Căn nhà của cụ Lê Thi nằm yên bình trong ngõ 62 phố Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ông Lê Minh Quốc, con trai cụ Lê Thi cho biết: “Nửa năm trở lại đây sức khỏe của mẹ tôi yếu hẳn. Mọi sinh hoạt của cụ giờ phải nhờ người giúp. Mấy ngày trước, cụ bị viêm họng nên ngại nói. Mặc dù vẫn còn minh mẫn, nhớ như in những sự kiện lịch sử, cuộc đời hoạt động cách mạng nhưng cụ hạn chế trả lời phỏng vấn báo chí”.

Trong căn phòng nhỏ, những kỷ vật về thời hoạt động cách mạng luôn được cụ Lê Thi giữ gìn cẩn thận, như: Cuốn sổ ghi chép những kỷ niệm của cụ từ khi được Đảng soi đường; Huân chương Độc lập hạng Ba; Phù hiệu chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng... Cụ Lê Thi là một người con Hà Nội, con gái của Giáo sư, nguyên Hiệu trưởng Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An) Dương Quảng Hàm. Sau khi tham gia cách mạng, công việc của Lê Thi là cùng với Đội Phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân theo cách mạng. Đôi khi, Lê Thi còn đóng vai trò là người đi thu thập thông tin về các trận đánh cho báo chí đưa tin.

leftcenterrightdel
GS, TS Lê Thi cùng con trai.

Lật giở từng trang sổ ghi chép của cụ Lê Thi, tôi ấn tượng với đoạn viết: “Buổi sáng ngày 2-9-1945, tôi cùng với các đồng đội đến từng gia đình vận động họ tham gia cuộc mít tinh. Đến đầu giờ chiều, tôi cùng đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về Quảng trường Ba Đình, một cán bộ trong ban tổ chức đến thông báo cử một người lên kéo cờ. Tất cả ngơ ngác nhìn nhau, không ai xung phong lên. Cuối cùng, các chị em đồng thanh hô: “Thi lên đi, Thi lên đi”. Tôi cùng một cô gái khác là Đàm Thị Loan (sau này là phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái) cùng tiến lên lễ đài. Cô Loan người thấp hơn, cầm dây kéo cờ. Hai tay tôi nâng lá cờ rồi hai người cùng chung tay kéo cờ lên”.

Ngồi trò chuyện với ông Lê Minh Quốc mới biết, ngày 2-9-1945 là ngày bố mẹ ông quen nhau, rồi nên duyên vợ chồng: “Trước đây, khi bố tôi còn sống cũng nhiều lần kể chuyện cho chúng tôi nghe về mối duyên của hai người. Bố mẹ tôi quen nhau đúng dịp Ngày Độc lập của dân tộc 75 năm trước. Đến năm 1950, bố tôi đang công tác trong ngành công an được cử đi đào tạo tại Trung Quốc. Lúc đó, bố mẹ đã xin phép tổ chức cho nên duyên vợ chồng. Đến năm 1953, bố tôi trở về, họ mới được đoàn tụ”.

Cụ Lê Thi có hai người con đều thành đạt trên con đường khoa học. Con gái cả của cụ là Lê Thị Thanh Bình từng công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông Lê Minh Quốc cũng từng công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện làm việc tại Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội.

Nhiều người không chỉ biết cụ Lê Thi từng là một trong hai thiếu nữ kéo cờ trong Lễ Độc lập mà còn là một Giáo sư, Tiến sĩ chuyên ngành Triết học với nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cao. Từ năm 1962 đến 1987, Lê Thi nghiên cứu và giảng dạy về Triết học và sau làm Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam (nay là Viện Triết học-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Giai đoạn từ năm 1987-1999, bà là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình (nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và được phong hàm Giáo sư Triết học năm 1992. Từ năm 1997-2004, GS, TS Lê Thi là Chủ tịch quỹ hỗ trợ cho sự bình đẳng về giới ở Việt Nam do các nước Thụy Điển và Đan Mạch tài trợ.

Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, GS, TS Lê Thi đã để lại nhiều công trình tiêu biểu như: Bác Hồ với phong trào phụ nữ Việt Nam (NXB Phụ nữ-1982); Tìm hiểu việc xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội-1983); Vai trò gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam (NXB Phụ nữ-1998); Việc làm đời sống phụ nữ trong chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội-1999); Cuộc sống của phụ nữ đơn thân ở Việt Nam (NXB Khoa học xã hội-2002); Cuộc sống và biến động của hôn nhân gia đình Việt Nam hiện nay (NXB Khoa học xã hội-2006); Hỏi đáp về hôn nhân gia đình ở Việt Nam hiện nay (NXB Thế giới-2006); Sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hôn nhân gia đình giữa các thế hệ người Việt Nam hiện nay (NXB Khoa học xã hội-2009)...

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng phong thái, bản lĩnh, trí nhớ của cụ Lê Thi mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ ngày nay noi theo.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG