Nhìn anh đến tội, tôi liền hí hoáy gạch mấy dòng ném cho anh và mấy người ngồi cùng bàn. Ai ngờ, vào đúng cái lúc mọi người ngồi đông đủ bàn tán nhau về bài làm thì anh ấy cao giọng mắng tôi: “Tại cái em Huệ này nên tí nữa mình phải nộp bài muộn. Ai lại con số 8 mà em toàn viết nằm ngang. Mình phải viết dựng dậy lại cả đấy!”. Tôi không còn chỗ mà chui xuống nữa. Xấu hổ vì mọi người đã biết tôi ném bài cho anh thì ít mà xấu hổ thay cho anh thì nhiều.
Bài toán hỏi lũy tiến dương vô cùng (vô cực) thì anh ấy lại đọc là số 8 nằm mới chết chứ! Sau cú ấy, tôi gặp anh mắng cho một trận và giảng giải về lũy tiến dương vô cùng cho anh nghe. Tôi bảo: “Thề từ nay tôi không bao giờ ném bài cho anh nữa! Lần sau đừng có mà mơ nhé!”. Nghe tôi mắng, anh chẳng hề tự ái mà còn hề hề cười như không có chuyện gì.
Bẵng đi mấy tháng sau, đơn vị viết thu hoạch chính trị. Anh chị em đã nộp bài gần hết, cái Mai huých tay tôi: “Mày xem anh ta kìa! Ngồi đực mặt ra thế kia thì bao giờ mới xong?”. “Kệ! Người gì mà làm cái gì cũng khéo tay, nhanh nhẹn, mỗi cái học thì dốt thế cơ chứ?”. Miệng nói thế nhưng bụng tôi cũng thấy thương anh, tôi ném “phao” cho anh rồi ra hiệu chép nhanh lên. Lần này, anh hí hoáy chép một mạch, nộp bài xong không thấy anh nói gì, tôi mừng thầm chắc ổn. Hôm chỉ huy đơn vị công bố kết quả thu hoạch chính trị, cả đơn vị đạt 100% yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi khá cao. Trong niềm vui chung đó, mặt anh ỉu xìu vì nghĩ mình sẽ đạt điểm khá, nhưng lại là điểm thấp nhất, rất may đủ điểm yêu cầu.
Một buổi trưa, anh hẹn gặp tôi, giọng thỏ thẻ: “Tôi rất biết ơn Huệ đã giúp tôi làm bài, nhưng thật tình cái chữ “HTCS” là gì tôi luận mãi không ra nên không dám chép”. “Sao lại không chép, anh cứ viết tắt như thế cũng được mà!”. “Nhưng anh phải hiểu nó là gì chứ? Lại như cái hôm trước ấy, lũy tiến dương vô cùng mà anh lại mắng Huệ là số 8 nằm nên buồn lắm!”. Lúc này tôi thấy thương anh thật, cái đức tính thật thà, trung thực của anh làm tôi không dám cao giọng mắng thêm nữa. Tôi ôn tồn bảo: “HTCS là viết tắt của cụm từ hạ tầng cơ sở, thầy cho phép viết tắt trong bộ môn này anh ạ, cũng tại em vội, không viết rõ cho anh. Lần sau có gì anh cứ bảo trước để em giảng giải cho nhé!”. Rồi anh kể về hoàn cảnh gia đình, quê hương, anh bảo: “Sở dĩ anh ít học cũng là từ nghèo khó mà ra. Bố anh mất sớm, các em còn nhỏ, anh phải đi làm giúp mẹ. Đặc biệt do lũ giặc xâm lăng, nếu không có nó thì anh làm gì phải viết đơn bằng máu để đi bộ đội!”. Tôi thật bất ngờ khi nghe anh tâm sự về gia cảnh của mình. Tôi bắt đầu thấy thương anh, gần gũi, giúp đỡ... và cứ như thế, tình yêu giữa chúng tôi đến tự lúc nào không biết nữa!
Sau này, anh được chỉ huy đơn vị giao phụ trách khu chăn nuôi của trung đoàn, anh nuôi tới hàng trăm con lợn, hơn nửa vạn con gà, vịt... được mọi người gọi vui là “giám đốc”. Theo chỉ huy đơn vị khẳng định, việc này chỉ có anh mới làm tốt được, bảo đảm được nguồn thực phẩm cho bộ đội. Mỗi lần anh cho xuất chuồng đàn lợn, anh tính vanh vách, chẳng cần giấy bút. Mọi người lại trêu, nhiều con số thế mà chẳng cần dùng đến con số 8 nằm “giám đốc” nhỉ. Anh cười tự tin: “Mình học lại rồi đấy!”.
Truyện vui của QUÝ HẢI