Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn với Đại tá Nguyễn Hữu Thông, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, những ngày qua, chúng tôi được biết LLVT tỉnh Hà Tĩnh đã căng mình để hoàn thành nhiệm vụ đón tiếp đồng bào từ Lào, Thái Lan và một số nước trong khu vực về nước khi đại dịch Covid-19 có chiều hướng lan rộng. LLVT tỉnh đã triển khai công tác này như thế nào?
Đại tá Nguyễn Hữu Thông: Thực hiện kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân khu 4 về tiếp nhận lao động từ Lào, Thái Lan trở về nước, cùng với việc chỉ đạo các lực lượng chức năng làm tốt mọi công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để đón tiếp và cách ly, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu xây dựng kế hoạch liên ngành công an, biên phòng, y tế và quân sự để đón tiếp và cách ly công dân khi về địa bàn. Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã tiếp nhận gần 6.000 công dân từ Lào, Thái Lan về nước bằng đường bộ. Số công dân này được đưa về cách ly tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Trung tâm Huấn luyện của tỉnh (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên). Công dân tại các điểm cách ly nhìn chung ổn định, chấp hành nghiêm những quy định về cách ly và được theo dõi, kiểm tra sức khỏe, bảo đảm tốt về nơi ăn, ở, sinh hoạt.
Theo số liệu thống kê đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận và tổ chức cách ly công dân từ các quốc gia có dịch trở về địa phương chủ yếu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình). Trong đó, Bộ CHQS tỉnh tham mưu tổ chức cách ly cấp tỉnh gần 2.000 công dân tại 6 điểm tập trung; số còn lại được phân bổ cách ly tại các cơ sở thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố. Theo thông báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới, số công dân từ các nước trong khu vực, nhất là Lào và Thái Lan trở về trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác bảo đảm nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất tiếp nhận và bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt tập trung tại các khu cách ly.
|
|
Đại tá Nguyễn Hữu Thông (thứ ba, từ trái sang) trong buổi kiểm tra công tác bảo đảm hậu cần tại khu vực cách ly tập trung của tỉnh Hà Tĩnh. |
PV: Trong quá trình triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, LLVT tỉnh gặp những khó khăn, vướng mắc gì và biện pháp để khắc phục những khó khăn đó?
Đại tá Nguyễn Hữu Thông: Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 67.000 người học tập và lao động ở nước ngoài; trong đó chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Trên địa bàn tỉnh có Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là nơi giao thương đi lại của công dân Việt Nam sang các nước Lào, Thái Lan. Khu công nghiệp
Formosa Vũng Áng thuộc thị xã Kỳ Anh với số lượng công nhân người Trung Quốc thường xuyên biến động... dẫn đến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn rất lớn. Thêm vào đó, trình độ năng lực của đội ngũ quân y có mặt còn hạn chế vì hầu như không có nhân viên chuyên môn ngành vệ sinh phòng dịch; hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phòng, chống dịch còn nhiều thiếu thốn... Đây là những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục định hướng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; điều chỉnh kế hoạch huấn luyện cho phù hợp với thực tế vừa bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả. Chỉ đạo lực lượng quân y thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng doanh trại, phòng ở, nhà ăn, nhà bếp; tổ chức lực lượng quân y phối hợp với lực lượng cảnh vệ đo thân nhiệt và hướng dẫn đeo khẩu trang cho khách và quân nhân trước khi vào cơ quan, đơn vị làm việc. Ở các khu sinh hoạt tập trung như hội trường, nhà ăn, nhà bếp, cầu thang, khu vực vệ sinh... đều có xà phòng và dung dịch rửa tay sát khuẩn.
Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo thành lập hai tổ phòng, chống dịch cơ động (mỗi tổ gồm 1 bác sĩ, 2 y sĩ và 1 lái xe cứu thương) cùng các trang thiết bị y tế sẵn sàng cơ động xử lý những tình huống dịch có thể xảy ra. Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh thành lập khu cách ly riêng và tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên các biện pháp phòng, chống dịch để sẵn sàng thực hiện cách ly những trường hợp nghi ngờ theo quy định; chuẩn bị lực lượng khoảng 30 đồng chí sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống dịch khi có sự điều động của quân khu và tăng cường cho các khu tiếp nhận công dân của tỉnh theo kế hoạch.
PV: Thời gian tới, LLVT tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt như thế nào để triển khai công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” để “dập dịch tại chỗ”?
Đại tá Nguyễn Hữu Thông: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đã bước vào giai đoạn 3 với những diễn biến phức tạp, khó lường, có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng. Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ LLVT các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống dịch gắn với đấu tranh phản bác những âm mưu lợi dụng phòng, chống dịch để kích động gây hoang mang trong dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với sở y tế, công an, hải quan, biên phòng và bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ tư lệnh Quân khu 4 để thực hiện tốt nhiệm vụ cách ly tại các cơ sở đã xác định. Tiếp tục rà soát và lập những phương án mở rộng thêm các khu vực cách ly tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại thị xã Kỳ Anh có thể tiếp nhận được 1.000 công dân về cách ly tập trung. Phát huy vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của các lực lượng, nhất là vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ LLVT tỉnh và lực lượng dân quân ở cơ sở cùng vào cuộc phòng, chống dịch nói chung và tiếp đón, phục vụ nhân dân ở các khu vực cách ly tập trung với tinh thần “sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhân dân như người thân trong gia đình”. Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện và cơ sở vật chất để có thể bảo đảm tiếp nhận và cách ly số lượng lớn công dân về nước.
PV: Là người trực tiếp theo dõi, tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng có kiến nghị, đề xuất gì để sẵn sàng làm tốt các phương án xử lý những tình huống phi truyền thống thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Hữu Thông: Nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những nội dung mới trong các tình huống phi truyền thống. Để sẵn sàng các phương án, kế hoạch ứng phó có hiệu quả với những tình huống khác, trước hết phải quán triệt và thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; trong đó, LLVT phải là lực lượng nòng cốt đi đầu trong việc ứng phó, xử lý có hiệu quả.
Tuy không thường xuyên xảy ra nhưng dịch bệnh là một trong những tình huống đã được tính đến trong thời bình. Mỗi địa phương có thể có những đặc điểm khác nhau về hoàn cảnh, tính chất nhưng phương châm “4 tại chỗ” vẫn là chìa khóa để vận dụng giải quyết những vấn đề nảy sinh. Trong những ngày qua, LLVT địa phương đã chuyển động như thời chiến, người nào việc nấy, không để xảy ra chống chéo, lúng túng trong mọi tình huống, nhất là trong các khâu bảo đảm nơi ăn, ở, điều kiện sinh hoạt tốt nhất có thể cho nhân dân. Tại các nơi cách ly tập trung, không có tình trạng lộn xộn, các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 được theo dõi đặc biệt, không để xảy ra lây nhiễm chéo.
Trong tình huống chống dịch Covid-19 này, chúng tôi cần được bổ sung các trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch như: Máy phun hóa chất, máy đo thân nhiệt, quần áo phòng hộ, khẩu trang, dung dịch Cloramin B... nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRỊNH VÕ (thực hiện)