Hai người giận hờn nhau đã mấy hôm nay.

Chuyện rằng: Chiến sĩ Trần Văn Vụng hồi mới nhập ngũ mãi không quen khẩu lệnh trong quân đội. Khi cấp trên giao nhiệm vụ, anh thường thưa “Vâng ạ!” nên nhiều lần bị cấp trên chỉnh đốn, nhắc nhở: “Khi cấp trên giao nhiệm vụ phải hô “Rõ!”. Lời hô phải mạnh mẽ, rõ ràng. Đồng chí nhớ chưa?”.

Để thực hiện đúng quy định, Vụng thường ra chỗ vắng tập nói to từ “Rõ!”. Dần dần thành thói quen, nhiều khi cứ bật ra, dù chưa nghe hết lời cấp trên nói thì anh đã “Rõ!”.

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ HẢI

Hôm ấy, xuống bản làm công tác dân vận, chiến sĩ Vụng tranh thủ ghé vào trường nội trú thăm cô giáo Ngàn-người mà anh vẫn thương thầm nhớ trộm. Nhưng đến phòng Ngàn, Vụng gặp một cô giáo nữa. Thấy anh, Ngàn vui vẻ giới thiệu:

- Đây là cô giáo Thoa, chủ nhiệm lớp 4. Anh đã biết chưa ạ?

Chẳng ngờ, Vụng hô to:

- Rõ!

Cô giáo Thoa cố nhịn cười. Nhưng khi Ngàn rót nước mời: “Em mời anh uống nước” thì chiến sĩ Vụng lại hô “Rõ!” rất to khiến cô Thoa giật bắn người. Lần này thì không nhịn được, cô Thoa đành bật cười và ho sặc sụa. Còn Ngàn lúc đó đỏ bừng cả mặt.

Sau khi trở về đơn vị, Trần Văn Vụng nhận được tin nhắn của Ngàn: “Chúng em là cô giáo chứ không phải là bộ đội. Tạm biệt!”. Nghĩ mãi, Vụng mới hiểu ra ý Ngàn trách anh hô “Rõ” với hai cô giáo không đúng lúc đúng chỗ. Anh vội gọi điện thanh minh nhưng 5 lần gọi, điện thoại của Ngàn đều không liên lạc được.

Đêm ấy, Trần Văn Vụng trằn trọc không ngủ. Anh quyết định viết cho Ngàn một lá thư bằng thơ:

      Cái tên cha mẹ đặt cho

Là Trần Văn Vụng nên hay vụng về

      Anh nói năng chẳng nhẹ nhàng

Lại hô mệnh lệnh, nên càng vô duyên.

      Anh xin lỗi cô giáo hiền

Từ nay anh chẳng làm phiền em đâu...

Lá thư bỏ trong phong bì, dán kín. Mãi đến chủ nhật, Trần Văn Vụng mới có dịp xuống bản. Anh quyết định đến nhà đưa trực tiếp lá thư cho Ngàn nhưng hỡi ôi, vừa đến cửa đã gặp bố của Ngàn từ trong nhà đi ra.

- Em Ngàn đi chợ huyện, không có nhà rồi-bố Ngàn thông báo.

- Dạ... không sao, cháu chỉ muốn gửi cho Ngàn lá thư-Trần Văn Vụng run run nói.

- Thư gì? Sao không nhắn tin? Hay là thông tin bí mật quân sự?

Ối chao! Nghe câu đó, Trần Văn Vụng sợ cứng người, vội bóc hẳn phong thư ra đưa cho bố Ngàn và thanh minh:

- Không ạ. Cháu chỉ có mấy dòng thơ thôi ạ! Bác có thể kiểm tra... và chuyển cho Ngàn giúp cháu...

Đưa xong lá thư, Trần Văn Vụng xin phép đi thẳng.

Ông bố Ngàn mở ngay bức thư ra đọc. Đọc xong, ông cười khùng khục: “Đúng là thơ thẩn! Vụng quá là vụng! Thảo nào...”.

Vốn là người say mê làm thơ, bố Ngàn liền lấy giấy bút, viết lại bài thơ cho Vụng như sau:

      Tên anh cha mẹ đặt cho

Vận vào anh, vụng đến giờ em ơi

      Vụng yêu, vụng việc, vụng lời...

Nhưng anh chân thật, là người thủy chung.

      Xin em rộng lượng, bao dung

Chấp chi lỗi nhỏ vô cùng, cho qua...

      Anh xin chuộc lỗi bằng hoa

Tự tay anh hái... ấy là phong lan.

                                      Ký tên Trần Văn Vụng.

Sáng tác xong, bố Ngàn cẩn thận bắt chước chữ của Vụng, chép lại rồi bỏ vào phong bì. Trưa ấy, Ngàn về, ông lặng lẽ đưa cho con gái.

Ngay chiều chủ nhật ấy, Trần Văn Vụng liền nhận được điện thoại của cô giáo Ngàn:

- Anh ạ! Mấy hôm nay điện thoại của em bị hỏng. Em nhận được bài thơ của anh rồi! Em cảm động lắm! Em không tự ái đâu! Có gì mà anh phải xin lỗi! Nhớ tặng hoa phong lan cho em nhé!

Nghe đến đây, Trần Văn Vụng bỗng ngớ người. Nhưng vốn thông minh, anh đã đoán ra nên... lại bật rất nhanh “Rõ!” khiến Ngàn cười khanh khách...

Chỉ có điều, sau đó, Trần Văn Vụng rất vất vả vì phải lùng bằng được dò phong lan núi để tặng người anh yêu.

Truyện vui của HẠNH NGUYỄN