Hằng năm, vào ngày mồng 5 Tết Nguyên đán, người dân lại nô nức trẩy hội gò Đống Đa trong niềm thành kính, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân. Lễ hội gò Đống Đa đã trở thành điểm du xuân không thể thiếu của người Hà Nội.
Dấu ấn lịch sử
Di tích gò Đống Đa gắn với chiến công lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn đã trở thành biểu trưng cho chiến thắng và lòng nhân hậu của dân tộc Việt Nam. Tương truyền, nơi đây là một trong các bãi chiến trường trong trận Hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Sau chiến thắng như vũ bão, quân Tây Sơn giải phóng Kinh thành Thăng Long, khu vực Đống Đa xác giặc ngổn ngang khắp nơi. Vua Quang Trung cho thu nhặt và xếp thành 12 gò, sau gọi là kình nghê quán. 12 gò xưa nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng và ở trong khu vực có tên là xứ Đống Đa. Vì trên các gò có nhiều cây đa mọc lên um tùm nên dân gian quen gọi là gò Đống Đa.
Thi sĩ đương thời Ngô Ngọc Du trong bài thơ “Loa Sơn điếu cổ” từng viết: “Thành Nam thập nhị kình nghê quán/ Chiếu diện anh hùng đại võ công”.
Dịch nghĩa: “Mười hai gò xác phía nam thành/ Ngời sáng chiến công bậc anh hùng”.
Từ những nghiên cứu lịch sử, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định: “Với vị thế trung tâm của quốc gia Đại Việt nhiều thế kỷ, không gian văn hóa gò Đống Đa là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa-giáo dục quan trọng của các triều đại quân chủ. Nơi đây còn lưu lại chứng tích trường thi võ thời Hậu Lê qua các phế tích: Nền Điện thí, núi Cây Cờ và một con đường đi thẳng-điểm cắm cờ trong kỳ thi bác cử. Năm Chính Hòa thứ 6 đời Vua Lê Hy Tông (1685), tại thôn Trung Phường, xã Yên Hòa, huyện Thọ Xương (nay là phố Nguyễn Khuyến), miếu Trung Liệt được xây dựng để thờ các trung thần tiết liệt của nhà Lê. Đến cuối thế kỷ thứ 19, miếu được dời đến gò Đống Đa phối thờ một số võ quan yêu nước nhà Nguyễn”.
Năm 1962, di tích gò Đống Đa là một trong 12 di tích tiêu biểu đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Năm 1989, trong dịp kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, TP Hà Nội đã cho phép thành lập Công viên văn hóa Đống Đa bao gồm quần thể gò Đống Đa, Tượng đài vua Quang Trung và các công trình phụ trợ. Năm 2019, kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2019), di tích gò Đống Đa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô Hà Nội nói chung, người dân quận Đống Đa nói riêng mà còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của di tích.
Nhìn lại lịch sử khu di tích Đống Đa sau 230 năm, PGS, TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam khẳng định, gò Đống Đa là một trong những gò còn lại ghi chiến công hiển hách của anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ. Chiến thắng Đống Đa năm 1789 là biểu tượng của sức mạnh dân tộc Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, biểu tượng tài nghệ quân sự của Hoàng đế Quang Trung. Chiến thắng Đống Đa cách ngày nay 230 năm nhưng vẫn để lại nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa.
Lưu giữ niềm tự hào của dân tộc
Theo TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, di tích gò Đống Đa được tạo bởi hai thành phần, đó là những giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể. Giá trị lịch sử văn hóa vật thể ở đây là những đơn nguyên kiến trúc tạo nên một quần thể bao gồm: Cổng chính, cổng phụ, gò Đống Đa, nghi môn, tượng đài, đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Giá trị văn hóa phi vật thể chính là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Hằng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng Giêng, người dân hai làng Nam Đồng và Thịnh Quang đều tổ chức giỗ trận-giỗ vong linh những người tử trận trong trận chiến Ngọc Hồi-Đống Đa. Dần dần, những yếu tố mang ý nghĩa tự phát của cộng đồng dân làng, đơn thuần chỉ là giỗ trận, đã được những thế hệ kế tiếp bồi đắp thêm, tạo nên những thành tố mới, có ý nghĩa cao cả hơn, đó là lễ hội kỷ niệm chiến thắng. Từ sau Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ với đầy đủ các nghi lễ trang trọng, thu hút hàng vạn người tham gia.
Cũng như các lễ hội khác, Lễ hội gò Đống Đa gồm hai phần: Phần “lễ” và phần “hội”. Vào buổi sáng ngày hội, các vị chức sắc và bô lão trong làng đã tề tựu đông đủ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Đến gần 12 giờ trưa, nghi thức không thể thiếu là tục rước rồng lửa từ làng Khương Thượng đến gò Đống Đa. Thanh niên hai làng Đồng Quang và Khương Thượng đua nhau bện những cúi rơm thành những con rồng lớn, trang trí vây, đuôi bằng mo cau, giấy bồi. Xung quanh rồng lửa, thanh niên trai tráng mặc những bộ trang phục giống nhau đi quanh đám rước, biểu diễn côn quyền nhằm tái hiện lại trận đánh oai hùng của quân Tây Sơn với giặc Thanh. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu diễn ra ở chùa Đồng Quang.
Phần hội thu hút công chúng với những trò chơi dân gian (múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người, chọi gà), các chương trình biểu diễn nghệ thuật, võ thuật của Hà Nội và Bình Định, lò vật cổ truyền nổi tiếng của cả nước-quê hương của người anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Là lễ hội đầu xuân nhưng hội gò Đống Đa lại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là lễ hội lưu giữ niềm tự hào về sự quật cường của cả một dân tộc, được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung-người anh hùng “áo vải cờ đào” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Như khẳng định của PGS, TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng Viện Sử học Việt Nam thì: “Sự hiện diện của quần thể di tích gò Đống Đa, chùa Bộc, Loa Sơn và các địa danh lịch sử cũng như sức sống trường tồn của sinh hoạt lễ hội, đặc biệt là Lễ hội gò Đống Đa diễn ra vào ngày mồng 5 Tết hằng năm đã trở thành truyền thống văn hóa của Thăng Long “đất thiêng ngàn năm văn vật”.
Bài và ảnh: GIA PHÚ