QĐND - Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là hệ thống chuẩn mực các giá trị nhân cách, phẩm giá của người quân nhân cách mạng được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của QĐND Việt Nam. Giá trị đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là sự kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam, được phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trước hết là kết quả giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ và tình thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân cùng mối quan tâm sâu sắc của các lực lượng trong xã hội. Trong đó có một nhân tố vô cùng quan trọng là những tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) cách mạng có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. VHNT đã trở thành một binh chủng đặc biệt luôn đồng hành với người chiến sĩ trên mọi lĩnh vực, vừa phản ánh trung thực cuộc sống, chiến đấu vừa tiếp sức cho bộ đội, đồng thời trực tiếp tiến công kẻ thù bằng vũ khí lợi hại của mình. Chính vì vậy các lực lượng và sản phẩm của “binh chủng” VHNT đã trực tiếp góp phần xây dựng nên nhân cách người quân nhân cách mạng, tạo nên hình tượng Bộ đội Cụ Hồ-một mẫu hình con người mới Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp nhất. 

1.  Cùng với sự ra đời của QĐND Việt Nam, đề tài về LLVT và chiến tranh cách mạng đã trở thành mảng đề tài đóng vai trò chủ lưu trong các loại hình VHNT của đất nước trong nhiều giai đoạn. Với mảng đề tài đó, hơn 70 năm qua các tác giả đã trăn trở, tìm tòi để khắc họa một cách chân thật nhất, đẹp nhất về những con người đã “làm nên lịch sử” với những tâm tư tình cảm hết sức đa dạng, phong phú, sinh động. Phẩm chất cao đẹp, bản lĩnh vững vàng, ý chí ngoan cường, dũng cảm của Bộ đội Cụ Hồ và những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến; những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã được hiện lên trong các tác phẩm VHNT như những bản hùng ca bất hủ; khi đến với bộ đội nó đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của lớp lớp chiến sĩ, góp phần củng cố lòng trung thành tuyệt đối của quân đội với Đảng, Bác Hồ với Tổ quốc và nhân dân; đồng thời thôi thúc họ phấn đấu vươn lên hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng được Đảng, nhân dân và Tổ quốc giao phó.

Trao sách “Huyền thoại Trường Sơn” tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong những năm qua, hàng vạn tác phẩm VHNT như thế đã đến với bộ đội. Bộ đội đã tiếp nhận, thưởng thức nó ngay trên đường hành quân, trong chiến hào và cả trước giờ nổ súng. Thật diệu kỳ, những bản nhạc, bài thơ chép tay, những bức tranh, tấm ảnh, những cuốn sách nhàu nát chuyền tay nhau đọc, những buổi xem văn nghệ, xem phim… đã có tác dụng to lớn như một lời hiệu triệu, tiếp thêm nguồn sức mạnh trong các cuộc chiến đấu ác liệt. Từ sự rung động cảm xúc mạnh mẽ đã chuyển hóa thành tình cảm cách mạng rồi từ đó trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện, chiến đấu và công tác nó đã trở thành bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định của quân đội đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những tấm gương xả thân vì sự nghiệp cách mạng của quân và dân ta được VHNT phản ánh dưới nhiều góc độ, bằng nhiều loại hình, nhiều thể loại khác nhau, đã trở thành thần tượng, thành khuôn mẫu để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ học tập, noi theo. Đó là những tấm gương chiến đấu dũng cảm ngoan cường, không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của Tổ quốc đã đi vào VHNT từ nguyên mẫu trong cuộc sống và chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng rất vẻ vang của dân tộc. Học tập, noi theo những tấm gương anh hùng ấy, lớp lớp chiến sĩ đã không ngừng rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, phấn đấu vươn lên giành nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, huấn luyện, học tập và công tác. Hình ảnh người chiến sĩ QĐND Việt Nam trong VHNT cũng như ngoài đời, trong chiến tranh cũng như thời bình luôn luôn tỏa sáng, ngày càng trở nên cao đẹp hơn, nhân văn hơn.  

Không chỉ là sự thẩm thấu để học tập, làm theo nhân vật điển hình trong các tác phẩm, mà bộ đội còn thường xuyên tham gia các hoạt động VHNT với nhân dân trong khu vực đóng quân, thông qua các cuộc giao lưu, kết nghĩa, ngày đoàn kết quân dân, ngày sinh hoạt chính trị… Trong các buổi sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy, bộ đội đã cùng nhân dân biểu diễn văn nghệ, cùng nhau trao đổi, học hỏi, tìm hiểu các làn điệu dân gian vùng miền, đồng thời cùng nhau tiếp cận với VHNT hiện đại. Đây chính là dịp để phổ biến, truyền bá các tác phẩm VHNT trong nhân dân và quan trọng hơn nó làm cho bộ đội và nhân dân hiểu biết, gần gũi nhau hơn. VHNT đã hỗ trợ, góp sức để bộ đội ta hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của Đội quân công tác.

2.   Ngày nay, để VHNT tiếp tục tham gia xây dựng nhân cách quân nhân, bồi đắp và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong giai đoạn mới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm VHNT về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, các trại sáng tác về đề tài này nhằm thu hút các văn nghệ sĩ cả nước tham gia sáng tạo. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, nhiệm vụ của quân đội có sự thay đổi, nhiều chức năng, nhiệm vụ có bước phát triển mới, trong khi đó các văn nghệ sĩ ít có cơ hội được là “người trong cuộc”. Để có nhiều tác phẩm có tầm vóc về mảng đề tài vốn đã từng là “đề tài ruột” của các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, cần phải tạo ra một bước đột phá từ trong quan điểm chỉ đạo đến biện pháp thực hiện cụ thể. Sáng tác nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về quân đội, về chiến tranh cách mạng là góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, động viên, cổ vũ bộ đội vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng, cùng với toàn Đảng, toàn dân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hát về biển, đảo và người chiến sĩ Hải quân trong Ngày thơ Việt Nam, Xuân 2015. Ảnh: ĐỨC THỌ

Hai là, trong khi tập trung vào những chủ đề quan trọng, cần chú ý đầu tư khai thác chủ đề về các lĩnh vực, nhiệm vụ mới. Sáng tác các tác phẩm VHNT về hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cần cập nhật kịp thời những vấn đề mới và có phương pháp tiếp cận phù hợp. Bên cạnh đó, những nhiệm vụ “thời bình” như: Thực hiện chính sách hậu phương quân đội; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xử lý bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh; tham gia tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh; tham gia xử lý chất độc da cam; xây dựng các công trình kinh tế-quốc phòng trên các địa bàn chiến lược; tham gia phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn v.v.. là mảng đề tài giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác nhiều. Đây được xem như miền đất hứa đang chờ đợi các văn nghệ sĩ cả nước đến khám phá để sáng tạo những tác phẩm mới nóng hổi tính thời sự.

Ba là, phấn đấu có nhiều tác phẩm lớn về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, xứng tầm với sự phát triển của đất nước, quân đội và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đặc biệt khắc họa đậm nét hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới với đầy đủ nhân cách, phẩm chất cao đẹp nhất. Đó là những con người có lòng yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và CNXH, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; có đạo đức, lối sống trong sáng; có trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng được với các yêu cầu nhiệm vụ; có tinh thần đoàn kết quân dân, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế... Để khắc họa thành công những hình tượng nhân vật như thế, cần kết hợp giữa bút pháp truyền thống và hiện đại. Đây chính là một trong những vấn đề cơ bản nhất để làm đậm đà hơn bản sắc văn hóa Việt Nam trong trong dòng chảy của văn hóa nhân loại, nhằm tiếp tục sáng tạo ra những giá trị văn hóa độc đáo trong lịch sử dân tộc.

Bốn là, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn, bắt nhịp được cuộc sống của bộ đội, nắm bắt hiện thực một cách nhanh nhạy với cách nhìn đa chiều về cuộc sống của người chiến sĩ hôm nay. Trong những năm qua, các văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ ngoài quân đội, rất ít có dịp được đến với bộ đội. Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về cơ quan quản lý của quân đội, song cũng phải thấy rằng hiện nay một số văn nghệ sĩ không còn tha thiết với mảng đề tài về người lính, trong đó có cả văn nghệ sĩ quân đội. Có người nói một cách hình ảnh rằng đó là tình trạng “nhạt phai màu áo lính”. Trong thực tế, hình tượng người chiến sĩ hôm nay vẫn ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giàu nghĩa tình đồng đội và lối sống nhân văn; đồng thời họ rất can đảm để vượt lên những bất cập, hạn chế, tiêu cực xã hội để tiếp tục khẳng định giá trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Năm là, đề cao trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng thời phát huy giá trị của các tác phẩm, công trình VHNT trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các giá trị mới của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mặt khác, phải tiếp tục cụ thể hóa hệ thống các giá trị thành các đức tính, phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân cách mạng, hoàn thiện những mẫu hình, chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội phải phối hợp đấu tranh với các xu hướng thị trường hóa, thương mại hóa, hạ thấp giá trị thẩm mỹ trong VHNT. Đặc biệt, phải kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, lệch chuẩn, phản động, xuyên tạc chống phá đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Xây dựng nhân cách quân nhân cách mạng và bồi đắp, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đây là mối quan tâm đặc biệt và là nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng của cán bộ, chiến sĩ. Với vai trò và chức năng đặc biệt của mình, VHNT tiếp tục góp phần bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, lối sống, bản lĩnh của người quân nhân trong giai đoạn cách mạng mới, giúp họ phát triển trí tuệ, có nhân cách tốt đẹp, mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Thiếu tướng NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN