTGPQ đã giành hai chiến thắng đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần và tiếp theo là các chiến thắng lớn Việt Bắc Thu Đông, Chiến dịch Biên Giới, Đông Xuân và lẫy lừng Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ lại tiếp nối các chiến thắng của phong trào Đồng Khởi, Núi Thành, Xuân 1968, Khe Sanh, "Điện Biên Phủ trên không", Tổng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh… Vẫn là người lính ấy mang ý chí sắt đá và tâm hồn Việt Nam. Theo năm tháng, người chiến sĩ mang nhiều danh hiệu, từ các anh du kích, tự vệ thành, vệ quốc quân, giải phóng quân, chiến sĩ quân đội… tất cả có tên là anh Bộ đội Cụ Hồ.
Anh bộ đội đầu tiên mà tôi được biết, được gần gũi ngày đầu kháng chiến chống Pháp khi bộ đội qua làng. Chỉ vài ngày ở lại làng tôi vui như ngày hội, những con đường làng rậm rạp trở nên quang quẻ, đêm đến các anh diễn kịch, dân làng náo nức đi xem. Vui nhất là cảnh một anh cao to đóng giả thằng Tây xì xà xì xồ không biết nói tiếng gì bị bộ đội bắn ngã gục. Trẻ em và các cô gái được dạy hát. Một chút quà quý là đoạn dây dù cho các cô gái làm quai nón, miếng vải dù cho mẹ làm khăn. Rồi cứ thế, bộ đội ra đi, xóm làng lại mong đợi. Khi học ở Trường THPT Lam Sơn, các anh ở lớp trên đi tòng quân, cả trường tiễn đưa vui vẻ lưu luyến. Năm sau trở về thăm bạn, thăm trường đã là những chiến sĩ dày dạn. Các anh kể đơn vị mình luyện tập gian khổ nhưng thật là vui. Da ngăm đen, tóc cắt gọn, khỏe mạnh theo kiểu “Tiền văn minh, hậu sư cụ”. Môi trường quân ngũ đã đào tạo các anh có thêm nhiều phẩm chất, tinh thần kỷ luật, tính trung thực, tình đồng chí gắn bó và sự rèn luyện hiệu quả về nghị lực.
Trong câu chuyện với các bạn trẻ về môi trường, hình thái và thay đổi tính cách của lớp trẻ, tôi nói: Tôi nghĩ trước tiên đến môi trường quân đội trong việc rèn luyện và bồi đắp nhân cách của thanh niên. Vì có những quốc gia lại xem nhà chùa là môi trường giáo dục hiệu quả. Tuổi trẻ phải qua những năm tháng sống và học ở nhà chùa để thuần hóa tính cách và nâng cao lòng nhân ái. Tôi nói thẳng các hoàn cảnh khác dễ thay đổi tính cách như cán bộ viên chức, lập gia đình, đi nước ngoài dài hạn… Bắt tay vào việc dạy học về chuyên ngành văn học hiện đại, về lý luận văn học, tôi bị lôi cuốn về những tác phẩm viết về anh bộ đội. Đất nước có chiến tranh, văn học góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước chống xâm lược. Người lính là nhân vật chính của nhiều thể loại văn nghệ. Chính Hữu, Quang Dũng, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan… đã miêu tả chân thực, sinh động người lính trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đa số họ là những thanh niên, dân cày nơi nước mặn đồng chua, nơi “đất cày lên sỏi đá”. Họ là những người tứ xứ, gặp nhau chưa biết chữ nhưng đầy quyết tâm, dũng khí “lột sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm, áo vải chân không đi lùng giặc đánh”. Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Hoàng Trung Thông… tuy chưa phải là lính chính quy nhưng đã thể hiện được cốt cách và hồn người lính trong thơ.
|
Bộ đội đắp đê bao ngăn lũ giúp dân trong mưa bão ở Phú Yên, tháng 11-2014. Ảnh: Hà Nam
|
Hơn mười năm sau, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, người lính với sức mạnh lịch sử tươi trẻ, có học thức mang sức sống thời đại lại được thể hiện rất thành công trong thơ Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Nhuận Cầm... Các nhà thơ đã tạc được hình bóng người chiến sĩ anh hùng thời chống Mỹ. Lê Anh Xuân viết “Dáng đứng Việt Nam” là một phát hiện chuẩn mực, đúng đắn. Đất nước anh hùng và hai biểu tượng cao đẹp mang tầm vóc dân tộc, biểu tượng cho Tổ quốc là Bà mẹ anh hùng và người chiến sĩ trong giây phút thiêng liêng hy sinh cho đất nước. Tôi yêu thích thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và thường đi nói chuyện đề tài này cùng với một chủ đề quen thuộc về thơ Bác Hồ. Bộ đội cũng rất thích nghe thơ về người lính và thơ Bác Hồ. Có một dạo nhiều năm các nhà thơ như Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật thường cùng hay đi nói chuyện về thơ Bác. Bộ đội thích nghe bình thơ Bác. Có nhiều bận tôi nói trước vài trăm chiến sĩ. Cùng đi có chị Kim Dung ngâm thơ, chị Hương vợ nhà thơ Thuận Yến đệm đàn. Có lúc mất điện đến mười lăm, hai mươi phút. Điện sáng bộ đội vẫn ngồi yên, nghiêm chỉnh. Bộ đội ham học, ham hiểu biết. Đã nhiều năm qua, tôi vẫn nhớ, trên chuyến tàu từ Thanh Hóa về Hà Nội tôi ngồi đọc thơ, một anh bộ đội trẻ chăm chăm nhìn vào tập thơ tôi đang đọc, anh hỏi: “Bác đọc thơ và có tập thơ nào cho cháu mượn”. Tôi nhìn anh ngạc nhiên và có cảm tình nên hỏi: “Anh thích đọc thơ ai?”. “Cháu thích thơ Phạm Tiến Duật”. Tôi lại hỏi: “Anh thích bài nào?”. “Cháu thích những bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Tiểu đội xe không kính, Nhớ…”. Tôi bảo tôi không có tập thơ Phạm Tiến Duật, chỉ có một quyển thơ chống Mỹ. Anh hào hứng: “Dạ, cũng được”. Anh đón nhận tập thơ, cảm ơn và nói: “Khi nào bác chuẩn bị xuống tàu cháu xin trả".
Bộ đội thích văn thơ và ham học. Tôi có dịp dạy cho các em ở Trường Sĩ quan Chính trị, hồi các tướng Trương Công Cẩn và Văn Cương trong Ban giám hiệu. Tôi dạy môn Lý luận văn học. Nội dung khó nhưng các em nỗ lực và đạt kết quả khá tốt. Hôm thi kiểm tra cuối năm vào lúc cuối giờ, một anh nói: “Thưa thầy, môn của thầy khó, chúng em cố làm bài tốt và mong qua được. Ngày mai chúng em lên biên giới, chuyến này đi có khi nhiều anh em không về, thầy đừng để chúng em thành ma dốt”. Câu nói làm tôi xúc động và nghĩ đến lời dặn của bà mẹ trong vùng địch hậu dặn con: “Nhà còn cơm, vào ăn lấy vài thìa kẻo đi đánh nhau chết lại thành ma đói con ạ”. Tôi trả lời: “Các em sẽ trở về, các em không thành ma dốt. Tôi tin như thế và chúc mừng các em”. Cả lớp vỗ tay ran ran.
Trước đây trong thời chống Mỹ, ở vùng quê nhà trường sơ tán, thầy trò chúng tôi cùng nhiều anh chị lên đường vào Nam, sức trẻ nhưng phải vượt đường xa vào chiến trường. Một số anh đã hy sinh trong chiến đấu như: Trần Tiến (Chu Cẩm Phong), Đinh Dệ… Đó là những tấm gương của một thế hệ. Nói tới chất lính là chất lạc quan. Ở đâu có bộ đội ở đó có niềm vui, vui nhộn, vui mà có lần báo chí gọi là anh vệ tếu, nhưng có văn hóa và chừng mực. Tôi thích nghe bộ đội tấu hài, diễn hài với những sáng kiến. Trong một lần ở lớp tập huấn tại Cần Thơ, 5 cô lính trẻ đóng vai 5 chiến sĩ trên chiếc xe tăng múa hát theo ý bài thơ phổ nhạc của Hữu Thỉnh. Không kém gì lính tăng nam giới mà lại có nét vui nhộn hấp dẫn hơn...
Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước bước vào kỷ nguyên thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bộ đội lại trở về với đời thường, lao động, xây dựng đất nước. Bản chất của người chiến sĩ là người lao động, mang phẩm chất của người lao động. Không chỉ thế mà trong lao động họ năng động sáng tạo. Nhiều nông trường quân đội được mọc lên, nhiều sáng kiến, cải tạo phương thức làm ăn cũ. Nhiều người lính hết tuổi quân ngũ lại trở về chăm sóc gia đình đóng góp vào công việc xã hội. Năm năm, mười năm và lâu hơn nữa, đời sống chiến binh đã thấm và tạo nên chất lính trong đời thường, người ta có thể nhận ra chất lính trong cốt cách, thái độ ứng xử, giao lưu ngôn từ. Một thầy giáo có nhiều năm đi lính sẽ nghiêm túc và biết yêu học trò; một bác sĩ đã nhiều năm ở chiến trường luôn biết trách nhiệm của một lương y. Một người lao động chân tay như các anh lái tắc-xi, xe ôm cũng có những nét riêng còn lại của những năm tháng trong quân đội.
Bộ đội cùng sinh hoạt, lao động, chiến đấu, sống chết có nhau nên giàu tình cảm nhân đạo với đồng đội, với nhân dân. Khi xuất ngũ, tuổi cao họ vẫn gặp nhau, quan tâm lẫn nhau như ngày trong quân ngũ. Đối với nhân dân, bộ đội sẵn sàng hy sinh quên mình. Bão táp, lụt lội khẩn cấp cần cứu giúp dân, bộ đội có mặt; trừng trị kẻ ác, ngăn chặn tai họa, bộ đội có mặt. Tất cả việc làm xuất phát từ tình cảm yêu thương, tôn trọng nhân dân. Bước vào cơ chế thị trường, đại bộ phận bộ đội đều giữ được phẩm chất tốt đẹp. Môi trường của người lính vẫn là thao trường, biên giới, hải đảo… nên phải nỗ lực trong trách nhiệm xây dựng quân đội hiện đại. Họ ít tiếp xúc với môi trường lợi ích, hưởng thụ nên cũng ít chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, mọi việc đều có ngoại lệ. Không tránh khỏi trong quân đội cũng có những cá nhân chưa xứng đáng với danh hiệu mà nhân dân trao tặng.
Năm nay kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là một mốc son lịch sử rất đáng tự hào của Quân đội và nhân dân Việt Nam. Bảy mươi năm chinh chiến gian khổ để bảo vệ non sông gấm vóc với những chiến công nối tiếp chiến công vô cùng rực rỡ đáng tự hào. Chỉ riêng chiến trường Trường Sơn, Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Liên hệ với chiến trường lớn của đất nước trong hai cuộc chiến tranh, mỗi người sẽ tự hiểu mình, tự tin hơn, bình tâm hơn khi có phần đóng góp nhỏ bé của mình. Với ý nghĩ ấy, tôi có đôi dòng tâm sự qua thơ:
Đất nước qua mấy cuộc chiến tranh
Tôi chưa có một ngày làm người lính.
Trên giảng đường
Tôi ca ngợi những chiến binh Cụ Hồ
Các anh du kích, vệ quốc, giải phóng quân...
Tôi viết về các nhà văn chiến sĩ:
Trần Đăng, Nam Cao, Nguyễn Khải, Lê Anh Xuân…
Viết về chiến tranh
Về các anh
Có điều gì lầm lẫn…
Trong giấc mơ một ngày mặc áo xanh
Hành quân theo chiến dịch
Trên cao xanh bát ngát
Tôi cùng đồng đội ca hát
Khúc quân hành
Chiến tranh đã kết thúc
Tuổi trẻ đã đi qua
Lòng vẫn còn mơ ước
Làm người lính một ngày!
Giáo sư HÀ MINH ĐỨC