Theo quyển “Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 851, “ngậm” là giữ hoặc làm cho miệng ở trạng thái khép kín. Trang 14, “ăn” là tự cho vào cơ thể thức nuôi sống. Như vậy, thực tế ở đời không ai ngậm miệng lại mà ăn được. Ăn là một bản năng của con người. Khi sinh ra trên đời, ai cũng biết ăn, cần ăn để sống. Tuy nhiên, đó là ăn thực phẩm. Còn “ăn tiền” theo đúng nghĩa đen thì dạ dày không thể chứa được. Nên câu thành ngữ “ngậm miệng ăn tiền” chỉ người im lặng, làm ngơ trước việc trái với lẽ phải để trục lợi hoặc để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.

Theo GS Nguyễn Lân giải thích trong cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, Nhà xuất bản Văn học, năm 2016, trang 305, “ngậm miệng ăn tiền” ý nói lẳng lặng nắm lấy lợi, không nói năng gì.

“Ngậm miệng ăn tiền” không hẳn chỉ nói đến một sự hữu khuynh đơn thuần, do tính dè dặt, nể nang, ngại va chạm nên bỏ qua tất cả biểu hiện sai trái của người khác, mà câu thành ngữ này còn thể hiện sự khôn lỏi, gió chiều nào che chiều ấy, mạnh đâu hùa theo đấy, miễn là có lợi cho mình, đúng sai mặc kệ, ta không đụng đến ai thì chắc cũng không ai đụng đến ta.

Những kẻ “ngậm miệng ăn tiền” phát sinh từ nhiều hướng, nhưng hướng chủ yếu là sự ràng buộc về lợi ích cá nhân.

Thực trạng có nhiều người đặt cái lợi của mình hay nhóm của mình lên trên hết, sẵn sàng “ngậm miệng”, mặc kệ sự thật hay công lý muốn ra sao thì ra, đã gián tiếp gây nên những hậu quả vô cùng tai hại cho tổ chức và xã hội. Hiện nay, trong xã hội xuất hiện những kẻ cơ hội, “ngậm miệng ăn tiền”. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên thì thực trạng này chính là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đó là: Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh... 

VĂN TUẤN