Dịp Tết dương lịch vừa qua, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là làng văn hóa) đông kín khách tham quan. Không ít người lớn và trẻ em Thủ đô đã vô cùng thích thú khi lần đầu nhìn thấy, thử sức chơi đàn k’loong pút tại không gian của đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Thú vị hơn khi chúng tôi được nghe những giai điệu dân ca Xơ Đăng ngọt ngào, sâu lắng do NNƯT Y Sinh (đến từ thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) giới thiệu qua cây đàn này.
NNƯT Y Sinh sinh năm 1959 ở làng Đăk Giá, xã Đăk Ang, huyện Đăk Tô (nay thuộc huyện Ngọc Hồi). Bà từng là giáo viên tiểu học, sau đó chuyển sang công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Tô, đến năm 2011 thì nghỉ hưu. Mặc dù không được đào tạo bài bản về nghệ thuật nhưng bà đam mê và có năng khiếu đặc biệt với môn nghệ thuật dân gian này.
Bà biết chơi đàn k’loong pút từ nhỏ. Bởi trong gia đình, bố mẹ, các bác, anh chị em đều biết chơi và làm nhiều loại đàn từ tre nứa. “Mỗi khi nghe tiếng đàn k’loong pút hay đàn t’rưng vang lên, mình thấy rất thích rồi dần dần mê mẩn. Âm thanh của nó nghe tưởng mộc mạc nhưng vô cùng sâu lắng và thiết tha”-NNƯT Y Sinh kể.
K’loong pút là một trong những nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Xơ Đăng. Tiếng đàn chủ yếu do người phụ nữ chơi trong các dịp tết, lễ hội văn hóa, ăn mừng lúa mới tại nhà rông rồi theo họ lên nương rẫy, là tấm lòng, tình cảm của những cô gái Xơ Đăng gửi tới người mình yêu… Thế nhưng, nhạc cụ truyền thống này hiện đang dần bị mai một bởi rất ít người trẻ biết chơi. NNƯT Y Sinh là một trong những người hiếm hoi còn biết chơi k’loong pút ở địa phương này. Vì vậy, bà được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum mời ra Hà Nội giới thiệu và từ năm 2018 chuyển ra ở hẳn tại làng văn hóa để biểu diễn, truyền dạy, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Cây đàn k’loong pút và cây đàn t’rưng hiện đang được sử dụng để phục vụ du khách tại đây do chính NNƯT Y Sinh tự tay làm và mang từ quê hương Đăk Tô ra Thủ đô. Đây cũng là hai cây đàn đặc biệt, từng theo bà đi biểu diễn khắp các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ suốt 20 năm qua.
    |
 |
Nghệ nhân Y Sinh bên cây đàn k’loong pút tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Theo NNƯT Y Sinh, đàn k’loong pút thường có 6-9 ống nứa với độ dài ngắn khác nhau, được kết lại bằng các sợi dây (dây chuẩn phải là sợi mây) rồi xếp lên giá gỗ. Nứa để làm đàn phải có tuổi đời 3 năm thì âm thanh mới hay, non hơn thì dễ bị móp méo, còn già quá (5-6 năm) thì dễ mọc rêu và âm thanh không còn vang. Nứa phải được phơi khô trên giàn có bóng râm mới bền. Đàn k’loong pút dễ làm nhưng rất khó chơi bởi hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng vỗ tay của mỗi người. Người chơi phải biết khum tay làm sao cho gió từ lòng bàn tay thổi mạnh vào từng ống nứa và phát ra tiếng kêu. Từ đó mới có thể điều chỉnh uốn tay nhịp nhàng, luyến láy theo giai điệu của bài hát. NNƯT Y Sinh cho biết, từ khi nghỉ hưu đến nay, bà luôn cố gắng sưu tầm tài liệu và dạy cho con cháu, bà con Xơ Đăng trên địa bàn và những ai yêu mến tiếng đàn này. Tuy nhiên, đến nay rất ít người có thể chơi được một bài trọn vẹn bằng đàn k’loong pút.
Bà luôn nghĩ rằng, nay mình không còn trẻ, nếu không truyền dạy cho thế hệ trẻ thì bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Xơ Đăng dần sẽ mất. Với sự kiên trì, bền bỉ phổ biến của mình, NNƯT Y Sinh hy vọng trong thời gian tới sẽ giúp được nhiều người trẻ gìn giữ tiếng đàn k’loong pút cũng như nhiều phong tục độc đáo khác của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.