leftcenterrightdel
Nhà Nho Nguyễn Văn Siêu. Ảnh tư liệu

Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799 tại thôn Trung, xã Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì. Từ nhỏ, ông đã theo gia đình định cư tại thôn Cổ Lương, phường Dũng Thọ, tổng Thọ Xương (nay là địa phận phố Nguyễn Văn Siêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo tài liệu “Châu bản triều Nguyễn”, trong chiếu chỉ về việc cử Nguyễn Văn Siêu làm Ất phó sứ (phó sứ thứ hai trong đoàn) đi sứ sang triều Minh, vua Tự Đức đã phê: “Khanh tính trời thông minh, học vấn uyên bác, đi sứ lần này nhớ thu thập những điều tai nghe mắt thấy, qua các danh lam thắng cảnh, cùng phong tục bên Bắc triều, phải lấy bút biên ghi chép tỉ mỉ ngay, chờ lúc về trình trẫm xem; giúp trẫm thấy rõ ngoài xa muôn dặm”.

Không chỉ được vua Tự Đức đánh giá cao, Nguyễn Văn Siêu còn được người đời ca tụng là “thần Siêu, thánh Quát” (“thánh Quát”- Cao Bá Quát). Đặc biệt, ông là người có công rất lớn trong công cuộc xây dựng Hà Nội. Năm 1865, khi tôn tạo trùng tu đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng nhiều hạng mục mới, trong đó có tháp Bút, đài Nghiên. Tháp Bút có hình một ngòi bút dựng ngược, gồm 5 tầng, cao 28m, trên thân khắc ba chữ Hán “Tả thanh thiên” (dịch nghĩa: Viết lên trời xanh). Đài Nghiên là một nghiên mực bằng đá khổng lồ cao 0,3m, dài 0,97m, được đặt trên ba con cóc đá. Đến nay, trải qua hơn trăm năm, tháp Bút, đài Nghiên đã trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, là một trong những biểu trưng của đạo học, ca ngợi truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. 

Theo cuốn “Những tấm gương hiếu học xưa và nay”, mới 7 tuổi, Nguyễn Văn Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách. 12 tuổi, cậu tự tay làm bức hoành phi với hai chữ "lạc thiên" (dịch nghĩa: Yên vui với đạo trời) và đôi câu đối: “Đạo tại cổ kim vô khúc kính/ Thiên đa bồng tất sản cao nhân” (dịch nghĩa: Đạo từ xưa đến nay không phải đường tắt/ Trời thường sinh bậc anh tài trong chốn nhà tranh lều cỏ) treo ở cửa buồng học của mình. Nội dung của câu đối và bức hoành phi đã bộc lộ khát vọng trở thành một người tài đức vẹn toàn của Nguyễn Văn Siêu.

Con đường học của Nguyễn Văn Siêu khá dài. 15 tuổi, ông theo học thầy hương cống Trần Công Tiến. Đây chính là thời gian quan trọng, giúp ông rèn luyện những kỹ năng cần thiết, để sau này trở thành một nhà văn hóa nổi tiếng. Năm 20 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở làng Hoa Đường, huyện Đường An, trấn Hải Dương. Thời còn đi học, ông nổi tiếng là người học giỏi. Hiện bia thần đạo tại lăng Phương Đình còn ghi: “Nổi tiếng học giỏi, tung hoành văn từ cổ, không chịu gò bó theo kiểu học thời tục, tiếng tăm bắt đầu vang dậy khắp nơi, vượt qua nhiều bậc danh Nho đương thời” (dịch nghĩa).

Nổi tiếng học giỏi nhưng mãi đến năm 26 tuổi, Nguyễn Văn Siêu mới lều chõng đi thi lần đầu tiên. Nguyên do ông chưa muốn dự tuyển là vì muốn ở nhà phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc các em. Khoa Ất Dậu, năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Nguyễn Văn Siêu đậu Á nguyên. Năm 1838, khoa Mậu Tuất, năm Minh Mạng thứ 19, Nguyễn Văn Siêu đậu Phó bảng.

Trên con đường quan nghiệp, Nguyễn Văn Siêu từng qua các chức: viên ngoại lang Bộ Lễ (hàm ngũ phẩm), nội các Thừa chỉ, Thị giảng học sĩ (hàm tứ phẩm), án sát Hà Tĩnh, án sát Hưng Yên... Là người tính tình ngay thẳng, Nguyễn Văn Siêu quan niệm “thà mắng ngay vào mặt, không thèm nói vụng sau lưng”. Vì thế, quan lộ của ông không ít lần rơi vào cảnh thăng trầm. Đến năm 1854, không chịu nổi cảnh “chướng tai gai mắt” chốn quan trường, Nguyễn Văn Siêu cáo quan lựa chọn con đường “tiến vi quan, thoái vi sư” (dịch nghĩa: Tiến thủ làm quan, cáo ẩn làm thầy). Ngôi trường mang tên Phương Đình (tên hiệu của Nguyễn Văn Siêu, nay ở khoảng các số nhà 12, 14 ngõ Trại Găng, phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thu hút rất đông học trò thụ nghiệp. Sau này, nhiều người thành danh như Tiến sĩ Vũ Nhự.

Tuy đã cáo quan nhưng Nguyễn Văn Siêu vẫn được triều Nguyễn trọng dụng. Mỗi lúc có đại lễ, triều đình đều nhờ ông soạn thảo những giấy tờ quan trọng. Khi giặc Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Văn Siêu lại được triều đình nhà Nguyễn ban hàm Hàn lâm viện Thị độc. Sách “Đại Nam thực lục” ghi: “Năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua sai Lê Lượng Bạt, Phạm Văn Nghị, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Văn Siêu đều được dùng nguyên hàm sung làm chức Thương biện ở tỉnh nhà để coi quản hương dũng”.

Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872. Ông là một nhà Nho tiêu biểu đương thời, người thầy uyên bác đức độ và để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: “Phương Đình văn loại”, “Phương Đình thi loại”, “Phương Đình thi văn tập”, “Phương Đình tùy bút lục”, “Phương Đình dư địa chí”…

PHẠM LÊ AN