Đã ngoại thất tuần, đầu bạc như cước nhưng lúc nào ông cũng vui vẻ, yêu đời, thích hát ca như thuở còn đôi mươi.
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Đinh Khánh ở số 2, ngõ 88, đường Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội trở thành nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) văn nghệ Hương Xưa. Ông là Chủ nhiệm CLB giữ vai trò kết nối các CCB, những người yêu văn nghệ cùng nhau cất cao lời ca tiếng hát phục vụ đồng đội và nhân dân.
Năm 1962, chàng thanh niên Hà thành Đinh Khánh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngày ấy, trông cái dáng nhỏ thó thấp bé, không ai nghĩ rằng Đinh Khánh lại là chiến sĩ của đoàn pháo phòng không mang danh Anh hùng Tô Vĩnh Diện (Trung đoàn 224). Năm 1965, theo đoàn quân Nam tiến, Đinh Khánh là trợ lý CLB trung đoàn. Anh vào tuyến đường Trường Sơn rực lửa qua những địa danh Ngã ba Đồng Lộc, Đường 20 Quyết Thắng, đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê bom đạn cày xới nát nhừ. Ở nơi ngập chìm bom đạn, khói súng ấy tưởng như chỉ có chết chóc đau thương thì vẫn vút cao tiếng hát người lính. Vốn có khiếu văn nghệ, yêu thơ ca, Đinh Khánh tham gia tốp văn nghệ xung kích biểu diễn trực tiếp phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong.
    |
 |
Cựu chiến binh Đinh Khánh biểu diễn phục vụ đồng đội trong một buổi gặp mặt truyền thống. |
Tốp văn nghệ tham gia biểu diễn bất kể ngày đêm, có khi vừa kết thúc trận đấu, những chiến sĩ văn nghệ đứng ngay bên chiến hào, hố bom cất cao lời ca tiếng hát. Những khúc ca cách mạng truyền thống cứ thế vang lên, góp phần cổ vũ, động viên bộ đội quyết tâm chiến đấu. CCB Đinh Khánh tâm sự: “Giữa chiến trường không dàn nhạc, không cờ hoa nhưng tiếng ca thì vẫn cháy mãi, tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội vững tay súng chiến đấu. Mỗi lần đến đơn vị, anh em chiến sĩ rất quý, thậm chí còn dành phần cơm của mình để thết đãi anh chị em biểu diễn. Những lúc ấy, bao mệt nhọc dường như quên hết, chúng tôi lại say sưa hát, đem niềm vui, tiếng cười đến với đồng đội”.
Nhờ có khiếu văn nghệ, lại ham sáng tác nên khi đến đơn vị, ông viết rất nhanh để có tác phẩm phục vụ bộ đội. Ông nhớ bài tấu hài “Chiếc xẻng Đuy-ra” được bộ đội nhiều đơn vị yêu thích. Tác phẩm được sáng tác năm 1970, khi đó giặc Mỹ ném bom từ trường, cứ hễ gặp vật dụng gì bằng sắt là bom nổ khiến bộ đội thương vong rất nhiều. Các chiến sĩ công binh đã sử dụng vỏ xác máy bay Mỹ chế ra chiếc xẻng để dò gỡ bom từ trường. Nhờ vậy, bộ đội không phải dùng tay bới đất gỡ bom vì đã có xẻng thay thế. Vậy là từ sáng kiến đó, ông đã sáng tác bài tấu độc đáo khiến người nghe vô cùng thích thú. Nhưng cũng có những buổi biểu diễn vô cùng xúc động. Ấy là khi bom Mỹ vừa rải thảm, cả khẩu đội pháo hy sinh, hay những nữ thanh niên xung phong đội bom mở đường phải nằm lại chiến trường. Lúc đó, cả đơn vị cứ lặng đi, tiếng hát dâng lên hòa cùng nước mắt như lời ru đồng đội...
Năm 1972, Đinh Khánh hành quân ra Bắc bảo vệ Hà Nội. Trong lần đến thăm bộ đội thuộc Trung đoàn 234 đang bảo vệ cầu Long Biên, Đinh Khánh đã đứng ngay trên cầu hát khúc ca “Tiếng nói Hà Nội”. Từ trên cầu, những lời ca vang lên tràn đầy xúc động, tự hào: Tôi đứng đây bên nhịp cầu Long Biên lộng gió/ Dưới chân cầu, Hồng Hà vẫn nghìn năm sóng vỗ/ Hà Nội hiên ngang tay súng sẵn sàng/ Tôi lắng nghe từ phố phường âm vang đang vọng về từ đây tiếng nói Ba Đình. Giữa những ngày Hà Nội đương đầu với cả “siêu pháo đài bay” B-52 thì nơi trận địa vẫn vang vọng tiếng hát. Đó là khúc hát tự hào của một chiến sĩ cổ vũ, động viên đồng đội giương cao nòng pháo, vít cổ lũ “giặc trời”, làm nên một “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” oai hùng.
Hát suốt những năm kháng chiến cho đến ngày đất nước giải phóng, CCB Đinh Khánh vẫn hăng say tham gia các hoạt động văn nghệ. Với mong muốn tiếp tục đem tiếng hát phục vụ đồng đội, ông đã tập hợp các CCB có năng khiếu thành lập CLB Hương Xưa dưới sự chỉ đạo của Hội Nghệ sĩ văn công quân đội. Ông tích cực tổ chức các buổi lưu diễn nhân ngày truyền thống, gặp mặt của các đơn vị. Trong những chuyến hành quân về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, ông lại cùng bạn bè hát lên những khúc ca tri ân bên nghĩa trang liệt sĩ, hát phục vụ thương binh, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng. Cho dù tuổi cao nhưng tiếng hát của người lính một thời át tiếng bom vẫn hào sảng ngân vang, làm ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Trở về giữa đời thường, ông Đinh Khánh nhiệt tình tham gia hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Những buổi biểu diễn do ông dàn dựng được tổ chức ngay tại tổ dân phố khiến bà con khối phố rất phấn khởi. Nhiều người là hội viên CCB, phụ nữ, người cao tuổi nhiệt tình tham gia các chương trình do ông tổ chức. Nhìn những gương mặt tuổi già rạng ngời, say sưa biểu diễn, ông Đinh Khánh như được tiếp thêm động lực để cố gắng trở thành “nhạc trưởng” của một bản hòa ca đa âm sắc. Những đêm diễn, hội thi sôi nổi ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, trong các trường học, khu dân cư trên địa bàn đều có bàn tay dàn dựng và giọng hát hào sảng của ông. Bà Nguyễn Thanh Bình, hội viên CLB văn nghệ Hương Xưa chia sẻ: “Hương Xưa trở thành nơi tâm tình của tuổi già, giúp chúng tôi tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc đời. Đều đặn thứ bảy hằng tuần, nhà riêng của ông Khánh trở thành nơi sinh hoạt, giao lưu gặp gỡ đồng đội, hội viên văn nghệ cùng nhau cất lên lời ca tiếng hát để tuổi già sống vui, sống khỏe, có ích”.
Nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi hoạt động, ông Đinh Khánh đã góp tiếng hát của mình khơi dậy thêm phong trào văn nghệ quần chúng sôi nổi ở khu dân cư, qua đó nâng cao đời sống văn hóa-tinh thần, xây dựng khu phố văn minh. Trải qua bom đạn chiến trường, những vất vả trong cuộc sống mưu sinh nhưng ông vẫn luôn cất cao lời ca tiếng hát, thể hiện một tinh thần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống.
Bài và ảnh: VŨ DUY