Chúng tôi đến xã Yên Bình, huyện Thạch Thất vào một buổi trưa nắng như đổ lửa. Bước xuống khỏi xe buýt tuyến 107 từ Kim Mã đi Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, chiếc xe taxi Thạch Thất chở chúng tôi lao vun vút trên những tuyến đường liên xã, liên thôn trải nhựa, bê tông hóa kiên cố, thỉnh thoảng lại có những con đường sạch đẹp, nở hoa do Hội Phụ nữ xã tự quản. Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng ngói đỏ lấp ló trong màu xanh đại ngàn tạo nên một khung cảnh thơ mộng nơi miền sơn cước.
Đường lên xã Yên Bình bây giờ thật thuận lợi bởi xã gần với Tỉnh lộ 446, Đại lộ Thăng Long kéo dài chạy qua. Giao thông thuận lợi cũng là điều kiện tốt để xã miền núi này trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa... Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự đổi thay của vùng quê này chính là từ khi được sáp nhập vào Thủ đô. “10 năm qua, xã Yên Bình đổi mới quá nhanh và mạnh mẽ nhất trong 4 xã thuộc Lương Sơn, Hòa Bình về Hà Nội”-ông Bùi Thanh Vân, ở thôn Dân Lập, mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Dễ nhận thấy nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, kênh mương nội đồng và việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của nông dân. Theo ông Vân, trước đây, người dân chủ yếu là trồng lúa, trồng ngô nhưng năng suất rất thấp bởi thiếu nước tưới, dịch bệnh hoành hành, mất mùa liên tục. Đường sá nhỏ hẹp, không có rãnh thoát nước nên mùa mưa bùn đất lầy lội, đi lại rất vất vả, thậm chí có nơi giao thông còn bị chia cắt. Một số thôn chưa có điện thắp sáng, những nơi có điện thì hạ tầng kém, điện phập phù, cứ mưa to là bị cúp. Sau khi sáp nhập vào Hà Nội thì thành phố đã đầu tư ngay để sửa chữa, thay thế đường dây nên điện sinh hoạt rất ổn định, đường sá mở rộng thông thoáng, ô tô, taxi vào được tận từng ngõ ngách…
Người dân Yên Bình hôm nay vẫn không quên cảm xúc dâng trào niềm vui khi họ hay tin mình trở thành công dân Thủ đô cách đây 10 năm. Nhiều chị em ra đồng kháo nhau râm ran: “Mình được về Hà Nội rồi đấy!”. Và sự thật sau 10 năm sáp nhập vào Thủ đô, nhân dân Yên Bình đã được hưởng lợi rất nhiều từ các chế độ, chính sách của thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phát triển nông nghiệp, nông thôn mới,... Anh Hoàng Công Cường, Trưởng thôn Dục, xã Yên Bình, dẫn chúng tôi vào thăm gia đình ông Đặng Văn Mùi, một cựu chiến binh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khá thành công với cây bưởi ở thôn này. Gia đình ông Mùi có một cơ ngơi khang trang với ngôi nhà hai tầng cùng một vườn bưởi sum sê trái. “Kể từ khi xã Yên Bình sáp nhập vào huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, xóm Dục chúng tôi cũng như các xóm Thuống, Vao, Đình, Cò… chính thức được đổi thành thôn. Chúng tôi liên tục được đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế trang trại cây ăn quả ở các nơi. Có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc tốt hơn nên việc trồng cây ăn quả giờ đây cũng năng suất hơn hẳn. Ngày trước, thu nhập từ bưởi chỉ được khoảng 30-40 triệu đồng/năm nhưng nay tăng lên 80-100 triệu đồng/năm”-ông Đặng Văn Mùi khoe với chúng tôi.
Cùng với cây bưởi, 10 năm qua, nhiều gia đình ở xã Yên Bình cũng đưa vào trồng một số cây khác như đu đủ, chuối tiêu hồng, thanh long ruột đỏ, biến nhiều vườn tạp, đồi hoang thành những trang trại cây ăn quả mang lại thu nhập cao. Đặc biệt, nông dân thôn Dân Lập còn chuyển đổi thành công các ruộng lúa sang trồng ớt, trồng kiệu, hoa hồng, hoa cúc, hoa ly... Không chỉ được hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bà con còn được thành phố đưa đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số làng hoa nổi tiếng của Hà Nội như Tây Tựu, Mê Linh. Theo người dân kể thì thời điểm gần Tết, những cánh đồng hai bên đường liên xã trở nên rực rỡ bởi sắc màu của hoa. Làng quê Yên Bình dịp đó vô cùng nhộn nhịp, xe cộ tấp nập kẻ bán người mua mang đi nơi khác phục vụ khách chơi Tết. Người dân phấn khởi lắm bởi thu nhập từ hoa ly đạt khoảng 150-200 triệu đồng/sào, còn hoa cúc thì khoảng 30-60 triệu đồng/sào, tính bình quân trên mỗi sào ruộng trồng hoa thu nhập tăng gấp hai đến ba lần so với trồng lúa trước đây.
Sau 10 năm nhìn lại, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng xã Yên Bình đã thực sự đổi mới với một số mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả cao như: Trồng hoa, trồng bưởi, thanh long, chăn nuôi lợn rừng, trang trại rau sạch… Đúng như lời đồng chí Nguyễn Đăng Quân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo huyện Thạch Thất, giới thiệu trước khi chúng tôi đến xã Yên Bình rằng: Yên Bình là một điểm sáng về một số mô hình phát triển kinh tế cũng như xây dựng nông thôn mới so với các xã miền núi thuộc Lương Sơn, Hòa Bình sáp nhập vào Hà Nội trong thập niên qua. Được biết, năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở xã Yên Bình đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2018 sẽ đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 14,5% của năm 2007 đến nay giảm xuống còn 0,94%… Đặc biệt hiện nay, xã Yên Bình cũng đang dẫn đầu trong việc thực hiện Đề án “Tang văn minh, tiến bộ” của huyện Thạch Thất.
Trò chuyện với chúng tôi về quá trình thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn mình, đồng chí Nguyễn Giáp Dần, Chủ tịch UBND xã Yên Bình, thổ lộ: “Để thay đổi một tập tục nào đó đã ăn sâu vào tiềm thức người dân là việc không hề dễ dàng đối với một xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xã Yên Bình là địa bàn có hai đồng bào dân tộc Kinh và Mường sinh sống, trong đó người Mường chiếm khoảng 40% dân số. Ban đầu vận động người dân đổi mới việc tang, bỏ những thủ tục không cần thiết, thực hành tiết kiệm cũng có những khó khăn nhất định do quan niệm tâm linh, tín ngưỡng lâu đời của người dân. Có người cho rằng, ăn uống trong đám tang là để báo hiếu cha mẹ, trần sao âm vậy, hỏa táng thì khiến người chết sẽ bị nóng nực, thi hài bị đen... Thế nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động các cơ quan, đoàn thể kiên trì tuyên truyền, vận động, dần dần nhận thức của đồng bào cũng ngày càng nâng cao và họ đã thực hiện tốt các quy định”.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Yên Bình thì những năm trước, người dân ở đây vẫn giữ nhiều hủ tục trong việc tang như: Không hỏa táng, để thi hài người chết trong nhà nhiều ngày mới đem chôn, trảm mộc, yểm bùa, cúng bái bắt tà trừ ma, lăn đường, rải tiền lẻ, rải vàng mã khi đưa tang, khóc mướn, tổ chức làm cỗ, mời khách đến viếng ăn uống linh đình nhiều ngày, đốt nhiều vàng mã… Nhưng hai năm sau khi thực hiện Đề án “Tang văn minh, tiến bộ” của UBND huyện Thạch Thất và Quy chế thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ trên địa bàn xã Yên Bình giai đoạn 2016-2020 của UBND xã Yên Bình thì việc tang ở xã này đã đổi mới rất nhiều so với trước.
    |
 |
Ông Đặng Văn Mùi cùng cháu bên vườn bưởi trĩu quả của gia đình. |
Thời điểm này đến các thôn Thuống, thôn Dục, thôn Dân Lập hay bất cứ thôn nào của xã Yên Bình, bên cạnh những câu chuyện về các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chúng tôi đều thấy bà con xôn xao việc thực hiện tang văn minh, đẩy lùi hủ tục như một cuộc cách mạng về việc hiếu ở miền quê này. Từ khi thực hiện Đề án “Tang văn minh, tiến bộ”, các hủ tục như khóc thuê, lăn đường, rải tiền lẻ, vàng mã dọc đường khi đưa tang đã giảm hẳn. Năm 2017, số ca người chết đưa đi hỏa táng của toàn xã đạt 80,64%, ở một số thôn đạt 100% số ca hỏa táng. Đa số các đám tang đều không mở nhạc hiếu trước 5 giờ và kết thúc sau 22 giờ. Âm thanh nhạc hiếu được sử dụng vừa phải, nhạc khúc không phù hợp trong tang lễ cũng được người dân loại bỏ dần… Theo bà Bùi Thị Tịnh, Trưởng thôn Thuống, thì các gia tang ở thôn đều thực hiện tốt quy định bảo quản thi hài trong nhà không quá 36 giờ kể từ khi chết, trường hợp đặc biệt cũng không để trong nhà quá 48 giờ. Việc tổ chức làm cỗ mời khách viếng ăn uống nhiều ngày đã giảm hẳn so với trước. Nghi thức tang lễ, thăm viếng cũng nhanh gọn, trang nghiêm, việc mang vòng hoa và hoa quả đến viếng đã giảm nhiều”.
Đổi mới việc tang trong thời gian qua đã có tác động lớn đến kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của địa phương, từng bước xóa bỏ thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trên địa bàn. Theo tính toán của UBND xã Yên Bình, việc hạn chế tổ chức ăn uống linh đình, không đốt vàng mã, không mời dàn nhạc tây, cúng bái, xây mộ, bốc mộ lãng phí đã giúp gia đình tiết kiệm và giảm được những chi phí không cần thiết khoảng 40-50 triệu đồng/đám tang.
Mặc dù vẫn còn nhiều người dân chưa quen với việc hỏa táng người thân nên tỷ lệ hỏa táng ở một số thôn còn thấp, một số nghi lễ trong đám tang còn rườm rà, đốt nhiều vàng mã… do tập tục đã ăn sâu trong người dân. Tuy nhiên, xóa bỏ được nhiều hủ tục trong việc tang ở một xã miền núi như Yên Bình như vậy cũng là sự nỗ lực lớn đáng ghi nhận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, không chỉ góp phần tiết kiệm cho người dân, bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn hướng tới một cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ.
Tạm biệt bà con Yên Bình khi ánh nắng chiều đã khuất sau bóng núi, bước lên xe buýt trở về nội thành Hà Nội, trong lòng chúng tôi như thấy vui lây bởi bức tranh vùng quê nghèo Yên Bình ngày xưa nay đã thực sự đổi thay với những gam màu sáng trên con đường phát triển cùng Thủ đô sau ngày mở rộng.
Bài và ảnh: MINH THÀNH