Điều cốt lõi trong văn hóa khởi nghiệp chính là dám nghĩ, dám làm, dám hành động. Ở Việt Nam, có không ít doanh nghiệp (DN) đã khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực VHNT, như: Các hãng phim tư nhân; công ty biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu; DN trong lĩnh vực du lịch (lữ hành và lưu trú), trong hoạt động xuất bản, quảng cáo, thiết kế, kiến trúc, dịch vụ karaoke, vũ trường, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, kinh doanh trò chơi điện tử... Chỉ riêng trong lĩnh vực điện ảnh, gần đây, bất chấp việc các dự án phim nhà nước gặp khó khăn, những hãng phim tư nhân vẫn phát triển và gặt hái không ít thành công. Đó là thành quả xứng đáng của các nghệ sĩ vừa có tài năng, tâm huyết với nghề, vừa có kỹ năng kinh doanh, nắm bắt tốt thị trường và nhu cầu, thị hiếu của công chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều DN và cá nhân khởi nghiệp thất bại. Bởi nói đến khởi nghiệp là nói đến những người trẻ có thừa đam mê và nhiệt huyết, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và sự từng trải, thiếu vốn và các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, kinh doanh VHNT là công việc khó khăn, phức tạp, đầy rủi ro. Không ít hãng phim tư nhân đã phải phá sản và các chủ DN mất trắng tài sản một cách đau đớn như các nghệ sĩ: Chánh Tín, Phước Sang... Tỷ lệ tồn tại của các DN khởi nghiệp thường chỉ là 5-10% sau 3-5 năm hoạt động. Năm 2018, ở Việt Nam có khoảng 140 không gian sáng tạo về nghệ thuật, đến nay, hầu hết đã dừng hoạt động và tuy đã xuất hiện thêm những start-up mới nhưng theo dự đoán, số start-up này có nguy cơ biến mất chỉ trong vòng một năm.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như do ý tưởng và mô hình kinh doanh chưa phù hợp, trình độ quản lý còn non yếu, chưa có kiến thức, kỹ năng kinh doanh, năng lực đổi mới sáng tạo chưa cao... thì cũng còn rất nhiều nguyên nhân khách quan ngáng trở nhiệt huyết và hoài bão của những người trẻ.
Trước hết, đó là những rào cản về thủ tục hành chính, khó khăn về cơ chế, chính sách khiến các start-up gặp rất nhiều trở ngại trong bước đầu khởi nghiệp. Hiện nay, hầu như chưa có bất kỳ ưu đãi gì về đất đai, phí, thuế, bảo trợ và hiến tặng trong lĩnh vực VHNT, trong khi đó là khu vực rất khó sinh lời và nhiều phiêu lưu, mạo hiểm so với các lĩnh vực khác.
Một thách thức lớn nữa cho các start-up là tiếp cận vốn khó khăn. Ngoài gia đình và bạn bè, họ không còn nơi nào để vay vốn. Trong giai đoạn đầu, họ hầu như không thể tiếp cận được với các “nhà đầu tư thiên thần”. Ngân hàng thì siết chặt hầu bao, còn các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tín dụng không muốn rót tiền cho những thương vụ về VHNT mà thành công thường rất khó đo đếm.
Những yếu kém trong quá trình giáo dục, đào tạo cũng là một lý do. Hiện nay, nghệ thuật Việt Nam vẫn thiếu những kịch bản “tầm vóc”, thiếu đạo diễn chuyên nghiệp, thiếu “ngôi sao”, thiếu diễn viên tài năng-những thứ tạo nên sức hút đối với khán giả. Không ít bộ phim, chương trình, vở diễn, sản phẩm nghệ thuật đơn điệu, nghèo nàn, chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Bên cạnh đó, hầu hết các trường đào tạo VHNT chỉ tập trung dạy chuyên môn, đào tạo nghề mà không chú ý đến trang bị kiến thức và kỹ năng kinh doanh. Các môn học về marketing nghệ thuật, quản trị kinh doanh, quan hệ công chúng, phát triển khán giả... hầu như vắng bóng. Do vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành VHNT bước vào đời với một hành trang đầy khuyết thiếu và bị trả giá đắt là chuyện bình thường.
Bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề nan giải ở Việt Nam. Tình trạng đạo nhạc, mô phỏng ý tưởng, vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến. Nạn in băng, đĩa lậu tràn lan làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhạc sĩ, nhà sản xuất, ca sĩ, không khuyến khích một thị trường nghệ thuật phát triển lành mạnh.
Do đó, để hình thành và củng cố đội ngũ start-up trong lĩnh vực VHNT, cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ.
Trước hết, cần có các cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, linh hoạt cho lĩnh vực này, nhất là các luật định liên quan tới công tác quản lý (kiểm duyệt, thẩm định tác phẩm...), hỗ trợ (ưu đãi về thuế, vốn, mặt bằng...) và tài trợ (các quỹ, tổ chức bảo trợ nghệ thuật) để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Cần tạo dựng hệ sinh thái phù hợp cho cộng đồng start-up trong lĩnh vực VHNT. Hỗ trợ các tổ hợp sáng tạo, không gian làm việc chung, không gian biểu diễn, trưng bày, triển lãm... Thúc đẩy kết nối mạng lưới, trao đổi kiến thức và thực hành trong cộng đồng chuyên môn giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, câu lạc bộ, “vườn ươm sáng tạo”, doanh nghiệp và đặc biệt là với những “nhà đầu tư thiên thần” quan tâm đến VHNT.
Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho các start-up trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh việc đổi mới, cải thiện hiệu quả đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, rất cần quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng kinh doanh VHNT, bổ sung các môn học về marketing nghệ thuật, quản trị kinh doanh, giáo dục nghệ thuật, nghiên cứu thị trường...
Cần xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đúng nghĩa. Các DN muốn thành công trong kinh doanh VHNT thì phải có một thị trường văn hóa lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng. Hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền, đạo ý tưởng, sao băng, đĩa lậu, sao chép tranh tràn lan đang cản trở một thị trường văn hóa đúng nghĩa, gây rất nhiều rủi ro cho các nhà sản xuất và đầu tư. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan, xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật và phát triển công chúng. Các start-up muốn thành công trong kinh doanh VHNT thì phải có một lượng công chúng đông đảo, quan tâm đến VHNT nước nhà. Việc giáo dục những cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt Nam, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống phải được tiến hành ngay từ trên ghế nhà trường cũng như trong toàn xã hội thông qua sự hỗ trợ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các thiết chế văn hóa và phương tiện truyền thông đại chúng.
Cần có các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các start-up thành công, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển VHNT của đất nước, như các giải thưởng, danh hiệu, hình thức tôn vinh nhằm lan tỏa và nhân rộng những mô hình khởi nghiệp hiệu quả.
Việt Nam đang có một đội ngũ người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm, sẵn sàng thích nghi và làm mọi việc để thành công. Củng cố đội ngũ những start-up trong lĩnh vực VHNT chính là bước khởi đầu quan trọng để biến giấc mơ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Khởi nghiệp được hiểu là những nỗ lực thực hiện các quyết định mạo hiểm về sản xuất, kinh doanh, có thể dưới hình thức tự thuê, tự doanh, làm việc một mình, thành lập một DN mới hoặc mở rộng DN hiện tại. Văn hóa khởi nghiệp ban đầu chủ yếu phát triển ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi và mọi ý tưởng, hoài bão, ước mơ đều có cơ hội trở thành hiện thực. Sau đó, văn hóa khởi nghiệp lan dần đến các nước châu Á, chẳng hạn, trước đây Hàn Quốc và Nhật Bản không khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, sinh viên ra trường được làm việc trong các hãng lớn là niềm tự hào và người dân có xu hướng kỳ thị những người tự khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, họ đã thay đổi và nhận thấy năng lực cá nhân, sự khác biệt của những người trẻ trong thời đại công nghệ số là vô cùng quan trọng. Các tập đoàn lớn lại quay trở lại đầu tư vào các start-up và mua lại chính các nhóm đó. |
GS, TS TỪ THỊ LOAN