Từ sự trải nghiệm, hiểu biết sau 1/4 thế kỷ là người lính, tôi cho rằng ý tưởng phát huy vai trò văn học, nghệ thuật (VHNT) trong xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ không xuất phát từ một lý thuyết, mà chính từ điểm nhìn thực tiễn gần 80 năm qua. Thực tiễn đó cho phép ta nghĩ tới một nhận định rằng những tháng năm lịch sử qua đã minh chứng đầy sức thuyết phục về sự đóng góp thực sự to lớn và sâu đậm trong quá trình xây dựng và phát triển nhân cách, phẩm chất, giá trị Bộ đội Cụ Hồ của VHNT, bằng VHNT. Có lẽ vấn đề không chỉ dừng lại ở nhận định trên, mà cần lý giải, sự đóng góp đó bằng cách nào, như thế nào và nó phải phát huy ra sao trong thời kỳ mới với nhiều cơ hội, đặc điểm và cả những thách thức mới trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Từ sự nhận thức trên, cho phép tôi tìm câu trả lời, tất nhiên, khó lòng đầy đủ cho các câu hỏi trên.

a. VHNT thấu hiểu và đúc kết kiểu mẫu nhân cách mới-Bộ đội Cụ Hồ-đang hình thành trong thực tiễn.

Nhận định này có phần không mới, nhưng nó chứa đựng một phản đề rằng, không phải VHNT của chúng ta “vẽ” ra hình tượng này hay “minh họa” cho một sự chỉ đạo nào, mà nó là sự hiểu biết, phát hiện, đúc kết và khẳng định bằng và qua đặc trưng của nó một kiểu mẫu nhân cách có thực trong lịch sử từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay sau ngày thành lập quân đội (22-12-1944) với tên gọi “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” và sự trưởng thành vài năm sau đó, ở Chiến khu Việt Bắc, nhân dân đã phát hiện sự ra đời của một kiểu mẫu nhân cách hoàn toàn mới mà vô cùng gần gũi, yêu thương và họ gọi bằng cái tên chân thật vô cùng “Bộ đội ông Ké”, để sau này, khi biết Hồ Chủ tịch, họ đã gọi: Bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh đó cứ lớn dần lên trong quá trình chiến đấu, công tác, sản xuất, quan hệ quân dân... Và từ đó, nhân dân đã tôn vinh người lính của Cụ Hồ như một “huyền thoại” đầy hấp dẫn mà vô cùng gần gũi, có thật trong đời sống.

Cũng chính trong thời kỳ lịch sử đó-những năm tháng đầu kháng chiến, với khẩu hiệu “kháng chiến hóa văn hóa”, “văn hóa hóa kháng chiến” và sự thôi thúc thâm nhập vào đời sống quân đội, một loạt nghệ sĩ đã nhập ngũ, trở thành người lính thực sự hoặc tự nguyện đi cùng bộ đội để sáng tác. Những sản phẩm đầu tiên của họ chân thật, xúc động, đầy sức thuyết phục phần lớn là sự phát hiện, đúc kết bằng hình tượng nhân vật Bộ đội Cụ Hồ. Và đến nay, đã qua 60, 70 năm, nhiều tác phẩm vẫn sống với thời gian. Tôi chỉ xin lấy ngẫu nhiên, không qua sắp xếp, chọn lọc một số tác phẩm, tác giả của thời kỳ đầu kháng chiến đó, như “Tây tiến” của Quang Dũng, “Đồng chí” của Chính Hữu, “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Thư nhà” của Hồ Phương, các ca khúc viết về Bộ đội Cụ Hồ từ thời ấy vẫn ngân vang mãi đến hôm nay và mai sau của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn, Đỗ Nhuận...

Nối tiếp dòng chảy sáng tạo đó, cùng với sự lớn lên như Phù Đổng của Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn tác phẩm thuộc tất cả loại hình nghệ thuật đã tiếp tục đúc kết và khẳng định những giá trị cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trở thành một trong những thành tựu độc đáo, sáng ngời nhất của VHNT nước nhà từ năm 1945 đến 1975. Chỉ kể lại một số tác phẩm, tác giả cũng trở nên bất khả kháng trong tham luận ngắn này. Trong một lần trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Trung ương, tôi có “đo số học” rằng, nếu chỉ xếp các tác phẩm văn học về chiến tranh và lực lượng vũ trang ở nước ta, thì có lẽ chiều dài, độ dày của nó phải tới hàng trăm mét!

Như vậy, kiểu mẫu nhân cách mới-Bộ đội Cụ Hồ-là hiện thực, là chất liệu cực kỳ phong phú cho sáng tạo VHNT.

leftcenterrightdel

Quang cảnh tọa đàm.  Ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT

b. Sức lan tỏa sâu rộng của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ do VHNT xây dựng nên. Không chỉ phản ánh, đúc kết và xây dựng hình tượng tái hiện thực tiễn, mà với đặc trưng và sức mạnh riêng của mình, VHNT có sức lan tỏa cực kỳ rộng sâu và bền vững. Bộ đội Cụ Hồ trong thực tiễn có tác dụng trực tiếp đối với nhân dân. Hình tượng đẹp, sâu sắc về Bộ đội Cụ Hồ do VHNT đúc kết nên có sức lan tỏa vượt không gian và thời gian, sống lâu bền trong tinh thần và tình cảm người tiếp nhận VHNT. Đó là đặc trưng nổi bật nhất, sức mạnh riêng có của VHNT-một hình thức xã hội đặc thù, mà nhiều người khẳng định rằng, không có hình thái ý thức nào có thể thay thế được nó trong việc làm thay đổi, xây dựng nếp cảm, nếp nghĩ của con người. Chỉ xin lấy một dẫn chứng nhỏ trong hàng nghìn dẫn chứng vô cùng sinh động của sức lan tỏa đó. Bốn câu thơ cuối trong bài “Núi đôi” của Vũ Cao: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm đã lan tỏa sâu rộng suốt hơn nửa thế kỷ qua, để lại một hình ảnh tuyệt đẹp về Bộ đội Cụ Hồ và một tình yêu bất tử.

VHNT, bằng những sáng tạo và sức mạnh của mình đã “chuyên chở” hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vượt không gian, thời gian để sống mãi trong lòng các thế hệ đã qua, hôm nay và mai sau.

c. Sự cổ vũ và vẫy gọi vươn tới cái đẹp, cái anh hùng và cao thượng

Không chỉ tạo ra sức lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, bằng những sáng tác xuất sắc, độc đáo với nhiệt huyết và cảm hứng của người trong cuộc, “người cùng cầm vũ khí”, nhiều tác phẩm VHNT đã có sức cổ vũ to lớn và vẫy gọi thiết tha người lính vươn tới, đạt tới cái đẹp, cái anh hùng trong cuộc đời binh nghiệp vô cùng gian khổ, hy sinh, muôn vàn thử thách của mình. Trong ba lô của người lính thường có những bài thơ, bản nhạc, truyện ngắn và cả tiểu thuyết như là một gia tài tinh thần của người lính chiến. Tạp chí Văn nghệ Quân đội là người bạn thân thiết của bộ đội vì trong đó quan tâm miêu tả đậm đà hình ảnh của họ, vì sức cổ vũ nằm trong các hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thôi thúc họ sống xứng đáng hơn, cao đẹp hơn.

Ở đâu có bộ đội, ở đấy có tiếng hát. Họ hát về quê hương, đất nước, về tình yêu, về cuộc sống của người lính. Hàng trăm ca khúc giàu sức sáng tạo đã trở thành vô cùng thân thiết với các thế hệ cầm súng, nhất là những bài hành khúc gắn với các cuộc hành quân vô tận của người lính: “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Từ thời chống Pháp là “Vì nhân dân quên mình” đã đi suốt hơn 70 năm qua. Rồi “Tiến bước dưới quân kỳ” là hành khúc của những người chiến sĩ lớn lên cùng đất nước, chuẩn bị bước vào cuộc hành quân vĩ đại: Chống Mỹ cứu nước. Nối tiếp hai hành khúc trên, người lính của thời kỳ mới lại hát vang “Hát mãi khúc quân hành”-hành khúc với lời thề sắt son của Bộ đội Cụ Hồ hôm nay quyết đi trọn con đường cha anh đã chọn.

Tôi xin kể một kỷ niệm nhỏ cách đây khoảng 10 năm. Trong buổi gặp mặt chia tay một số cán bộ văn nghệ mặc áo lính nghỉ hưu, một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng (cũng đã từng là chiến sĩ) đã chân thành, xúc động tâm sự: “Các tác phẩm của các anh đã thực sự như một sức mạnh cổ vũ chúng tôi chắc tay súng và chiến đấu. Tôi xin cảm ơn các anh”. Tôi cũng có mặt trong buổi chia tay đó và xúc động nghĩ: Không có phần thưởng nào quý hơn điều đó đối với người nghệ sĩ-chiến sĩ, chiến sĩ-nghệ sĩ đã nối tiếp nhau xây dựng hình tượng sáng ngời Bộ đội Cụ Hồ trong lịch sử VHNT của chúng ta.

leftcenterrightdel

GS, TS Đinh Xuân Dũng phát biểu tại tọa đàm "Diễn đàn văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách Bộ đội Cụ Hồ". Ảnh: HOÀNG VIỆT

Vài suy nghĩ về VHNT hôm nay với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

a. Đề tài chiến tranh trở thành đề tài lịch sử. Khoảng cách thời gian và sự phát triển tư duy nghệ thuật đã tạo nên những biến đổi sâu sắc khi trở về với đề tài này.

 Sự biến đổi đó là hợp quy luật. Người sáng tạo muốn đi đến tận cùng của hiện thực chiến tranh trong tất cả sự khốc liệt, hy sinh, mất mát và kiên cường của nó. Số phận con người trong chiến tranh được soi rọi từ mọi góc cạnh, được khám phá và giải mã nhiều “ẩn số” mà trước đó, trong chiến tranh chưa “đụng chạm” đến (tôi đã viết một số bài về vấn đề này). Ở tham luận này, chỉ xin bày tỏ một suy nghĩ: Dù viết với hệ hình tư duy nào về chiến tranh sau chiến tranh thì ở Việt Nam ta, việc khẳng định các giá trị văn hóa cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ luôn mang tính khách quan lịch sử. Nhìn lệch lạc hay phủ định, xuyên tạc về hình tượng này là có lỗi với lịch sử, ngay cả khi miêu tả đến tận cùng nỗi đau, sự mất mát... không thể tránh khỏi trong chiến tranh hay phân tích những mặt tiêu cực của một bộ phận người lính “hiện thực”. Có lẽ, đây là “phép biện chứng” trong tư duy nghệ thuật khi viết về cuộc kháng chiến vĩ đại của chúng ta. Kinh nghiệm sáng tạo của K.M.Simonov-nhà văn có những tác phẩm nổi tiếng, sâu sắc về chiến tranh cho ta đến với một tầm nhìn sâu sắc: “Viết về chiến tranh thật là khó. Người ta viết về nó như một sự diễu binh, như một cuộc khải hoàn chiến thắng, như một cái gì nhẹ nhàng và như vậy là một sự lừa dối. Người ta lại chỉ viết về những ngày đêm nặng nề, những chiến hào lầy lội và băng tuyết giá lạnh, chỉ viết về cái chết và máu, và như vậy cũng là dối trá. Mặc dù tất cả những cái đó đều có, nhưng nếu người ta chỉ viết về chúng, người ta đã quên đi thế giới bên trong của những người đang chiến đấu trong cuộc chiến tranh đó, quên đi trái tim dũng cảm của người lính trong giờ phút say sưa chiến trận đã không nghĩ đến máu, cái chết và sự giá lạnh, mà chỉ nghĩ đến những chiến thắng đang đứng trước họ”.

b. VHNT nước nhà còn một “món nợ” mới, đó là đúc kết, khám phá, biểu hiện, khẳng định hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, trong hiện tại với nhiệm vụ cao cả: Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thành chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thực hiện bằng được bước phát triển mới với các tính chất cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Những năm qua, văn nghệ sĩ trong quân đội có sự phối hợp với đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ cả nước đã cố gắng thâm nhập vào đời sống quân đội hiện nay và bước đầu có một số tác phẩm tốt, song, có lẽ, phải thừa nhận rằng, đến nay chưa có những tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống. Trong giai đoạn mới này, những thách thức mới tưởng như thầm lặng nhưng thực ra rất quyết liệt đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc củng cố, phát triển hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Vượt qua, chiến thắng những thách thức đó, đang xuất hiện trong thực tiễn những giá trị và chuẩn mực mới trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. VHNT của chúng ta sẽ tiếp tục vào cuộc đồng hành, thấu hiểu để khám phá và sáng tạo góp phần xây dựng, phát triển phẩm chất, giá trị nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG