leftcenterrightdel
Minh họa:  MẠNH TIẾN

- Cô thấy làng quê nước Nga thời Chiến tranh vệ quốc mà nhà văn Pautopxky tả có đẹp bằng làng quê Việt Nam mình ngoài cửa sổ con tàu không?

Cô gái ngẩng lên bỡ ngỡ giây lát rồi hiểu ra. Nhưng cô không trả lời mà hỏi lại:

- Chắc anh đã đọc cuốn sách này?

Chàng trai cười qua ánh mắt:

- May mắn tôi đã được đọc nó thời trẻ!

- Thời trẻ? Anh giờ bao nhiêu tuổi mà nghĩ mình già?

Chàng trai giả vờ suy tư:

- Tôi có nói tôi già đâu! Cách đây 12 năm, tôi đã đọc cuốn này ở năm cuối phổ thông trung học. Khi đó chẳng là thời trẻ của tôi sao?

- Vậy giờ anh khoảng 30?

- Đúng thế! Nhưng cô trả lời câu hỏi của tôi đi!

Cô gái chần chừ một lúc rồi bảo:

- Anh hỏi khó quá. Bởi làng quê của hai thời đại lịch sử, hai đất nước khác nhau. Làm sao mà so sánh được. Tôi rất thích cách tả cảnh của Pautopxky. Trời ơi, rất ngắn gọn, súc tích nhưng cái thần của không gian làng quê nước Nga hiện ra sống động như ta đang được sống ở đó...

Đến lượt chàng trai ngây mặt ra nhìn cô gái. Ôi chao, sao lại có người con gái mộng mơ, hoài niệm thế nhỉ. Thú vị quá, chàng hỏi tiếp:

- Thế những người lính Xô viết trong truyện, cô có thích không?

- Thích quá đi chứ! Tôi còn yêu họ là đằng khác. Họ dũng cảm và nhân hậu, biết hy sinh và biết yêu thương nhường nào. Pautopxky khắc họa nên tâm hồn Nga thật đẹp...

Nghe đến đây, chàng trai bật cười vì cô gái nói say sưa như đang giảng bài trước một cậu học trò. Cười xong, chàng trai hỏi:

- Vậy cô có thích người lính Việt Nam không?

Cô gái hồ hởi:

- Người lính Việt Nam, tôi càng yêu quý, kính trọng!

- Ha ha! Thế thì may cho tôi rồi. Tôi là lính tăng thiết giáp đây. Mang quân hàm trung úy hẳn hoi. Cô hãy yêu quý và kính trọng tôi nhá!

Chàng trai vừa nói vừa rút trong ngực áo ra bộ quân hàm rồi đặt hờ lên vai áo sơ mi khiến cô gái không nhịn được cười. Chợt cô gái có điện thoại. Người gọi là bố cô: “Bố sẽ đón con ở ga rồi đưa về nhà người bạn chiến đấu xưa. Chiều nay con bác ấy đi công tác qua sẽ ghé thăm nhà. Bố và bác ấy sẽ bố trí để hai đứa biết mặt nhau. Bố đã gặp rồi, theo bố thì cậu này được lắm. Rất được! Con nên gặp, chuyện trò vui vẻ chứ đừng nguây nguẩy như những đám trước nhé. Hăm tám tuổi rồi, đừng với cao nữa”. Cô gái “vâng” miễn cưỡng rồi tắt máy. Mặt cô bừng bừng cơn khó chịu đến nỗi phải giật chiếc khẩu trang ra khỏi mặt. Khi ấy, chàng trung úy ngây người vì thấy cặp môi tươi như cánh hoa hồng trên gương mặt trái xoan xinh đẹp của cô gái.

- Này anh trung úy! Anh có thể giúp tôi một việc được không?

- Được quá đi chứ! Vì cô đã tin yêu người lính mà giao nhiệm vụ.

- Không đùa đâu. Anh có thể đóng giả làm người yêu tôi khi xuống ga gặp bố tôi, để bố hoãn cuộc mai mối cho tôi gặp mặt một tay nào đó vào chiều nay?

- Chà chà! Một vai thú vị và liều lĩnh kinh khủng. Nhưng tôi sẽ cố gắng vì thấy cô sống có tâm hồn, biết yêu quý người lính.

- Bố tôi cũng muốn tôi lấy chồng là bộ đội lắm. Nhưng môi trường dạy học của tôi giữa thành phố thì kiếm đâu được bộ đội mà yêu.

- Ha ha! Ngược lại với tôi, kiếm mãi cũng chẳng ra một cô giáo.

- Vậy anh chưa có vợ?

- Lấy đâu ra. Cho nên tôi hiểu cái cảm giác bị gia đình thúc ép, mai mối như cô. Hôm nay tôi về huyện đội công tác. Biết tin, bố mẹ tôi cứ bắt phải ghé qua nhà. Mà về lần nào các cụ cũng mai mối, bắt phải lấy vợ. Tôi hãi lắm!

Họ nói đến đó thì tàu vào ga. Cô gái sánh vai cùng chàng trung úy ra khỏi cửa soát vé đã thấy bố cô đang giơ tay vẫy. Bên cạnh bố còn một người mà cô đoán đó là đồng đội xưa của bố. Vừa nhìn thấy cô và chàng trai đi bên nhau, hai ông bỗng nghệt mặt ra, miệng ơ...ơ... không nói thành lời. Ngay lúc đó, cô gái giới thiệu luôn: “Bố ơi, đây là bạn trai của con. Con không gặp mặt ai nữa đâu”.

Lặng đi vài giây, bố cô gái cười vang rồi ôm chầm lấy ông bạn: “Ối trời ơi! Tại sao tôi chưa nói lộ điều gì mà chúng nó đã yêu nhau, rủ nhau cùng về thế này? Hai đứa đã gặp mặt nhau trước cả chúng ta”. Đến lượt ông bạn kia reo lên: “Kiên ơi! Phúc đức bất ngờ. Bố mừng cho hai đứa lắm!”.

Lúc này, cô gái và Trung úy Kiên mới vỡ lẽ. Không ngờ chuyện bàn bạc, mai mối của hai ông bố ngẫu nhiên mà trùng hợp với cuộc gặp gỡ của họ. Trung úy Kiên cười rất tươi nhìn cô gái: “Duyên số đấy!”. Còn cô gái mặt đỏ bừng vì ngỡ ngàng, e thẹn, chỉ hỏi khẽ: “Anh tên là Kiên à?”.

Truyện vui của MAI HOA