Biết thông tin ấy, mấy sĩ quan trẻ trong đơn vị hùa vào trêu chọc:
- Lần này về dự hội trường, nhớ tìm Huyền làm hòa đi nhé. Cho nàng biết thằng Huy giờ đã là bộ đội, không còn sợ ma nữa, nghe chưa! A, nhân thể tỏ tình với nàng luôn, xem ý nàng thế nào...
Huy cười ngoác rồi cất giọng hát to trêu lại đồng đội bằng lời hát chế theo nhạc bài “Huyền thoại mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Ai trong đời mà chẳng sợ, chẳng sợ mẹ thì sợ cha. Thuở còn bé ta sợ ma, khi lớn lên thì ta sợ… vợ”, khiến đồng đội nghe đều phá lên cười.
Sở dĩ có những lời dặn dò và trêu đùa trên là vì chính câu chuyện mà Huy giành giải nhất về kỷ niệm thời học sinh với cô bạn gái tên Huyền đã lộ ra có một thời Huy rất sợ ma và cô bạn gái ấy rất sợ sâu. Trò đùa thuở học trò khiến họ giận dỗi nhau cho đến bây giờ...
Hồi ấy, họ đều là học sinh giỏi của trường. Nhà Huy nằm phía bên kia một cái gò, cách trường hơn cây số. Vào năm cuối cấp, buổi tối, anh thường đến nhà thầy Quảng ở khu tập thể nhà trường để thầy bồi dưỡng thêm môn Toán, còn Huyền thường đến nhà cô Mỹ học bồi dưỡng môn Văn. Để đến nhà thầy phải đi qua con đường mòn nho nhỏ vắt ngang đỉnh gò, hai bên toàn cây cối rậm rạp. Ban ngày, con đường này rợp bóng cây mát rượi, nhưng đêm đến thì quả là một thử thách với anh chàng yếu bóng vía như Huy khi học xong về nhà.
Một đêm, vì phải giải mấy bài Toán khó nên lúc thầy trò đứng dậy đã hơn 22 giờ. Huy vắt chéo cặp sách qua vai, tay cầm đèn pin ra về với tâm trạng rất lo sợ. Lúc ấy, con đường nhỏ trở nên hun hút và đầy bí ẩn. Xung quanh tối om, vắng ngắt. Thỉnh thoảng, vài ánh đèn le lói hắt đến từ xa xa phía nhà dân càng khiến cho bóng cây như bóng tên khổng lồ đu đưa, đen sẫm. Tĩnh lặng đến nỗi Huy nghe rõ tiếng bước chân của mình và âm thanh rõ mồn một của cặp sách đánh vào hông theo mỗi bước đi. Tim chàng trai đập thình thịch vì cứ như có ai đang đi theo sau, nhưng quay lại thì không thấy gì. Huy đành lấy hết can đảm hát to cho át nỗi sợ...
Đến khúc quẹo chuẩn bị xuống chân gò, bỗng có tiếng sột soạt trong một bụi cây ven đường. Rồi những cành cây cứ chao đảo như múa. Bất thình lình có một cái bóng trắng bay vút ra chặn ngang đường. Huy hồn vía lên mây, bỏ chạy thục mạng, vấp ngã dúi dụi trên đường, miệng gào lên: “Mẹ… ơi… cứu… cứu…”. Cặp sách và đèn văng đi đâu từ lúc nào.
Sáng hôm sau đến lớp, Huy nhìn thấy cặp sách và đèn pin của mình bị treo trước cửa lớp. Một lũ con trai, con gái đang xúm quanh. Huyền-cô bạn giỏi Văn lớp bên cạnh đang diễn tả lại bộ dạng sợ hãi của Huy đêm hôm qua. Vừa nhìn thấy Huy, cả bọn gào vống lên: “Mẹ… ơi… cứu... cứu...” rồi rú lên cười ngặt nghẽo. Huy chợt hiểu tất cả và lầm lũi bước vào lớp. Cả tiết học hôm ấy, Huy không thể nào tập trung học...
Hôm sau, đang trong tiết học, bỗng mọi người thấy Huyền lao vọt ra sân trường với bộ mặt trắng bệch, miệng kêu không thành lời:
- Ối sâu! Sâu nhiều quá…
Miệng hét và tay Huyền liên tục đưa lên đầu, lên tóc, lên áo phủi liên hồi như thể trên người chỗ nào cũng dính đầy sâu. Gần đó là một gói giấy học trò, bên trong chứa đầy sâu phượng đang bò lổm ngổm. Bên ngoài có dòng chữ viết rất nắn nót: “Tặng bạn gói quà của phượng”. Mọi người biết ngay tác giả của trò này là Huy.
Từ đó, Huy và Huyền ghét nhau luôn.
Dòng hồi ức đưa chân Huy đến bên cây phượng vĩ ở sân trường. Chính cây phượng này là nơi Huy đã ra bắt đầy sâu gói lại, gửi cho Huyền. Mấy năm trôi qua, cây phượng như cao lớn hơn, thân cây vạm vỡ, tán lá xòe rộng hơn. Những chùm hoa đỏ rực rỡ đung đưa khoe sắc trong nắng. Không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã vui đùa dưới bóng cây.
- Ơ, Huyền!-Trong đám đông các bạn đang túm tụm dưới gốc phượng, Huy nhận ra cô bạn ngày xưa.
- Chào Huy sợ ma!-Cô gái ngước đôi mắt trong veo, tinh nghịch trêu Huy.
- Quên đi! Vào bộ đội, gác đêm một mình, bản lĩnh có thừa nhé!
Nói rồi, Huy ngước lên vòm phượng như tìm kiếm gì đó...
Huyền bước tới bên Huy, định thả mấy con sâu phượng vào cổ chàng trai thay cho câu trả lời Huyền của ngày hôm nay đã hết sợ sâu. Như một phản xạ tự nhiên, Huy đưa tay ra nắm ngay tay Huyền. Cả hai lúng túng nhìn vào mắt nhau. Tiếng trống trường chợt vang lên từng hồi giòn giã. Những tán phượng lay động bồi hồi...
Truyện vui của TRẦN KIM THANH