Cuộc sống giản dị, thanh bạch...
Dù đã đi khắp năm châu, trải nghiệm nhiều văn hóa khác nhau trên thế giới, nhưng dấu ấn văn hóa xứ Nghệ vẫn in đậm trong con người Hồ Chí Minh, từ lời ăn tiếng nói đến cốt cách tinh thần, từ lối sống đến nếp nghĩ, từ tư duy đến hành động, từ trí tuệ đến xúc cảm, từ giao tiếp ứng xử trong đời thường đến những nghi thức ngoại giao... Lúc phảng phất, lúc đậm đà, nhưng đều tự nhiên, gần gũi.
Dấu ấn xứ Nghệ đặc trưng dễ nhận thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh phải kể đến giọng nói trầm ấm của Người. Dù đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, sống ở nhiều quốc gia, thông thạo nhiều ngoại ngữ, thổ âm, nhưng Bác Hồ vẫn luôn trân trọng và giữ gìn thói quen nói tiếng mẹ đẻ trong đời sống thường ngày cũng như các nghi thức giao tiếp ngoại giao. Giọng Nghệ trầm hùng khi Bác bàn việc nước, việc quân với đồng chí, thân tình ấm áp khi nói chuyện với đồng bào và vang vọng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử khi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập... Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể lại rằng, trong các câu chuyện, lời nói của Người “thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung”.
Mảnh đất xứ Nghệ nắng lắm, mưa nhiều, gió Lào, cát trắng khiến cuộc sống con người nơi đây thường chịu nhiều vất vả, họ phải cần cù lao động, chắt chiu tiết kiệm mà cuộc sống vẫn khó khăn. Nơi mái tranh nghèo ở Làng Sen quê cha và Hoàng Trù quê mẹ (nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã chứng kiến, nếm trải hương vị của đói nghèo, lam lũ. Chính vì thế, cũng như bao người con xứ Nghệ, ở Bác luôn có phẩm chất cần kiệm, chịu thương chịu khó. Những kỷ vật ngày nay còn lưu lại ở khu di tích Kim Liên từ mái nhà tranh vách đất, chiếc võng gai, tấm phản gỗ cho đến rất nhiều vật dụng gia đình, công cụ sinh kế thô sơ... đều là dấu tích đầy cảm động về tuổi thơ thanh bần của Bác.
|
|
Bác Hồ về thăm quê. Ảnh tư liệu |
Phẩm chất cần kiệm, giản dị đã đi theo Bác ngay cả khi Người trở thành lãnh tụ. Bác từ chối sống ở tòa nhà sang trọng, tiện nghi của Toàn quyền Pháp trước đây, chọn ngôi nhà của một người thợ điện để làm việc cho gần gũi với các đồng chí của mình, sau này nơi ở của Người là ngôi nhà sàn đơn sơ giữa vườn cây, ao cá. Bữa cơm thường ngày của vị lãnh tụ vẫn thích độn sắn, thích cá kho tương và cà muối quê nhà. Tương Nam Đàn và cà pháo Nghi Lộc-món quà quê quý giá được Bác dành để tiếp khách quý ghé thăm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể: Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ trọng công đức của người lao động đã làm ra hạt lạc, hạt gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hòa ở một con người. Chắc chúng ta khó ai quên được hình ảnh Người trong bộ quần áo kaki bạc màu và đôi dép cao su mòn dẹt, Bác không chịu thay bộ mới vì "dân ta còn nghèo, đang khó khăn nhiều, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”.
Cần kiệm, chịu thương chịu khó nên Bác rất yêu lao động. Với hai bàn tay trắng, Người vẫn dũng cảm bôn ba tìm đường cứu nước. Và trên hành trình tìm đường cứu nước gian nan, lao động không chỉ giúp Bác sinh tồn mà còn là con đường ngắn nhất để Người thấu hiểu được tâm tư, tình cảm và ước vọng của giai cấp cần lao. Dù ở cương vị cao, Bác vẫn dành thời gian trồng rau, nuôi cá, quần xắn ống lội xuống đồng, vai vác cuốc lên nương... Sự vĩ đại của Người lại hiện hữu ở những gì giản dị, đời thường nhất.
Truyền thống hiếu học, nghĩa tình
Xứ Nghệ nghèo khổ nên người dân nơi đây từ trong lịch sử đã có truyền thống hiếu học. Ngay từ những ngày thơ bé, cho đến lúc bôn ba tìm đường cứu nước và cả sau này khi lãnh đạo đất nước, đức tính hiếu học, thói quen học tập luôn được Bác trau dồi, tự học không mệt mỏi. Quyết tâm của Người "Phải học. Nếu không học mình sẽ lạc hậu" trở thành lời răn dạy ý nghĩa đến lớp lớp thế hệ nhân dân Việt Nam.
Không chỉ cần cù hiếu học, người xứ Nghệ vẫn nổi danh với khí chất của ông đồ Nghệ thông minh, hóm hỉnh. Ta có thể thấy rõ điều đó trong mỗi lời ăn tiếng nói, trong giao tiếp ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai tiếp xúc với Người đều có cảm giác vừa gần gũi, thân thương vừa ngưỡng mộ, kính trọng.
Người xứ Nghệ mộc mạc mà chân tình. Bởi mảnh đất miền Trung luôn thường trực mối nguy từ thiên tai, địch họa. Vì thế, để sinh tồn, người dân ý thức rất rõ phải biết đùm bọc, thương yêu, cố kết với nhau. Được lớn lên trong một gia đình chan chứa tình yêu thương, cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ nhỏ được nuôi dưỡng lòng nhân ái, bao dung, đức hy sinh quên mình, tình thương bao la vô bờ bến với đồng bào lam lũ, với nhân loại cần lao. Trong tâm khảm của Người, tình cảm gia đình là một thứ tình cảm thiêng liêng, đáng trân quý. Nhưng cuộc đời của Bác, vì gia cảnh, vì việc lớn bộn bề, phần lớn sống trong cảnh thiếu vắng tình thân. Bác vẫn giữ trong tim nỗi nhớ về mái nhà tuổi thơ, về người thân gắn bó, có điều vì việc nước chưa tròn nên việc nhà đành nén lại. Vì lẽ đó, tình cảm gia đình, với Bác luôn là nỗi đau đáu, day dứt khôn nguôi. Năm 1929, khi ở Thái Lan tình cờ nghe người mẹ Việt kiều ngâm Kiều ru con, Bác bồi hồi nhớ về lời ru của mẹ-bà Hoàng Thị Loan từ thuở thiếu thời: “Xa nhà chốc mấy mươi niên/ Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Tháng 11-1950, khi hay tin người anh cả Nguyễn Sinh Khiêm qua đời mà vì việc nước không thể về chịu tang, Người đã gửi cho dòng họ Nguyễn Sinh một bức điện: "Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước". Bức điện ngắn mà hàm súc bao ý tình xúc động về tình anh em và đằng sau đó là những mất mát, thiệt thòi, hy sinh tình nhà vì nghĩa nước.
Vì bộn bề việc nước, suốt cuộc đời của Bác chỉ có hai lần về thăm quê, nỗi nhớ thương càng canh cánh day dứt trong lòng: “Tôi chưa về được, không phải vì tôi vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mỗi người dân Việt Nam là "vì nước quên nhà, vì công quên tư". Dù ở trong hoàn cảnh nào, Bác vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ về quê hương xứ Nghệ với tất cả tình cảm chân thành, thiêng liêng, sâu lắng nhất.
Tinh thần lạc quan, yêu văn nghệ
Xứ Nghệ là một trong những vùng đất phát tích nhiều nền văn hóa cổ cùng với hàng ngàn di tích lịch sử-văn hóa, một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với những làn điệu dân ca ví-giặm, ca dao, tục ngữ, sử thi... Nơi đây từng sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự hay “Hồng Sơn văn phái” nổi danh... Đời sống càng lam lũ, con người nơi đây càng muốn tìm đến văn hóa, thi ca như một sự cân bằng và cứu rỗi tâm hồn. Người xứ Nghệ thường có thói quen lẩy Kiều, tập Kiều, vận ca dao, tục ngữ... Họ có thể hát ví, hát giặm khi vui cũng như khi buồn, khi vụ mùa bận rộn hay nhàn nhã, khi kết bạn giao duyên hay rời xa ly biệt...
Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung được tắm mình trong mạch nguồn văn hóa của quê hương, lại sinh ra trong một gia đình văn hóa yêu nước, với tư chất thông minh, nhạy bén, chất văn hóa xứ Nghệ đã được ươm mầm và kết trái ở Người. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh một nhà quân sự, nhà chính trị thiên tài, còn là nhà văn hóa lớn, một nghệ sĩ tài hoa, lãng mạn. Sinh thời, Bác rất hay làm thơ, viết văn, trong đó có những tuyệt phẩm văn thơ bất hủ.
Bác cũng thích vận dụng ca dao, dân ca khi nói và viết. Người rất mê "Truyện Kiều", thích lẩy Kiều, tập Kiều và có thể lẩy Kiều trong mọi hoàn cảnh. Tình yêu đối với dân ca xứ Nghệ luôn là dòng sữa mát lành chảy mãi trong tâm khảm, để rồi cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Người vẫn khao khát được đắm mình trong giai điệu ngọt ngào thời thơ ấu: "Chuyện kể rằng, trước lúc Người ra đi... Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim"... Vẻ đẹp của vùng quê sơn thủy hữu tình “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” của núi Hồng, sông Lam đã thành nỗi nhớ niềm thương, cảm hứng bất tận cho hồn thơ của Bác.
Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương xứ sở của Bác gắn liền với tình yêu nước, tình yêu thương đồng chí, đồng bào. Điều này có cội nguồn từ văn hóa xứ Nghệ. Đây là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước rất đáng tự hào trong những trang sử vàng chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc: “Non nước châu Hoan đẹp tuyệt vời/ Sinh ra trung nghĩa biết bao người”. Địa linh sinh nhân kiệt, nơi đây cũng là quê hương của rất nhiều bậc anh tài tuấn kiệt trong lịch sử cũng như các bậc trí thức yêu nước nổi tiếng hiện thời. Phẩm giá, khí phách, tinh thần nhiệt huyết cách mạng, lòng yêu nước thương dân của các nhà nho xứ Nghệ đã âm thầm lan thấm vào tâm hồn rồi nhen nhóm hoài bão cứu nước, cứu dân trong chàng trai Nguyễn Tất Thành, thôi thúc anh quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Cả cuộc đời của Bác chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đó là khát vọng cháy bỏng và thường trực trong tâm khảm của Người: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa” (thơ Chế Lan Viên).
Quê hương xứ Nghệ đã sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng danh cho quê hương xứ sở. Tình yêu quê hương gặp gỡ với giá trị văn hóa đặc sắc, cốt cách con người xứ Nghệ đã hội tụ và tỏa sáng trong con người Hồ Chí Minh, thăng hoa thành vẻ đẹp Việt Nam bình dị mà vĩ đại.
TS NGHIÊM THỊ THU NGA