Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Hà trong không khí thân tình, trong câu chuyện với chúng tôi thoáng bày tỏ sự ái ngại vì từ nay xã sẽ không còn được sự hỗ trợ từ Trung ương, cùng với việc phải giữ vững không để xã “tái nghèo”, nhiệm vụ sẽ nặng. Chúng tôi cũng động viên rằng, khó khăn đương nhiên vẫn còn nhiều, tuy nhiên, nhìn lại khoảng chục năm qua, đời sống nhân dân được cải thiện từng năm, cơ sở vật chất cũng được đầu tư bền vững và đặc biệt là ý chí cầu tiến, tinh thần quyết tâm vươn lên của bà con đó chính là cơ sở để mọi người tin tưởng phấn đấu.

Mới đó mà đã một năm trôi qua. Về Ba Vì hôm nay đã thấy sự đổi mới. Cái mới đầu tiên có lẽ là do hiệu ứng “nông thôn mới” đang diễn ra. Cuối năm ngoái đã có 13/31 xã được công nhận đạt chuẩn “Nông thôn mới”, trong đó Ba Trại là xã giáp ranh với xã Ba Vì cùng chung điều kiện địa lý tự nhiên và thành phần dân tộc thiểu số. Đây hẳn là một “cú hích” đáng kể và biểu hiện rõ nét đang diễn ra nơi miền quê dưới chân núi Ba Vì này là những con đường bê tông phẳng, sạch; những nếp nhà mái bằng vững chắc nép bóng trong màu xanh của núi rừng; đường nước sạch hợp chuẩn nông thôn, đường điện đến từng nhà. Và hơn thế, công cuộc “xây đời mới” trong mỗi nếp nhà kia mới là điều đáng kể.

leftcenterrightdel
Bà Dương Thị Nội, 89 tuổi (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) bên những bài thuốc Nam truyền thống của dân tộc Dao

Ông Triệu Văn Cao, Trưởng thôn Yên Sơn, kể: “Dù có nằm trong mơ chúng tôi cũng không nghĩ được có ngày hôm nay. Quê hương thay da đổi thịt từng ngày, truyền thống văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ và ngày một phát huy. Trật tự an ninh được giữ vững, môi trường ngày càng trong sạch”. Phải tìm hiểu một chút về lịch sử chúng tôi mới rõ ràng thêm về niềm phấn khích của ông Cao. Xã Ba Vì là nơi có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Xã được thành lập năm 1963 trên cơ sở gom dân từ rất nhiều chòm, xóm nhỏ sinh sống rải rác quanh chân núi Ba Vì. Cuộc sống đói, rách và lam lũ. Những tên xóm thuở xưa như: Gốc Chè, Gốc Vối, Suối Lam, Đá Ngẳng, Xóm Cốc… cũng nói lên nỗi nghèo khổ. 6 tháng trong năm người dân phải kiếm ăn trong rừng, săn bắt những con thú nhỏ. Nhiều xóm cả năm không gặp người ngoài, chết già vẫn chưa ra khỏi núi. Giờ cả xã chỉ còn ba thôn là Yên Sơn, Hợp Nhất và Thôn Sở. Đường liên thôn, liên xã nối liền với Quốc lộ 32, thanh niên trai tráng sáng đi làm ở Hà Nội, tối về ăn cơm nhà. Ông Cao nói: “Sự đổi thay trên quê hương rõ nét nhất là từ sau năm 2008 khi được sáp nhập vào TP Hà Nội”.

Từ khi về Hà Nội, xã Ba Vì có thêm cơ sở để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao, không những thế đến nay nhiều người đã biết “làm giàu” từ vốn văn hóa quý báu cha ông để lại. Chúng tôi gặp ông Triệu Hữu Bằng ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Cả hai vợ chồng mới được “tuyển dụng” vào đây chừng hai tháng. Nhiệm vụ của họ là giới thiệu với du khách về nét đẹp phong tục tập quán của người Dao cho du khách. Ông Bằng nói: “Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhờ chúng tôi ở và trông nom khu nhà dân tộc Dao. Mỗi người được hỗ trợ 50 nghìn đồng một ngày, ngoài ra chúng tôi cũng được bán hàng thuốc Nam cho du khách. Mặc dù thu nhập như vậy là thấp, nhưng chúng tôi làm việc này là để giới thiệu tới du khách về văn hóa và cây thuốc Nam của đồng bào dân tộc Dao”.

Về bản sắc văn hóa của người Dao ở Ba Vì có nhiều nét rất thú vị, đến nay rất được du khách quan tâm tìm hiểu, trong tương lai rất có thể sẽ được tổ chức như những lễ hội thu hút du khách. Đầu tiên là về những hoạt động lễ, tết. Ngoài lễ cấp sắc theo phong tục truyền thống vẫn được duy trì, người Dao ở Ba Vì có hai tết to trong năm. Thứ nhất là Tết Âm lịch kéo dài suốt tháng 12. Mỗi gia đình lần lượt tổ chức tết một ngày, cả xóm ăn quay vòng như vậy cho đến hết ngày 30 tháng Chạp. Thứ hai là Lễ giỗ tổ diễn ra vào khoảng tháng 7 âm lịch. Tết này có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ 3 ông tổ Đạo Tam Thanh. Cả xã có 76 nhà thờ tổ, dễ thấy đây là một sự kiện rất linh đình, giàu bản sắc, nhiều nét văn hóa độc đáo.

Hiện nay, người Dao ở đây vẫn giữ phong tục cúng mo. Thuở xưa là cha truyền con nối, đến nay thì mở rộng ai muốn học làm mo đều được. Và học mo bắt buộc phải học chữ Dao cổ (giống chữ Nôm), trong quá trình học những bài cúng, những bài sử thi về nguồn gốc người Dao học viên sẽ chắt lọc được nhiều bài thuốc từ hoa, lá, cỏ cây quanh nhà. Đó cũng chính là nét độc đáo từ những bài thuốc Nam của người Dao ở chân núi Ba Vì.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG