- Chán bỏ mẹ cậu ạ! Cái quái gì cũng lạ hoắc. Điện thoại di động vứt sọt rác chẳng được dùng. Cái chăn, cái màn phải gấp cho phẳng; phải bẻ góc, nắn góc sao cho vuông vắn làm quái gì(!). Đến đôi giày vải, cái thứ ở nhà mình chẳng thèm nhìn, cũng phải giặt hằng ngày, phải để ngay ngắn ở vị trí dễ thấy, dễ lấy nhất dưới gầm giường… Chơi game, lướt web-những sở thích thời học trò của mình-phải từ bỏ tuốt! Người ta sinh ra hai mươi bốn tiếng đồng hồ từ tám hoánh, bây giờ được chia nhỏ thành 11 chế độ. Làm cái quái gì cũng phải nhất nhất thực hiện theo hiệu lệnh kẻng, còi. Ôi trời, cái gì cũng phải, phải… Chán ơi là chán…!
Nghe bài ca của hắn, tôi cười mũi, phẩy tay:
- Cậu nói thế mà cũng nói được. Là người lính phải có những cái “phải” ấy mới thành người lính, mới hoàn thành được nhiệm vụ người lính, có địch mới đánh thắng được chứ!
Lương ta hỉ mũi:
- Cậu nói cứ như chính trị viên ấy. Nói thật với cậu, tớ nói là nói thế thôi, chứ vào bộ đội, cái gì quân đội quy định, dù hơi khó chịu, tớ làm được hết. Nhưng chỉ riêng mái tóc thì tớ xin kiếu nhé! Ông bà ta vẫn dạy: “Cái răng, cái tóc là góc con người”. Cắt tóc trong doanh trại, không ghế xoay, chẳng xà bông thơm… Gì thì gì, cái tóc phải cho nó ra cái tóc chứ. Ba phân cũng được, hai phân rưỡi cũng chẳng sao, nhưng phải ra hiệu cắt cho nó tử tế, cho nó sành điệu cái đầu tóc chứ. Với lại, phàm đã bỏ công đi cắt tóc, người ta khoái nhất là ngoáy cái lỗ tai. Chui cha, cứ là đê mê cậu ơi! Trong đơn vị làm gì có cái khoản thú vị ấy! Ngày mai chủ nhật, cậu đi với tớ ra hiệu ông răng vẩu nhé. Cái hiệu cắt tóc rất đẹp. Tay này cắt tóc sành điệu ra phết!
Tôi tròn xoe mắt:
- Đơn vị đã quy định chiến sĩ phải cắt tóc trong doanh trại. Vừa dễ quản lý bộ đội, vừa tiết kiệm tiền nong cho anh em. Với lại dịp này, dịch Covid-19 đang ỏm tỏi cả lên, ai cho chúng mình ra ngoài doanh trại?
- Ta xin phép đi bỏ thư. Cái hiệu cắt tóc ấy và bưu điện cách vọng gác đơn vị có gần trăm mét thôi. Bỏ thư xong ta tạt vào. Cắt cái tóc hết vài chục phút chứ mấy! Vèo cái xong, ai biết!
Sáng chủ nhật, tôi và Lương xin phép trung đội trưởng ra ngoài bỏ thư. Thấy ra bưu điện cũng gần, lại nhìn hai thằng quân phục chỉnh tề, quân hàm quân hiệu sáng chói, “bê trưởng” gật. Thế là hai đứa hùng dũng
đi đều qua vọng gác, nhằm hướng bưu điện thẳng tiến. Vào hiệu cắt tóc, ông thợ có hàm răng vẩu, xắp xắp cái kéo lách cách rất điệu mời hắn ngồi vào ghế xoay. Vừa lấy tông đơ hí húi gọt đầu hắn, ông thợ vừa nói liến thoắng chuyện dịch Covid-19 sau cái khẩu trang xanh lè. Câu chuyện đang tới hồi đau thương, vì đâu đó dịch đang phát triển tợn quá. Cái đầu tóc của Lương cũng vừa được húi đi non nửa thì ngoài đường, hai chiếc u-oát biển đỏ cuốn bụi chạy qua, rẽ vào doanh trại. Trong đơn vị bỗng kẻng báo động nổi lên dồn dập. Rồi tiếng còi nối nhau rúc lanh lảnh. Tôi hốt hoảng bảo Lương:
- Chết cha rồi! Đơn vị báo động!
Lương cuống cuồng đứng bật dậy, lao khỏi ghế ngồi. Hai đứa tôi cắm đầu, cắm cổ chạy về đơn vị mặc cho ông chủ cắt tóc với với tay theo la oai oái: “Hai… hai chú… cái chú kia cắt mới được nửa… nửa cái đầu mà!”.
Về đơn vị, kiểm tra quân số xong, khi Lương cởi mũ ra, khỏi phải nói, cả đại đội được một trận cười bò lăn bò càng. Một nửa mái đầu mới húi loam nhoam, một nửa khác đang xanh rì màu tóc, lại do chạy một lèo toát mồ hôi nên dính bết vào đầu, trông rất buồn cười! Đại đội trưởng đi đến nghiêng ngó một lúc, cố làm mặt lạnh, hất hàm:
- Đồng chí cắt tóc ngoài quán hử? Trong doanh trại có nơi cắt tóc sao không cắt? Cắt ngoài hiệu cho sành điệu hử?
- Báo cáo đại đội trưởng, chẳng sành điệu, sành điếc gì đâu ạ. Là em kết hợp đi bỏ lá thư rồi thấy có cái hiệu là vào cắt luôn thôi ạ.
Chuyện chỉ có thế, sau đó theo thỉnh cầu của Lương, đại đội trưởng cũng cho cậu ta ra hiệu cắt tiếp để thanh toán tiền cho ông chủ răng vẩu. Tất nhiên là hai thằng tôi bị phê bình dưới cờ. Vậy mà chẳng hiểu rò rỉ thông tin chỗ nào mà Thúy Diễm, người yêu của Lương biết chuyện về mái tóc sành điệu của hắn. Nghe cánh lính kháo nhau là nàng cười tợn lắm. Có cậu còn khẳng định đã tận mắt đọc lá thư nàng gửi lên cho Lương: “Em nghe nói anh có mái đầu sành điệu lắm? Sao anh chẳng nhờ ai đó có máy điện thoại chụp cho một kiểu rồi nhờ họ gửi về cho em. Thế mới biết, anh vào lính chưa đầy tháng mà đã có chuyện hay đáo để vậy. Nếu làm lính cả đời chắc có nhiều chuyện vui lắm nhỉ?!”...
Truyện vui của XUÂN DIỆU