Đình Kim Mã Hạ được gọi theo tên làng Kim Mã, một ngôi làng cổ tương truyền được hình thành từ thế kỷ 11 thuộc triều đại nhà Lý và là một trong Thập tam trại (13 trại) ở phía Tây của kinh thành Thăng Long xưa. Đình Kim Mã Hạ hiện nằm trên phố Kim Mã, thuộc phường Kim Mã, quận Ba Đình. Phố Kim Mã chạy giữa một bên là làng Vạn Phúc, một bên là làng Kim Mã. Làng Kim Mã cùng với một số làng khác như Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Giảng Võ nằm ở phía Nam của Thập tam trại. Diện tích làng không lớn, dân làng này trước đây vốn sống bằng nghề thợ nề, thợ mộc... vì thế, cuộc sống có khấm khá hơn các nơi khác chỉ trông vào đồng ruộng. Thời chúng tôi học tiểu học, mỗi khi rảnh rỗi còn có thể đi chăn bò kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ vì đất Kim Mã xưa có rất nhiều đồng cỏ. Nhà nào nghèo, đám trẻ con hò nhau ra đầm, ao (nay thuộc khu Vạn Bảo, Linh Lang, Đào Tấn) bắt một lúc kiểu gì cũng được xâu cá quả, chưa kể tôm, cua...
    |
 |
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội kỷ niệm 1.224 năm ngày tức vị của Bố Cái đại vương Phùng Hưng, ngày mồng 10 tháng Giêng năm 2019. |
Xét về mặt địa lý và lịch sử, vị trí làng cổ Kim Mã ở khu vực phố Kim Mã Thượng ngày nay, về sau một bộ phận dân làng chuyển xuống cư trú tại địa điểm cách làng cũ không xa và lập ra làng mới. Do vậy, làng gốc có tên là Kim Mã Thượng và làng mới được gọi là làng Kim Mã Hạ. Đình Kim Mã Hạ được dựng trên khu đất cao theo hướng nam và dựa lưng vào vòng thành cổ. Trải qua thời gian và những biến động, ngôi đình được tu sửa nhiều lần. Có văn bia nói các đợt trùng tu lớn vào triều Nguyễn thuộc niên hiệu Tự Đức năm thứ 28 (1875) và Khải Định năm thứ 10 (1925) nên do vậy, ngôi đình mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đình Kim Mã Hạ từng được dùng làm trụ sở Ủy ban hành chính kháng chiến và là trạm cứu thương, nơi đóng quân của một số đơn vị thuộc Trung đoàn Thủ Đô. Đến cuối năm 1946, đình bị quân Pháp đốt phá làm hư hỏng nặng, sau này dân quanh vùng đã cùng nhau quyên góp tiền của sửa chữa, nhờ vậy, ngôi đình được khôi phục và có dáng dấp phần nào như ngày nay. Mặc dù hiện nay khu di tích có bị thu hẹp đi nhiều nhưng vẫn còn có cổng, sân, hai giải vũ và đại đình. Từ ngoài nhìn vào, cổng của đình được xây theo kiểu cột trụ, với các mảng trang in trong ô lồng hình vuông và hình chữ nhật theo các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), hình hoa lá (cánh sen, cúc dây và biểu tượng của 4 mùa). Phần ngọn của cột đắp nổi 4 hình chim phượng, còn mặt chính là đôi rồng lớn hướng mặt vào nhau. Sau hai cột trụ là câu đối ca ngợi công đức của các thành hoàng làng: Đường Lâm nghĩa dũng truyền non nước/ Kim Mã hiếu trung sáng sử xanh.
Hằng năm, cứ vào ngày mồng 5 tháng Giêng, đình tổ chức Giỗ nghĩa quân Tây Sơn; ngày mồng 9 tháng Giêng, tổ chức Lễ Thượng nguyên và quan trọng hơn cả, ngày mồng 10 tháng Giêng, đình tổ chức Ngày tức vị Bố Cái đại vương Phùng Hưng… Những ngày này, bà con trong làng Kim Mã và các địa bàn xung quanh kéo về đình náo nhiệt. Ngày mồng 10 tháng Giêng vừa qua, đình Kim Mã Hạ tổ chức lễ kỷ niệm 1.224 năm ngày tức vị của Bố Cái đại vương Phùng Hưng. Ngay từ sáng sớm, tiếng trống khai mạc lễ hội của đội trống đình Liễu Giai như hối thúc bà con, du khách xa gần nhanh chân về với lễ hội. Ý nghĩa hơn cả khi Trưởng ban Thập tam trại cùng các cụ cao niên trong làng, các cửa họ, các đình, đền bạn, du khách gần xa… vào lễ. Vẫn còn dư âm của Tết, nên mọi người được gặp nhau vui lắm. Bọn trẻ con ngày xưa há mồm nghe chuyện ông Phùng Hưng đánh giặc, giờ đã có con, có cháu, ngồi vào mấy mâm cỗ góc đình nâng chén chúc nhau sức khỏe. Lại nhớ góc đình cách đây mấy chục năm còn là nhà giữ trẻ, giờ đây là hàng dài hoàng lan, đào, hoa cảnh. Đám trẻ con bây giờ cứ chiều chiều lại ra đình đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu… cứ bắt bố mẹ kể chuyện ông Phùng Hưng. Bố mẹ phần thì bận việc, phần thì lười, lần nào cũng bảo về nhà mà hỏi các ông, các bà.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian và nhiều biến cố lịch sử nhưng đình Kim Mã Hạ vẫn lưu giữ được nhiều di vật quý giá, trong đó phải kể đến một sắc phong thần cho Bố Cái đại vương Phùng Hưng của triều đại Tây Sơn vào năm Nhâm Tý (1792) niên hiệu Quang Trung thứ 5; một cửa võng có niên đại thế kỷ 19; một sập thờ kiểu chân quỳ dạ cá có giá trị mỹ thuật và thuộc loại hiếm thấy trong các di tích truyền thống. Ngoài ra, tại đình còn có tấm bia “Trùng tu nội đình bia ký” khắc dựng năm Ất Hợi (1875) đời vua Tự Đức triều Nguyễn. Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa đó, đình Kim Mã Hạ được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 27-12-1990.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH