Vợ vắng nhà, hai con còn nhỏ, Trần Quang phải đảm nhiệm nhiều vai, quan trọng nhất là vai “bảo mẫu”. Quang sợ nhất là nấu cơm. Trình độ vào bếp của anh, bạn bè đã biết. Mới đây, bữa cơm tân niên mừng Xuân Tân Sửu của 4 gia đình thân quen, nhà Trần Quang "đăng cai". Khi 3 gia đình có mặt, các mâm cơm thịnh soạn đã hoàn tất. Nhìn bàn ăn, tôi hỏi vợ Quang:
- Hôm nay em làm nhanh thế, trông hấp dẫn quá, chắc có tiến sĩ tương lai trổ tài?
- Vâng, cũng có, nhưng chủ yếu là em và thêm dì sang giúp, còn anh ấy... mới trổ tài được món mũi nhọn đấy anh ạ!
- Món gì vậy, hôm nay có thể hiện không?
- Không, vì thực đơn hôm nay không có món trứng luộc.
Mọi người cười ồ lên.
Quả thực, vợ Quang xứng tầm đầu bếp 3 sao. Ăn miếng bánh chưng, Thượng tá công binh Nguyễn Nam hài hước:
- Vợ chồng nhà này lệch nhau 7 nồi bánh chưng, vậy mà “vung-nồi” cứ khít khìn khịt nên “bánh chưng” dền, dẻo thật!
- Dền, dẻo mãi cũng chưa hẳn là bánh chưng xịn, mà phải có đôi ba lần “lại gạo” mới thú vị.
Kỹ sư điện Lê Khang nói y như nhà “bánh chưng học”, làm mọi người lại cười lắc lư.
Trước khi đi công tác dài ngày, vợ Trần Quang mua đồ ăn chất đầy tủ lạnh, mỗi thức kèm theo một cái tem nhỏ, tựa như “đồng này mua muối, đồng kia mua dưa...”.
Ngày thứ nhất, 3 bữa sáng, trưa, tối, vợ đã làm sẵn, chỉ cho vào lò vi sóng ít phút là lên mâm.
Bữa trưa ngày thứ hai, Trần Quang độc lập tác chiến. Thực đơn, thôi thì dễ trước khó sau, vì thế phải có món mũi nhọn-trứng luộc; tôm rang thì không phức tạp lắm.
Bữa trưa đầu tiên Quang nấu, 3 bố con ăn muộn hơn 30 phút. Đang háu đói, cậu ấm liến thoắng: “Thích quá, thích quá chị ơi, hôm nay nhà mình có tôm đen”. Miệng nói, tay gắp ngay một con. Chưa cắn đứt con tôm, thằng bé nhăn mặt, lè lưỡi... "mặn quá, mặn quá... bố ơi!".
Cô chị chan canh bí, vừa thử một thìa, liền “khen” canh bố nấu như nước Lavie.
May có món mũi nhọn nên hai con cũng xong bữa.
Trưa hôm sau, thực đơn là thịt rang, đậu rán, rau xào. Vừa xoay trần vào bếp, vừa “trực tuyến” với vợ. Vậy mà “thịt rang của bố nhạt hơn cả thịt luộc”, “rau xào hôm nay mặn như tôm rang hôm qua, thụt cả lưỡi...”.
Món mặn làm các con cong lưỡi, món canh các con ví như nước Lavie... Còn Trần Quang thì mặn đắng trong lòng. Quân đội là “trường đại học tổng hợp” cơ mà... Nếu mình cứ vụng về, các con ăn uống qua bữa thế này, sức khỏe giảm sút thì học hành ra sao? Biết nói gì với vợ?
Cả đêm ấy, Trần Quang đau đáu nỗi niềm thương con... Để rồi anh tĩnh tâm, lấy sách nấu ăn vợ mua, học nấu các món từ đơn giản đến phức tạp.
Những bữa sau, hai con dần ăn uống bình thường, không kêu, không chê món nào, thế đã là thành công lớn với Trần Quang.
Ngày thứ 7 vợ xa nhà, bữa tối, Trần Quang mạnh dạn làm nộm, chả lá lốt. Cô chị nhìn bàn ăn tỏ vẻ thích thú. Sau khi thử hết các món, cả nước rau muống luộc, cháu hồn nhiên:
- Hôm nay đúng “chuẩn cơm bố nấu”!
Còn cậu em:
- Mai bố lại làm nộm cho con ăn nhé!
10 ngày sau vợ về. Bữa tối đó, chị muốn để chồng nghỉ ngơi, nhưng Trần Quang tự tin:
- Trước kia em chính, anh phụ, bữa hôm nay em chỉ là phụ, anh mới là chính.
Nhìn chồng làm cơm, vợ vừa cảm động, vừa vui đến ứa nước mắt. Bữa cơm tối thật vui vẻ. Vợ lại tiếp tục “khẩu chiến”:
- Anh đèn sách gần hai năm mới có bằng thạc sĩ. Còn thạc sĩ nấu ăn thì chưa đầy 10 ngày anh vào bếp...
Lần này Trần Quang không phản khẩu, mà nhẹ nhàng:
- Anh cảm ơn em! Bố cảm ơn các con!
Hôm sau, Trần Quang gọi điện cho nhà “bánh chưng học”. Vừa nhìn màn hình, Lê Khang hỏi ngay:
- Hôm nay ông muốn tư vấn món gì nào?
- Không, hôm nay tôi muốn khoe với ông cái bằng “thạc sĩ nấu ăn” vợ cấp.
- Chà chà... Mới hôm nào, thế mà nay đã nhận “bằng thạc sĩ” thứ hai rồi cơ đấy, xin chúc mừng ông nhé!
Truyện vui của THÀNH PHƯƠNG