Ông phó ban đọc xong chỉ đạo:

- Tặng chiến sĩ áo xanh thì chuyển đến bếp ăn Bệnh viện dã chiến quân đội cho các chiến sĩ nhé.

Xe chở rau xanh, trong đó có quả bí dán bài thơ, đi ngay đến địa điểm được chỉ đạo. Khi nhận hàng để chuyển vào kho, đồng chí phụ trách hậu cần bệnh viện thấy quả bí dán bài thơ, cúi xuống đọc chăm chú. Đoạn xúc động quá, anh rút ngay chiếc bút trên ngực áo viết tiếp vào mảnh giấy mấy dòng: Đây là tình nghĩa dân-quân/ Của người em gái ân cần chăm lo/ Bí này vừa sạch vừa to/ Bát canh ngọt mát em cho ngày hè.

Bài thơ trên quả bí được các anh nuôi trong bếp bệnh viện dã chiến đọc rất thích thú. Vì thế, họ chưa đem nấu mà để dành trong kho rau. Nhưng sáng hôm sau, bỗng có lệnh chia sẻ rau cho bếp ăn một bệnh viện dã chiến trong trung tâm thành phố, các anh nuôi vui vẻ chuyển rau ra xe ngay, trong đó họ trao tặng luôn cả quả bí có dán thơ.

Xe chở rau đến đơn vị bạn, các anh nuôi lại ra bốc dỡ mang vào kho. Bất chợt một chiến sĩ nhìn thấy quả bí xanh dán mảnh giấy đề thơ, anh liền ôm quả bí và đọc to cho mọi người cùng nghe. Bài thơ vừa đọc xong, mấy chàng lính trẻ đã nhao nhao:

- Ôi lãng mạn quá! Đang dịch căng thẳng mà thấy lòng phơi phới tươi vui!

- Em gái vườn quê chắc đẹp người đẹp nết...

- Chắc phải mê bộ đội nên mới tặng bí, tặng thơ...

Bất ngờ, bếp trưởng xuất hiện, tiến đến quả bí, tay cầm sẵn bút, anh nâng quả bí lên và viết tiếp, nối vào bài thơ mấy dòng thơ nữa: Từ tay “em gái vườn quê”/ Qua bao nhường nhịn lại về bếp anh/ Quà em chỉ một món canh/ Mà bao tình cảm chân thành thiết tha.

Ối trời, một tràng âm thanh bỗng phát ra vang cả một khu. Các chàng anh nuôi vừa vỗ tay, vừa đập vung nồi, gõ dao thớt liên hồi để tỏ lòng khâm phục bếp trưởng.

Chưa dừng. Một bất ngờ nữa không kém. Lại một anh nuôi tên là Lê Hải tiến đến mượn bút của bếp trưởng và ghi tiếp làm kết bài thơ: Bao giờ Cô vít cút xa/ Xin thề! Anh sẽ về nhà tìm em.

Tiếng vỗ tay và tiếng gõ soong nồi, dao thớt lại vang lên không ngớt. Quả bí và bài thơ được các chàng lính chụp ảnh đủ mọi góc độ để nhờ cộng đồng mạng chia vui và tìm “em gái vườn quê” cảm ơn.

Nhưng chưa tìm được “em gái vườn quê” thì chiều hôm sau quả bí đã phải đem nấu canh phục vụ bệnh nhân.

Anh nuôi Lê Hải xin nhận nhiệm vụ gọt vỏ bí. Vừa bóc bài thơ ra, bỗng nhiên Hải reo lên trong làn khẩu trang như thể bị đứt tay:

- Ối anh em ơi! Em gái vườn quê đây rồi!... Đúng là trời xe duyên cho tớ vì tớ “Xin thề” rất thật lòng.

Thì ra, đằng sau tờ giấy chép bài thơ là dòng điện thoại của "em gái" ấy. Hải đứng dậy rút điện thoại gọi luôn. Để tự hào với đồng đội, anh còn mở loa ngoài thật to cho mọi người cùng nghe. Lúc đó rất nhiều anh nuôi cũng dừng tay, hồi hộp theo dõi cuộc trò chuyện giữa “em gái vườn quê” đẹp người đẹp nết với Hải.

leftcenterrightdel
 Minh họa: MẠNH TIẾN

Nhưng hỡi ôi. Hải vừa “A lô” một tiếng thì đầu bên kia cất lên giọng một người đàn ông rất trầm:

- Tôi là Đào Đình Độp đây. Ai đấy?

Chết lặng vài giây lát, chàng lính mới cất nổi lời:

- Dạ, cháu là Lê Hải, chiến sĩ ở bệnh viện dã chiến vùng tâm dịch. Chúng cháu đã nhận được quả bí xanh và bài thơ....

Hải chưa kịp nói lời cảm ơn thì ông Độp đã cười khà khà và nói như reo:

- Chính bác là “em gái vườn quê” đây. Bác từng là bộ đội nên thuộc tâm lý lính tráng lắm. Nếu không lấy bút danh “em gái vườn quê” thì các cậu còn lâu mới gọi điện cho cái lão Độp này. Nhưng bác mừng lắm. Thế là quả bí và bài thơ đã đến tay đúng những người lính áo xanh thân yêu của bác.

- Không phải thế đâu bác ơi! Vì bác làm thơ hay quá nên chúng cháu gọi bác để đọc cho bác nghe mấy câu cuối bài thơ của chúng cháu nối tiếp đấy.

Đoạn chàng lính trẻ đọc một mạch hết bài thơ. Đến câu Xin thề! Anh sẽ về nhà tìm em thì ông Độp cười phát ho sặc sụa. Ho xong, ông bảo:

- Bác chỉ có 4 dòng thơ đầu thôi. Chứng tỏ bí đã đến tay toàn những người yêu thơ, giỏi thơ, nên mới có được bài thơ hoàn chỉnh thế đấy cháu ạ.

Truyện vui của NGUYỄN HẠNH