Trong đợt huấn luyện chiến sĩ mới, Hưng còn làm thơ và sáng tác ca khúc cổ động thao trường đoạt giải ba cuộc thi cấp trung đoàn. Tuy được cán bộ, chiến sĩ đơn vị rất yêu quý nhưng mọi người vẫn đặt cho Hưng biệt hiệu: Hưng “hậu đậu”.

Chẳng là, sau hai tuần huấn luyện điều lệnh đội ngũ, mọi người đã thành thục động tác đi đều nhưng riêng Hưng thì vẫn cùng tay, cùng chân. Học gói buộc thuốc nổ, sản phẩm của Hưng luôn ở trạng thái “nửa tròn, nửa vuông”, thắt dây không chặt. Giờ huấn luyện bắn súng, nghe tiếng đạn hơi mà mặt Hưng đã tái xám...

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Biết hạn chế của mình, Hưng buồn lắm. Do sinh ra ở thành phố, từ bé được bố mẹ chăm lo, không phải làm việc nặng nhọc nên kỹ năng sống kém; quá mải mê sách vở, thừa lý thuyết, thiếu thực hành... Dù vậy, vốn là thanh niên có tư chất thật thà, trong sáng, cầu thị nên Hưng luôn hướng tới điều tích cực. Hưng tự nhủ: “Khổ luyện thành tài. Với những khuyết điểm của bản thân thì “môi trường thép” trong quân đội là tốt nhất để tự hoàn thiện”. Từ đó, trong huấn luyện hay các hoạt động, Hưng đều cẩn thận, tỉ mỉ hơn. Những nội dung huấn luyện chưa thành thục, Hưng chủ động tự học thêm ngoài giờ, khi các đồng đội nghỉ ngơi. Tuy nhiên, để trưởng thành tiến bộ là quá trình khó khăn. Hưng cần thêm thời gian.

Đợt ấy, sau những ngày nắng oi ả, trời đổ mưa như trút nước. Ba ngày mưa liên tục, nước ngập trắng cả một vùng. Những thửa ruộng lúa chín đến độ thu hoạch của bà con nông dân cũng chìm nghỉm trong nước. Sau vài ngày, mưa nhỏ dần nhưng nước rút chậm. Diễn biến thời tiết phức tạp, khả năng đợt mưa tiếp tục kéo dài, nguy cơ nước lũ tràn về nên bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch để giảm thiệt hại. Trước tình hình đó, đơn vị Hưng được lệnh hành quân giúp nhân dân gặt lúa. Nghe thông báo từ Trung đội trưởng Hùng, trong lòng Hưng có gì đó háo hức đan xen chút lo lắng.

Ngày đầu hành quân ra địa phương giúp nhân dân gặt lúa, Hưng rất hăng hái. Mặc dù từ nhỏ chưa một lần cầm liềm cắt lúa nhưng khi được giao, Hưng vẫn hào hứng xung phong. Cứu lúa khỏi nước lụt quan trọng nhất là cắt được bông lúa, hạn chế thấp nhất việc cắt sót và để rơi rụng. Chính vì yêu cầu khá đơn giản nên sau khi được bác nông dân hướng dẫn qua một chút, Hưng đã bắt tay vào việc gặt lúa. Chiều hôm đó, một chuyện không may xảy ra, Hưng bị liềm cắt vào tay. Vì liềm khua dưới nước nên vết cắt ngọt và khá sâu. Tin Hưng bị cắt vào tay nhanh chóng truyền khắp đơn vị. Thế là biệt danh “hậu đậu” của Hưng lại được lôi ra làm đầu câu chuyện để bàn tán. Trung đội trưởng Hùng định chuyển Hưng về bộ phận hậu cần, không trực tiếp làm nhiệm vụ gặt lúa nữa.

Biết tin, Hưng đến gặp trực tiếp trung đội trưởng xin được ở lại, với lý do đây là dịp để Hưng có trải nghiệm. Chuẩn bị sẵn tâm lý từ trước nên Hưng đề xuất luôn: Tôi không cắt được lúa, xin chuyển làm bốc vác, đưa lúa từ ruộng lên đường cái.

Một tuần bộ đội ngâm mình trong nước giúp dân gặt lúa dần trôi qua. Chỉ còn một thửa ruộng ở cánh đồng xa nữa là đơn vị Hưng hoàn thành nhiệm vụ. Nhá nhem tối, trời mưa mỗi lúc nặng hạt hơn, bỗng Trung đội trưởng Hùng thấy phía xa có cánh tay chới với giống như người đuối nước. Hùng vội lao đến thì thấy Hưng đang vùng vẫy thoát ra khỏi chỗ nước sâu kéo theo một thiếu nữ tay khua khoắng... Rất nhanh, với sự giúp sức của Trung đội trưởng Hùng, Hưng đưa được thiếu nữ lên bờ an toàn.

Cô gái may mắn được cứu có tên là Hương. Hồi tỉnh sau khi được cứu, Hương kể: Do trời tối, lại mưa to hơn nên Hương không vác lúa theo lối cũ mà tìm đường đi tắt, không ngờ lại sa chân vào thùng đấu. Cũng may anh bộ đội có mặt đúng lúc.

Nghe vậy, Trung đội trưởng Hùng quay sang Hưng nói:

- Tháng trước huấn luyện bơi, cậu mới tập toạng bơi được chút ít mà?

- Lúc đó em không kịp nghĩ, chỉ làm theo phản xạ cứu người trước đã-Hưng thật thà trả lời.

Chuyện Hưng cứu Hương khỏi bị đuối nước trở thành câu chuyện tiêu điểm của đơn vị trong đợt giúp dân gặt lúa. Với hành động của mình, cái biệt danh “hậu đậu” dần được thay bằng Hưng “dũng cảm”...

Truyện vui của PHẠM TUẤN