Một người giàu nghĩa, giàu tình
Nhận được thông tin trên, ngay trong ngày 9-6-2021, chúng tôi tìm về xóm 8, thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ông Đoàn Văn Nằng (59 tuổi), một người dân trong xóm 8, cho hay: “Ông Đệ là thương binh, vợ là giáo viên về hưu. Hai ông bà sống gương mẫu, rất tốt với bà con lối xóm. Trước đây, gia cảnh "chồng bộ đội, vợ giáo viên" thì nghèo khổ nhất làng, giờ ơn trời, ông bà đã khấm khá hơn, lại giàu tình, giàu nghĩa nhất làng”.
Lúc này là 3 giờ chiều. Trên hiên nhà, ông Đệ và vợ là bà Nguyễn Thị Đào (73 tuổi) đang sơ chế vải thiều. Thời điểm này, người dân huyện Thanh Hà vào mùa thu hoạch vải chính vụ. Vải chín, bà con xóm làng quý mến thường mang sang biếu cặp vợ chồng già có tấm lòng thiện.
Thấy khách đến, ông Lê Văn Đệ trở vào nhà. Bà Nguyễn Thị Đào bảo chúng tôi: “Ông ấy đi lấy máy trợ thính đấy. Ông nhà tôi mấy lần bị tai biến, tưởng không qua khỏi. Bây giờ trí nhớ kém và bị nặng tai. Người đủ thứ bệnh!”.
Nếu tình cờ gặp hai ông bà ở ngoài, thật khó để tưởng tượng rằng ông bà vừa quyên góp số tiền lớn. Ông Đệ bị tai biến mạch máu não vài lần, lần đầu tiên cách đây 7 năm, lần nào cũng nguy kịch. Nhưng ông vẫn thoát khỏi lưỡi hái thần chết một cách thần kỳ. Kể từ lần tai biến đầu tiên, chiếc máy trợ thính là vật ông luôn giữ bên mình. Chiếc máy có lớp sơn màu bạc đã bong tróc nhiều phần, cũng giống như bộ quần áo ông đang mặc trên người đã cũ sờn, bạc màu theo năm tháng. Ông không chịu thay mới vì “vẫn còn dùng tốt”.
Mấy lần tai biến khiến khối óc ông hoạt động rệu rã. Ông Lê Văn Đệ hồi tưởng lại một vài mảnh ký ức còn nguyên vẹn: “Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ, quân số thuộc Quân khu 3, sau khi huấn luyện chiến sĩ mới thì tăng cường cho Quân khu 7. Nghe đến đây, bà Đào bổ sung: “Chồng tôi không phải ở địa phương đi, người ta lấy ngay ở cơ quan. Chiến trường bấy giờ rất cần người, về nhà chiều hôm trước, sáng hôm sau phải đi ngay”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, ông trở về quê hương với một bàn tay không lành lặn và những mảnh bom găm trong người. Cơ quan chức năng giám định ông mất 22% sức khỏe, là thương binh hạng 4/4. Ông trở về cơ quan cũ-Trạm Máy kéo Thanh Miện và công tác tại đây cho đến năm 1981 thì về nghỉ theo chế độ mất sức.
Sức khỏe yếu nhưng người cựu chiến binh không vì thế mà nản chí. Ông chọn cho mình lối sống tràn đầy nghị lực và trách nhiệm, thấy việc gì lương thiện mà có thu nhập cũng làm. Có thời gian ông lặn lội đến tận Vân Đồn (Quảng Ninh) để trồng vải, phụ thêm vào đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi của bà để cho các con ăn học. Cuộc sống khó khăn nhưng ông bà luôn nhắc nhở các con: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, phải chăm chỉ học hành thì mới vượt được đói nghèo”. 4 người con của ông bà chăm chỉ học hành, làm ăn, đến nay ai cũng khá giả.
Bà Đào cho đến giờ vẫn dạy các cháu của mình bài học khi dạy các con: “Vào đại học phải quyết tâm học đứng từ thứ nhất đến thứ năm trong lớp. Như thế sẽ được học bổng. Bố mẹ sẽ không phải lo thêm tiền học, bớt đi gánh nặng”. Có lẽ cũng vì thế mà các cháu của ông bà đều chăm chỉ học hành, được học bổng, có cháu còn trở thành đảng viên ngay khi đang học.
Dốc tài khoản tiết kiệm lo việc nước
Được biết, đã từ lâu gia đình ông Đệ thường xuyên làm từ thiện, giúp được ai việc gì thì giúp. Với tinh thần ấy, việc quyết định dùng tiền dưỡng già tặng Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 của hai ông bà diễn ra hết sức nhanh chóng, chỉ sau một đêm. Ông Đệ nhớ lại: Cả nước căng mình chống dịch, ông bà già chẳng biết tham gia thế nào cho thiết thực. Đến khi tình cờ xem ti vi, thấy Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 thì ông nghĩ ngay đến việc đóng góp. Khi thấy những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ quỹ... ông bàn với vợ: "Vợ chồng mình có khoản tiết kiệm dưỡng già, giờ đất nước cần hơn, ta cứ dốc hết ra ủng hộ. Nhược bằng đột xuất ốm đau, tôi sẽ kêu gọi con cháu tài trợ". Bà suy nghĩ một lúc, rồi gật đầu đồng ý.
Ông lần lượt gọi điện cho 4 người con để thông báo: “Bố mẹ tằn tiện tích cóp được một khoản 500 triệu đồng, để dưỡng già. Nhưng bố mẹ cũng để đấy thôi chứ không tiêu gì đến. Chi bằng đưa vào quỹ để địa phương chung tay chống dịch”. Các con của ông bà, người làm giáo viên, người kinh doanh đều nhất trí cao với mong muốn của cha mẹ.
Bà Đào cho hay: “Các con tôi trao đổi, thảo luận mãi; cứ tưởng các cháu còn lấn cấn điều gì, hóa ra là các cháu muốn góp thêm vào với bố mẹ. Hiềm một nỗi, các cháu không dư dả tiền mặt, nhưng có 4.000 tấn xi măng. Ban tổ chức nói, xi măng cũng là tiền, thế là các cháu ủng hộ 4.000 tấn, tương đương 4 tỷ đồng”.
Bàn tay trái bị thương trong chiến đấu, nay không còn lành lặn, tai phải đeo trợ thính, não bị tổn thương sau những lần tai biến, dấu vết đạn bom trong người cùng tuổi tác làm ông Lê Văn Đệ đi lại khó nhọc, trời nóng bức càng khiến cho đầu ông đau điếng. Thế nhưng đôi mắt của người cựu binh già vẫn rạng ngời, giọng nói hào sảng: “Đừng coi tôi là một thương binh. Hãy coi tôi là một người bình thường. Đồng đội tôi nhiều người còn nằm lại, chưa tìm thấy hài cốt. Có những anh em vào chập tối, chưa biết tên tuổi nhau, ăn cùng nhau bữa cơm, đêm đã hy sinh. Trải qua chiến trận, tôi may mắn được trở về, lúc này đây, tôi muốn tiếp tục cùng chung tay chống “giặc”. Giặc này làm hao mòn sức lực, vật chất, vì thế chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng. Mỗi người dân là một chiến sĩ, có gì góp nấy, cùng nhau chung sức thì sẽ chiến thắng dịch bệnh”.
|
|
Ông Lê Văn Đệ và bà Nguyễn Thị Đào. |
Làm việc thiện không để người khác biết
Ông Đoàn Văn Luân, Xóm trưởng xóm 8, cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Đệ luôn nhiệt tình tham gia các công việc chung của làng, xã, ủng hộ làm đường, đình, chùa... góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ông bà thường đóng góp nhiều, nhưng không bao giờ muốn để người khác biết. Ông thường dặn chúng tôi phải giữ kín, bảo nếu làm rùm beng lên thì lần sau ông bà sẽ không ủng hộ nữa. Tôi tiết lộ một việc thôi nhé, số tiền làm con đường bê tông trong xóm cũng do ông bà ủng hộ hết đấy”.
Nói về việc quyên góp chống dịch, bà Đào bảo: “Chúng tôi xưa nay công đức, làm việc thiện xong là xong chứ không ghi tên, không ồn ào. Tôi biết đâu việc lần này lại rườm rà thế (các thủ tục nhận quyên góp của địa phương; việc báo chí, các kênh truyền thông tìm gặp-PV). Các anh đã mất công về tận đây, thôi thì chỉ đưa ngắn gọn, đơn giản, đừng dài dòng, rườm rà nhé! Mấy cháu nhà tôi cũng không muốn làm rùm beng lên đâu”.
Bây giờ các con ăn nên làm ra nên cuộc sống của hai ông bà đã khá giả. Thế nhưng vợ chồng ông Đệ vẫn duy trì lối sinh hoạt cũ, tiết kiệm và giản dị. Chiếc điện thoại “cục gạch” bà được các con mua cho dùng đã rất nhiều năm, phím bấm không còn nhìn thấy chữ số, nhiều chỗ sứt mẻ. Các con nhiều lần bảo thay nhưng bà không chịu. Bà Đào cầm điện thoại lên, nói vui: “Chúng nó lại gọi kiểm tra, nhắc chúng tôi không đi lung tung để phòng dịch đấy”. Với ông bà Đệ, cuộc sống như bây giờ đã rất hạnh phúc. Cả 4 người con đều học hành giỏi giang, thành đạt và đặc biệt rất hiếu thuận.
Hải Dương những ngày này nắng như đổ lửa. Ông Đệ lập cập tiễn chân chúng tôi và bảo: "Làm việc tốt thì không nên ồn ào. Tôi biết thế nhưng gặp nhà báo quân đội, tôi vui lắm, cứ như được gặp đồng đội. Tôi nể đồng đội thì có gì kể nấy, các anh có viết bài thì ngắn gọn, giản dị thôi nhé". Lời ông mộc mạc, chân thành, thầm thì như làn gió thổi làm chúng tôi cảm thấy mát rượi đường về.
Ông Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà cho biết, lãnh đạo huyện đánh giá rất cao việc ủng hộ, hỗ trợ của gia đình ông Lê Văn Đệ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Huyện cũng cam kết sẽ công khai, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích số tiền và vật chất của các cá nhân, tập thể ủng hộ.
|
Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
----------------------
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP