Tại vòng chung kết Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, dự án của Lộc đã xuất sắc đoạt giải nhất ở lĩnh vực giáo dục.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện sản phẩm, Lộc cho biết: “Từ năm 2017, tôi thấy nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những vụ bé gái bị xâm hại. Tôi rất xót xa và mong muốn làm được việc gì đó để giúp đỡ các em tránh được vấn đề này để luôn có tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên. Tâm huyết lớn nhất của tôi là giúp các em biết cách tự bảo vệ”. Từ suy nghĩ đó, Lộc bắt đầu tìm hiểu và thu thập những bài viết, những vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, cùng những hoạt động xã hội mang đến sự yêu thương, chăm sóc, bảo vệ cho trẻ em. Lộc nhận ra vấn đề, đang có sự khan hiếm về phương pháp giáo dục giới tính cũng như phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. Anh mời những người bạn thân cùng tham gia nghiên cứu và phát triển một trang điện tử nhằm giáo dục cho trẻ cách phòng, chống các nguy cơ bị xâm hại.
Sản phẩm website “Em cần bảo vệ” với khẩu hiệu “Hãy bảo vệ trẻ em-Ngay khi còn có thể” được thiết kế và quản lý bao gồm các trang, chuyên mục như: Pháp luật, góc cảnh giác, bảo vệ cho em. Bộ sản phẩm gồm tin tức, video, cẩm nang, trò chơi vui. Một phần sản phẩm nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức về các bộ phận trên cơ thể, các quy tắc an toàn, ranh giới quyền cơ thể và các bài tập xử lý tình huống liên quan đến cách phòng tránh bị xâm hại ở trẻ. Phần còn lại dành cho phụ huynh và nhà trường, gồm nguồn tài liệu tham khảo về giáo dục giới tính. Ngoài ra,
website còn tập hợp thông tin liên hệ của tất cả tổ chức bảo vệ trẻ em của TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Với nội dung thiết thực, phong phú, đa dạng hình thức và giúp trẻ nhỏ ghi nhớ những lời hướng dẫn, sản phẩm “Em cần bảo vệ” hiện được nhiều phụ huynh và giáo viên tiểu học truy cập để tham khảo, lồng ghép giáo dục cho các em qua các câu chuyện sinh hoạt thường ngày. Chị Phan Thị Dương Tuyền ở quận 5, TP Hồ Chí Minh có con đang học lớp 3 chia sẻ: “Dù thầy cô và cha mẹ có dặn dò phải đề phòng người lạ, dạy cách nhận biết người xấu, hành vi xấu, nhưng với lứa tuổi hiếu động, trẻ em bậc tiểu học rất dễ quên. Từ khi được tham khảo sản phẩm “Em cần bảo vệ”, hướng dẫn chơi game, xem video và cẩm nang dạy cách phòng tránh xâm hại trong đó thì con tôi lại dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi thấy sản phẩm này rất hữu ích và cần phát triển hơn nữa”.
Tạo ra được sản phẩm nghiên cứu khoa học với người bình thường đã khó, với Lộc càng khó khăn gấp nhiều lần. Do bị khiếm thị, Lộc tìm kiếm thông tin, tra cứu và chọn lọc tài liệu đều phải sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ đặc biệt cho người khiếm thị. Lộc chia sẻ: “Khó khăn lớn là quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, tôi nhận thấy tại Việt Nam, các tài liệu, nhất là tài liệu điện tử hỗ trợ hoạt động giáo dục phòng tránh bị xâm hại tình dục cho trẻ tiểu học còn khan hiếm, những tài liệu tiếng Anh đạt tiêu chí về học thuật thì phong phú nên phải tìm người dịch lại”.
Sắp tới, Lộc và nhóm sẽ tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm “Em cần bảo vệ” về cả nội dung trong cẩm nang, xây dựng video thành phim hoạt hình và tìm tòi, bổ sung thêm cơ sở dữ liệu trong game, đồng thời mở thêm các chuyên mục tiếp nhận thông tin, hỏi đáp, trở thành kênh thông tin hữu ích hơn của các gia đình.
Không chỉ thiết kế sản phẩm “Em cần bảo vệ”, Lộc còn tìm tòi, nghiên cứu nhiều đề tài khác, trong đó có thiết kế website để chia sẻ tài liệu dành riêng cho người khiếm thị. Thông qua những nghiên cứu của mình, Lộc mong muốn xã hội sẽ có cái nhìn toàn diện, tích cực hơn về người khuyết tật. Bí quyết của người sinh viên khiếm thị này chính là: “Nếu người bình thường cố gắng một, thì bản thân phải cố gắng 10, thậm chí nhiều hơn. Điều gì không biết thì đừng ngại hỏi, luôn nỗ lực cống hiến để sống có ích”.